Tựa vào anh, tôi có bình yên?

Google News

Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi chồng tại sao ngày xưa chúng tôi không đến với nhau cho trọn vẹn yêu thương.

“Má ơi, ông ngoại ơi, bác Hùng đến. Bác Hùng kìa. Má nấu nhiều thêm, cho bác Hùng ăn với”. Buổi chiều, tôi đang lui cui dưới bếp, con gái chạy một mạch vào, vừa thở hổn hển vừa liên tục thông báo. Từ ngày về sống với ông ngoại, con quen được bác Hùng, suốt ngày cứ nhắc bác mãi.
Hùng là học trò của ba tôi. Ba tôi nghỉ hưu, về quê sống đã mười mấy năm, học trò cũ không còn được mấy người tới lui thăm viếng. Hùng là một ngoại lệ. Mấy chục năm qua, mỗi năm ít nhất đôi ba lần anh đến nhà chơi. Có thời gian Hùng làm ăn xa xứ, đâu tận châu Âu, vậy mà cũng không quên viết thư tay gửi thăm thầy ngày nhà giáo. Lần đó về, anh tặng ba tôi chiếc laptop, tận tình hướng dẫn thầy cách sử dụng internet. Ba tôi nói, từ khi xài máy vi tính, thầy trò gặp nhau hàng ngày, hết trao đổi kiến thức đến xướng họa thơ ca, như đôi bạn vong niên.
Tôi biết Hùng từ khi còn nhỏ xíu. Anh hơn tôi 15 tuổi, là cậu học trò cưng mà ba tôi nhắc đến nhiều nhất. Suốt tuổi thơ, tôi coi Hùng như người anh lớn với tất cả sự ngưỡng mộ. Rồi tôi lập gia đình, sinh bé Su. Nhiều điều đau lòng đã xảy ra, tôi không giữ được tổ ấm bình yên cho con gái mình. Hai mẹ con chuyển về sống cùng ông ngoại, vừa tiện chăm sóc cha già, vừa để tôi nguôi ngoai. Chính Hùng đã giúp chuyển đồ đạc và chở con gái của thầy về nhà cũ.
 Ảnh minh họa.
Một tuần năm ngày đi dạy, thời gian còn lại tôi an nhàn với khu vườn cũ, mái nhà của tuổi thơ xưa. Bạn bè nói tôi trốn chạy nỗi buồn. Tôi cũng không biết, chỉ biết đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy vô cùng bình lặng. Khi nghe đứa con duy nhất nói sẽ sống ở đây cho đến hết đời, ba tôi trầm ngâm thật lâu rồi run giọng: “Còn trẻ lắm con, đâu có được. Khi ba về với ông bà, hai mẹ con bây sống làm sao?”. Từ đó, ba cứ nói dè chừng chuyện đi bước nữa. Mỗi lần ba đề cập, tôi chỉ cúi đầu im lặng. Một hôm, tự dưng ba buột miệng hỏi: “Con thấy thằng Hùng ra sao? Sắp 50 rồi mà vẫn chưa vợ con gì”. Tôi cười giả lả: “Cỡ ảnh ra đường con gái đeo đầy, tại ảnh kén thôi ba”.
Câu hỏi vu vơ của ba khiến tôi trằn trọc cả buổi tối. Nhìn bé Su say giấc, tôi mơ màng thả hồn về những ngày tháng của tuổi mộng mơ. Thần tượng của tôi, người con trai thông minh, nghiêm nghị, có giọng ấm trầm và đôi mắt sáng ngời...
Biết thầy đi cắt tóc chưa về, Hùng không ngần ngại xắn tay áo phụ tôi nấu nướng. Cuộc sống độc thân đã khiến anh tháo vát không ngờ. Vừa xào rau, anh vừa trêu chọc bé Su, gợi đủ thứ chuyện để tôi có thể cùng tham gia. “Sao anh kén quá vậy? Cưới vợ sinh con đi chứ, tóc sắp bạc rồi” tôi giả lả trêu. Anh bối rối, bảo bao năm nay chỉ biết lo làm ăn, quên để ý tới đàn bà con gái. Rồi anh kéo Su vào lòng, hỏi chịu làm con bác không, gọi ba Hùng thử đi. Tự dưng tim tôi đập thình thịch khi nghe con reo lên thích thú: “Ba Hùng”.
Sau đó, Hùng đến nhà thường xuyên hơn. Ba tôi vui lắm. Tôi ngầm biết ba đã nhiều lần gợi ý chuyện tác hợp lương duyên. Điều khiến tôi bất ngờ là anh không hề né tránh mà tỏ vẻ thuận lòng. Như cái cây bị gió bão quật ngã được dựng trồng trở lại, tôi không còn đủ tự tin khi đứng trước một người đàn ông như Hùng.
Nhưng rồi sự nhiệt tình và chân thành đã đánh bạt những tự ti. Chúng tôi thành đôi một năm sau đó. Chỉ hai tháng nữa bé Su sẽ có em. Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi chồng tại sao ngày xưa chúng tôi không đến với nhau cho trọn vẹn yêu thương. Chồng tôi cười thản nhiên: “Nghĩ chi những chuyện nhức đầu, sống cho hiện tại, thoải mái, tươi vui để con mình khỏe mạnh chào đời”. Mỗi khi lòng hoang mang, chỉ một câu tương tự như thế của chồng là đủ để tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi hiểu, chỉ cần tựa vào anh, tôi sẽ bình yên.
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)