Giải mã bí ẩn di chúc của Võ Tắc Thiên

Google News

Một đời lừng lẫy, tới lúc chết, Võ Tắc Thiên bỗng nhu mỳ đến lạ. Những lời trăng trối trước phút lâm chung của bà hoàng ẩn chứa bí mật gì?

 

- Người đàn bà cao ngạo, tham vọng ngút trời như Võ Tắc Thiên, cớ sao trước phút lâm chung, lại muốn rũ bỏ hào quang một đời gây dựng để cam tâm tình nguyện trở về thân phận khiêm nhường là nàng dâu họ Lý?

Lữ hậu, Từ Hy thái hậu hay Tiêu thái hậu dù có sắc sảo, tham vọng, một tay nắm trọn thiên hạ, khuynh loát triều dã tới cỡ nào, cũng chẳng dám tự xưng là hoàng đế. Chỉ có Võ Tắc Thiên là người duy nhất trong xã hội đề cao nam quyền xưa kia dám công khai xưng đế và lên ngôi. Chính bà ta là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất thời trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, cai trị dưới danh hiệu Thánh Thần Hoàng Đế trong khoảng thời gian từ năm 690 – năm 705. Chỉ người phụ nữ mang trong mình khát khao cháy bỏng về quyền lực lẫn sự quả quyết hiếm có như Võ Tắc Thiên mới làm nên chuyện vô tiền khoáng hậu như vậy. Quyết định xưng đế của bà hoàng quả là đòn đau chí mạng đối với xã hội phong kiến đề cao nam quyền đã dai dẳng tồn tại suốt nhiều năm tại đất nước này.

 
Để leo tới đỉnh chóp bu của quyền lực, Võ Tắc Thiên không từ thủ đoạn gian xảo có, tàn độc, ác hiểm cũng có. Năng lực trị quốc của Võ Mị Nương chẳng kém gì Tiêu thái hậu. Sự tàn độc của người đàn bà này thậm chí còn vượt qua Lữ hậu và Từ Hy thái hậu. Riêng tham vọng quyền lực thì ngút tới đỉnh cao khôn cùng.

Nhưng điều khiến hậu thế không khỏi thắc mắc, ấy là, vì sao di chúc của Võ Tắc Thiên lại khiêm tốn và đầy thiện ý tới mức đáng kinh ngạc? Tới phút lâm chung, thụy hiệu mà Võ Tắc Thiên muốn dùng không phải là hoàng đế mà là Đại thánh hoàng hậu. Bà can tâm tình nguyện trở về với thân phận khiêm nhường là một nàng dâu của dòng họ Lý. Bà khoan dung, thậm chí “lấy lòng” con cháu họ hàng những kẻ thù trên chính trường của mình là Vương hoàng hậu, Tiêu Thụcc phi, Trử Toại Lương, Hàn Viện, cho bọn họ được phục hồi cơ nghiệp.

Những trăn trối ấy dường như trái ngược hoàn toàn với tính cách cao ngạo, với vẻ uy phong tột bậc thường ngày của Võ Mị Nương và phủ định toàn bộ sự nghiệp mà bà dày công gây dựng. Điều gì đã khiến người phụ nữ quyền uy ấy chấp nhận rũ bỏ toàn bộ vinh hoa danh vọng, rũ bỏ cả một vương triều mà mình dốc tâm dốc lực lập ra để trở về với thân phận là một nàng dâu không hơn không kém?

Để giải mã những lời trăng trối của bà hoàng, chúng ta không thể phán đoán một cách nông cạn theo kiểu lấy sự việc luận sự việc, mà cần liên hệ tới hàng loạt sự kiện quan trọng liên quan tới di chúc này. Thậm chí, phải tìm đáp án từ chính trong cuộc sống hay tâm lý của Võ Tắc Thiên.

Trong những tháng năm cuối đời, tinh thần của bà hoàng luôn buồn bã, ảm đạm. Còn nhớ, lúc Võ hậu mới lên ngôi, mọi thứ đều bao phủ một màu huyền bí. Khi ấy, Võ Tắc Thiên cho rằng mình sánh ngang với trời, không gì là không thể làm được. Sử sách chép rằng, Võ Tắc Thiên vào những năm cuối đời còn mọc răng. Vì điều ấy, bà ta càng vỗ ngực cho rằng, bản thân vượt trội hơn hẳn chúng sinh. Khi xưng đế, Võ Tắc Thiên 66 tuổi, hơn thất thập, nhan sắc của bà vẫn chẳng có dấu hiệu đổi thay, tinh lực vô cùng sung mãn. Năm 74 tuổi, bà dùng thuốc trường sinh, nuôi ước vọng đạt tới cảnh giới trường sinh bất lão nhờ phép dưỡng sinh của Đạo gia.

Nhưng suy cho cùng, Võ Tắc Thiên vẫn chỉ là con người. Sau khi bệnh tật từng cơn giáng xuống, bà hoàng quả thực đã cảm thấy sự hạn chế của chính bản thân mình. Chắc chắn điều này đã khiến Võ hậu rơi vào trạng thái sợ hãi. Những quan niệm về giá trị cuộc sống trước đây đã ngầm đổi thay trong lúc bối rối. Tuy vẫn ra sức áp dụng phương pháp của Đạo giáo lẫn Phật giáo để đạt ước nguyện trường sinh, nhưng Võ Tắc Thiên cũng buộc phải chú tâm hơn tới chuyện thu xếp hậu sự.

Bà hoàng cho triệu hoàng thái tử, Tương vương, Thái Bình công chúa cùng Lương vương Võ Tam Tư, Định vương Võ Du Ninh…tới Minh đường làm lễ thề nguyện, chiếu cáo thiên địa, sẽ vĩnh viễn chung sống hòa hợp. Tiếp đó, Mị Nương còn dốc tâm dốc sức sắp xếp chuyện kết thông gia giữa họ Lý và họ Võ, để hai dòng họ thêm phần thân thiết, tránh chuyện đao kiếm phát sinh sau khi mình băng hà.

Rõ ràng, bà là người phụ nữ rất trọng tình cảm. Khi cơ thể đã suy nhược, hai kẻ tình nhân của Võ hậu là Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông phụng mệnh bà, chủ trì đại sự triều chính rồi trở thành những kẻ quyền thế hống hách. Cả hai đều là hạng không có công đức, lại tham lam vô phép, ăn của đút làm trái phép tắc triều đình, thậm chí còn muốn khống chế thái tử. Những hành vi cậythế lộng quyền của bọn Chi, Tông khiến bách tính muôn dân vô cùng phẫn nộ. Võ Tắc Thiên một mực bao che, khiến triều chính càng bị đẩy đến bờ vực nguy hiểm. Cuối cùng, vào năm Thần Long thứ nhất (tức năm 705), khi Võ Tắc Thiên lại lâm trọng bệnh, chính biến đã nổ ra trong triều.

Vào ngày Quý Mão, tể tướng Trương Giản Chi, Thôi Huyền Vĩ cùng tả vũ lâm tướng quân Hoàn Ngạn Phạm, tả uy vệ tướng quân Tiết Tư Hành, thống lĩnh hơn 500 quân ngự lâm kéo tới Huyền Vũ môn, làm nên chính biến.

Ngoài ra, bọn họ còn phái tả vũ lâm tướng quân Lý Đa Tộ, hữu vũ lâm tướng quân Lý Trạm cùng với Nội Trực Lang, phò mã đô úy An Dương Vương Đồng Kiểu cùng một số người khác tới Đông Cung nghênh đón thái tử.

Vốn thái tử cũng là người tham gia vào âm mưu đảo chính, nhưng khi chuyện xảy ra lại do dự. Vương Đồng Kiểu lên tiếng khuyên nhủ: “Tiên Đế đã giao thần khí cho Điện Hạ, nếu vua làm chuyện ngang ngược, tăm tối, làm cả thần lẫn người đều căm hận thì ắt phải phế bỏ…Nay chúng thần xuất phát từ tấm lòng trung, đồng tâm hiệp lực, muốn lấy ngày này để trừ hung diệt ác, phục hồi lại xã tắc giang sơn cho họ Lý. Chúng thần nguyện mong Điện Hạ tạm dời tới Huyền Vũ môn để đáp lòng mong mỏi của dân chúng.”

Thái tử nói: “Trừ gian diệt ác là chuyện nên làm. Nhưng nay hoàng thượng ngọc thể bất an, liệu làm vậy có kinh động tới hoàng thượng (ý chỉ Võ Tắc Thiên)! Các khanh phải lo nghĩ về sau.”

Lý Trạm giận dữ nói: “Các tướng đã không màng tới gia tộc để hy sinh vì xã tắc, sao Điện Hạ có thể đẩy chúng thần vào chỗ chết như vậy…” Ý tứ đã quá rõ ràng, nếu thái tử không chịu đi, chính biến không thể thành công, tướng binh ắt sẽ mất mạng mà chẳng có nổi tấc đất vùi thây. Cuộc đảo chính không thể hoãn lại nữa rồi.

Tới lúc này, thái tử mới chịu đi ra. Vương Đồng Kiểu đỡ thái tử lên ngựa rồi cùng tới Huyền Vũ môn tụ hội, sau đó xông thẳng vào Nghênh Tiên cung, nơi Võ Tắc Thiên ở. Trông thấy đám Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông, Trương Giản Chi không nói một lời, lập tức chém đầu lũ tiểu nhân. Quân sĩ lại kéo tới điện Trường Sinh, nơi Võ Tắc Thiên đang nằm nghỉ, bao vây kín điện.

Võ Tắc Thiên giật mình kinh hãi, cất tiếng hỏi: “Kẻ nào dám làm loạn?”.

Bên ngoài có tiếng trả lời: “Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông mưu phản. Chúng thần đã phụng mệnh thái tử giết chết chúng. Sợ chuyện bị lộ, nên không dám báo trước. Nay, chúng thần dẫn quân vào cung, tội này đáng chết vạn lần!”

Võ Tắc Thiên nhìn thấy thái tử, có phần không tin con trai mình lại dám to gan lớn mật đến vậy, liền nói: “Có phải là con không? Bọn tiểu tử đã bị chém đầu, con có thể quay về Đông Cung được rồi!”

Thái tử không dám trả lời.

Hoàn Ngạn Phạm tiến lên trước một bước, rồi cất giọng: “Thái tử làm sao có thể trở về được! Năm xưa Tiên Hoàng đã giao phó ái tử cho Bệ hạ, nay thái tử tuổi đã lớn, ở Đông Cung đã lâu, không hợp tình hợp lý. Ý trời và lòng người từ lâu đều nhớ mong họ Lý. Quần thần không quên ơn đức của Thái Tông, Thiên Hoàng, vì thế chúng thần phụng mệnh thái tử giết bọn tặc thần. Chỉ mong Bệ hạ truyền ngôi cho thái tử để thuận ý trời, lòng người.”

Biết rằng đại thế đã mất, nhưng Võ Tắc Thiên vẫn nỗ lực tới cùng. Bà nhìn thấy con trai của Lý Nghị Phủ là Lý Trạm cũng đứng ở phía trước, liền nói: “Ngươi cũng tham gia mưu sát Trương Dịch Chi sao? Ta đối với cha ngươi không bạc chút nào, sao lại có ngày hôm nay?”.

Lý Trạm bị câu nói trên làm cho kinh hồn bạt vía, không thể mở miệng đáp lời.

Võ Tắc Thiên lại “chĩa mũi nhọn” vào Thôi Huyền Vĩ: “Những kẻ khác đều là do người khác giới thiệu mà thăng quan tiến chức. Chỉ duy có ngươi là do trẫm tự cất nhắc, ngươi cũng nằm trong đám bọn họ sao?”

Thôi Huyền Vĩ trả lời ngay: “Chuyện này là để báo đáp đại đức của Bệ hạ.”

Câu nói rõ ràng hàm ý sâu xa. Võ Tắc Thiên không truy vấn thêm nữa.

Trong tình cảnh như vậy, bà hoàng bị “giam lỏng” và buộc phải truyền ngôi cho thái tử Lý Hiển, dời cung tới Thượng Dương cung. Tuy tân hoàng đế vẫn dẫn theo quần thần tới thỉnh an mẹ và tôn kính phong bà là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế, nhưng chắc hẳn trong lòng Võ Tắc Thiên vô cùng khó chịu. Một bà hoàng ham mê quyền lực như vậy, nằm mơ cũng không nghĩ sẽ có ngày phải hứng chịu kết cục ê chề thế này. Đó quả là đòn đau chí mạng với người phụ nữ tham vọng Võ Mị Nương.

Sau biến cố trên, tuy đã sức cùng lực kiệt nhưng người phụ nữ cả đời có duyên với Phật này đã ngộ ra cái đạo của kiếp nhân sinh vào lúc hấp hối.

Thì ra, mọi quyền lực, vinh hoa phú quý đều là hư vô. Màn kịch dù có huy hoàng tới mấy rồi cũng phải hạ màn. Ngoảnh đầu nhìn lại, mới thấy, cả cuộc đời bà phần lớn đều sống trong sự cực đoan cố chấp, cái danh hiệu “Thánh Thần Hoàng Đế” cũng chỉ là nhất thời.

Đã tới lúc Võ hậu cảm thấy có phần mệt mỏi, bà muốn được an nghỉ và quay trở về với thân phận nàng dâu của Lý gia.

Vì thế, trước lúc lâm chung, Võ Tắc Thiên đã khoan dung, lượng thứ một cách đầy thiện ý cho những kẻ địch trên chính trường lẫn tình địch của mình. Bà còn yêu cầu được chôn cất ở Càn Lăng, hợp táng cùng chồng là Đường Cao Tông Lý Trị, rũ bỏ hư danh hoàng đế mà quay về với thân phận hoàng hậu.
 

Thiên hạ vô cùng kinh ngạc trước những lời trăng trối của Võ Tắc Thiên, cho rằng đây chẳng qua là sự lựa chọn bất đắc dĩ nhưng cũng đầy sáng suốt của bà. Họ đâu biết rằng, sự sáng suốt cũng cần được hậu thuẫn bởi sự cảm ngộ. Với phong thái tôn quý vốn có của mình, Võ Tắc Thiên không hề “phản kích” dù chỉ một chút sau khi thất thế. Điều ấy cho thấy, bà đã thay đổi. Không chỉ vậy, Võ hậu còn tận dụng khoảng thời gian cuối cùng trên cõi đời để sửa lại những án oan, án sai do mình gây nên, dám thừa nhận sai lầm của mình. Điều này không thể giải thích bằng những từ “bất đắc dĩ” và “sáng suốt”. Bởi dù không làm vậy, sự tôn quý vốn có của bà cũng chẳng bị ảnh hưởng phần nào. Liệu hậu thế có bao nhiêu người đứng đầu các vương triều dám hành xử như Võ Mị Nương?.

Vì những lời dặn dò trước lúc ra đi ấy, dưới sự hộ tống của con trai là Trung Tông hoàng đế, linh cữu của Võ Tắc Thiên đã được đưa về Trường An hợp táng với Đường Cao Tông ở Càn Lăng. Bà đã vĩnh viễn được an nghỉ trong thái miếu của Lý Đường, được sự tôn kính của con cháu Lý thị. Tới tận triều đại của Đường Huyền Tông, nhà vua vẫn tôn bà là Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng Hậu.

Như vậy, di chúc trước phút lìa xa cõi đời của Võ Tắc Thiên tưởng chừng tầm thường là vậy lại toát lên cái phi phàm ẩn chứa trong con người bà – một nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến cổ đại Trung Quốc.

Bình luận(0)