Người ở nhà

Google News

Chị hiểu mình đã tạo cho chồng thói quen không dễ thay đổi: thói coi mọi việc liên quan đến con cái, nhà cửa, cơm nước là của đàn bà.

Nhiều thứ trên ti vi qua đi không để lại dấu vết, nhưng tin các bà mẹ được nghỉ hộ sản sáu tháng thì bà nội cập nhật rất nhanh, nhớ kỹ và “phát lại” nhiều lần trong những bữa ăn.
Bà mừng lắm, vì cô dâu út là giáo viên, chỉ cần thu xếp chút xíu là có thể được nghỉ thêm mấy tháng hè, khi phải đi làm lại thì cháu bà đã cứng cáp. Mà có khi ở nhà trông con luôn, khỏi phải đi làm là khỏe nhất. Như chị Hai, cũng cử nhân kinh tế, nhưng từ lúc có con là ở nhà luôn tới giờ, tính ra, thời buổi lương ba cọc ba đồng, ở nhà còn đỡ tiền xăng xe, quần áo…
Chồng Út tán thêm, bà Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã quyết định chính phủ sẽ bớt tập trung tiền cho việc xây dựng nhà trẻ, khuyến khích các bà mẹ nhận trợ cấp để ở nhà nuôi con, mỗi bà mẹ có con từ 13 đến 36 tháng có thể chọn phương án ở nhà nuôi con với khoản trợ cấp 150 euro/tháng, tính ra hơn bốn triệu đồng Việt Nam. Tưởng bao nhiêu, chứ chừng ấy tiền, chồng sẵn sàng trả lương để vợ ở nhà nuôi con cho khỏe!
 Ảnh minh họa.
Bất ngờ lớn nhất là chị Hai. Một bữa chị em rù rì, chị bảo Út đừng nghỉ việc, chị cũng đang tính đi làm lại, dù biết khó khăn lắm, vì chị ở nhà 14 năm rồi.
Còn nhớ khi mang thai đứa thứ nhất, chồng chị thuyết phục: “Anh đi làm đủ tiền nuôi em và con, em đừng đi làm nữa, vất vả cực nhọc mà lương tiền chẳng bao nhiêu. Có em ở nhà chăm con anh mới yên tâm. Con mình cần mẹ, chẳng ai thay thế em được…”. Sinh bé thứ nhất, niềm vui làm mẹ đầy ắp cùng với cảm giác không thể rời con được khiến chị thấy việc ở nhà chăm con là may mắn của mình. Rồi bé thứ hai ra đời. Năm năm, sáu năm rồi, giờ chị đã ra dáng một bà nội trợ. Kiến thức chuyên môn rơi rụng dần, đến nỗi năm rồi chị đã im lặng từ chối đám bạn rủ họp lớp, vì nghĩ mình đến đó sao lạc lõng quá.
Mai Yên, cô bạn chị lấy chồng nước ngoài, cũng ở nhà nuôi con, hưởng trợ cấp dành cho bà mẹ. Một hôm viết thư than thở: “Mình nhớ cảm giác đi làm. Mình muốn đi làm lại, dù biết chắc chắn là vất vả hơn, lương có khi không bằng tiền trợ cấp…”.
Thực tế, trong gia đình hay trong xã hội, người làm ra tiền thường giữ vai trò quyết định, có tiếng nói ảnh hưởng lớn hơn. Người còn lại trở thành phụ thuộc. Phụ nữ ở nhà có khi quanh quẩn những việc không tên suốt ngày không hết, nhưng những việc ấy lại không trực tiếp làm ra tiền. Sữa, tã cho con, cơm nước, chợ búa, thuốc men… chỉ khiến tiền tiêu đi mà thôi. Những năm đầu tiên chị ở nhà, vợ chồng còn ríu rít những khi anh đi làm về, nhưng càng ngày, chủ đề chung của những câu chuyện càng cạn. Anh ham lai rai quán xá. Chị ít hẳn bạn bè, chỉ còn kết thân với bà bán rau, bán thịt và những bà nội trợ khác chung cảnh đưa con xuống sân chơi buổi chiều. Đã thấy có khi anh chậm đưa tiền mà chị không dám nhắc, bởi biết chắc sẽ nhận được cái cau mặt khó chịu của chồng. Những khi con đau ốm, mình chị quần quật từ nhà tới bệnh viện, vẫn không tránh khỏi những lời bóng gió, sự bực bội, gắt gỏng của chồng và của cả bố mẹ chồng: ở nhà có chừng đó việc mà cũng không xong!
Chị nhớ mình ngày trước, cũng trẻ trung, năng động, nuôi quyết tâm sẽ trở thành một trưởng phòng. Vậy mà giờ đây, ngoại ngữ rơi rụng, sự nhanh nhạy cùn mòn, trước một sự kiện cỏn con cũng thấy lo lắng. Rồi chị lại còn béo ra vì bữa nào cũng “dọn dẹp” đồ ăn thừa cho con, chẳng nghĩ gì đến ăn kiêng, giữ dáng vì cứ quanh quẩn suốt ngày với đồ bộ, quần lửng, áo thun. Đôi khi chạnh lòng nhìn những cô nàng thon thả, nhanh nhẹn, váy bó giày cao gót, chị vẩn vơ lo, liệu chồng mình có vượt qua nổi những “váy ngắn chân trần” long lanh trong công sở kia không.
Chị quyết định đi làm trở lại!
Trẻ con trong nhà đã lớn. Chị bàn với chồng phân công nhau đưa đón con. Anh bảo không quen, giờ giấc sát rạt, hay là nhờ bác Tư xe ôm? Chị phản đối. Anh không thể đơn giản dùng tiền thuê, hay đẩy con cho người lạ, trong khi anh cũng như chị, có một nửa trách nhiệm nuôi dạy con. Nhưng, một vài lần chứng kiến cảnh con bé chín tuổi đứng đợi bố trước cửa trường khi trời đã sập tối, chị hiểu mình đã tạo cho chồng một thói quen không dễ gì thay đổi: thói quen coi mọi việc liên quan đến con cái, nhà cửa, cơm nước là chuyện của đàn bà, vô tư không lo lắng khi biết đã có vợ lo...
Chị phải thu xếp thời gian đón con, nhưng không dễ gì. Đi làm nửa tháng, chị gầy hẳn đi: giờ giấc gò bó, tâm lý không ổn định, áp lực công việc... Người ta chẳng thể nào đi làm “cho vui” trong một cộng đồng mà mọi cá nhân đều phải nỗ lực hoàn thành phần việc của mình.
Nhiều người bảo: ở nhà chồng nuôi, có phước không chịu hưởng, lại muốn lăn lưng ra đời cho vất vả. Nhưng chị biết, mình sẽ tiếp tục cố gắng. Hơn cả tiền bạc, cảm giác được sống bằng năng lực của bản thân, cảm giác mình hữu ích và tự lập là động lực thôi thúc chị. Mạnh hơn nữa là cảm giác được tôn trọng, được tự chủ, cảm giác mình sống bằng chính nghề nghiệp của mình, tiêu đồng tiền do chính mình làm ra.
Chị bảo Út: có người ở trong nhà rồi tự mình đóng kín cửa, chọn một cuộc đời bình an, bình an đến mức có lúc gần như vô nghĩa. Gia đình, xã hội đã cung cấp nền giáo dục, nghề nghiệp để người phụ nữ tìm thấy sự bình đẳng trong quan hệ xã hội và gia đình. Quãng thời gian ở nhà nuôi con lại đẩy người phụ nữ về với công việc nội trợ đơn thuần và phụ thuộc. Lý do thường được viện đến là con, nhưng đó không phải là lý do để người phụ nữ giam mình trong sự phụ thuộc vĩnh viễn.
Luật định cho sáu tháng nghỉ hộ sản, là dành cơ hội để người mẹ trẻ được trở lại với công việc trong một tâm thế ổn định hơn. Việc tổ chức gia đình phải là việc của cả hai vợ chồng, sao cho “ở nhà” là quãng thời gian tiếp thêm sức lực cho người phụ nữ trên bước đường phát triển; sao cho “người ở nhà” vẫn có thể thoải mái tự tin khi bước vào thế giới công việc, vươn lên bằng khả năng của mình.
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)