Ukraine thành đấu trường chiến tranh Lạnh của Nga - Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Nga và phương Tây đang ra sức đấu trí, tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng tại Ukraine, trong đó Tổng thống Putin tuyên bố, Kiev không được phép đi lạc khỏi quỹ đạo của Moscow.

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tới thăm Ukraine vào tháng 7/2013, giới ngoại giao Mỹ nhận được thông tin về thông điệp mà nhà lãnh đạo nước Nga chuyển tới giới lãnh đạo Ukraine phía sau những cánh cửa đóng kín. Ukraine - Tổng thống Putin cảnh báo - không được phép đi chệch khỏi quỹ đạo của Moscow.
Giới chức Mỹ nhận định, lời cảnh báo thẳng thừng và cứng rắn trên của nhà lãnh đạo Nga không gây bất ngờ khi nhiều người có thể dự đoán Moscow sẽ hành động quyết liệt để giữ ảnh hưởng tại Ukraine trước nỗ lực của phương Tây để lôi kéo, ve vãn nước này.
 Cuộc khủng hoảng ở Ukraine biến nước này trở thành đấu trường của Nga và phương Tây.
7 tháng sau đó, Mỹ và Nga lao vào cuộc chiến tranh tâm lý theo kiểu Chiến tranh Lạnh để giành giật Ukraine về phía mình khi nước này lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị và đối mặt với nguy cơ các cuộc biểu tình chống chính phủ leo thang thành bạo lực đẫm máu. Và thực tế cho thấy, những vụ bạo lực lẻ tẻ đã xảy ra ở thủ đô Kiev và nhiều khu vực khác ở khắp Ukraine.
Tổng thống Obama muốn tránh bị Nga chỉ trích, lên án “cướp đoạt” ảnh hưởng và lợi ích của họ tại Ukraine vốn hạn chế lựa chọn các đòn bẩy trực tiếp. Nhưng Washington đã quyết định nắm bắt ngay cơ hội "nghìn năm có một" khi Ukraine lâm vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, ít nhất là mặt ngoại giao khi công khai tuyên bố phản đối lối hành xử ép buộc của Moscow đối với Kiev.
Căng thẳng giữa 2 đối thủ thời Chiến tranh Lạnh Nga - Mỹ lại được đổ thêm dầu khi tuần trước, một đoạn ghi âm chứa đựng nội dung Mỹ xúi giục đảo chính ở Ukraine bị rò rỉ. Cụ thể, đoạn băng ghi âm là cuộc trao đổi - được cho là giữa Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt - về việc thành lập chính phủ mới tại Kiev. Đoạn ghi âm được cho là minh chứng xác thực và mạnh mẽ trước những cáo buộc về sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ Ukraine của Nga.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ở Kiev ngày 6/2.
Mỹ - không hề phủ nhận tính xác thực của đoạn băng ghi âm, mà chỉ cáo buộc Nga cố tình làm rò rỉ băng ghi âm đoạn hội thoại giữa bà Nuland và ông Pyatt với “động cơ thấp hèn” và đặt câu hỏi về việc liệu có khả năng Moscow đang nghe lén, theo dõi các hoạt động ngoại giao của Washington.
Dù giới chức Mỹ vẫn công khai tuyên bố rằng, họ cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với người Nga về vấn đề Ukraine và cho rằng, quân đội Nga sẽ ít có khả năng can thiệp vào nước này. Tuy nhiên, không ít người kín đáo bày tỏ quan ngại về cảnh báo không cho phép Kiev đi chệch khỏi quỹ đạo của Moscow cho thấy, dường như Nga đang muốn vẽ lại biên giới châu Âu và bắt đầu lại các thỏa thuận sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, phá vỡ nỗ lực của chính quyền Obama “để hâm nóng quan hệ” với đối thủ thời Chiến tranh Lạnh.
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ - Tổng thống Putin (phải) và Tổng thống Obama (trái) đều mang vẻ mặt khó chịu trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Ireland mùa hè năm ngoái.
Trước đó, chính sách "tái thiết" quan hệ với Nga trong nhiệm kỳ đầu cảu Tổng thống Obama đã đạt được thành tựu bước đầu là 2 bên đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân mới, cũng như những cam kết hợp tác về vấn đề Afghanistan. Tuy nhiên, lòng tin giữa Nga và Mỹ chưa từng bền lâu.
Washington và Moscow hiện bất hòa về vấn đề Syria khi chính phủ Nga kiên quyết ủng hộ và bảo vệ Tổng thống Assad còn Mỹ, ngược lại. Hai đối thủ không đội trời chung thời Chiến tranh Lạnh vốn bất đồng từ lâu về các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ mà Nga cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia của nước này.
Chưa hết, quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục đóng băng khi Moscow đồng ý cung cấp nơi tị nạn cho người thổi còi Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đang bị chính phủ quê hương săn lùng gắt gao.
Mới nhất, quan hệ căng thẳng giữa 2 nước được phản ánh rõ rệt thông qua việc giới chức cấp cao của Mỹ đều ở nhà, không buồn tới dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại thành phố Sochi (Nga) mà Moscow ca ngợi là sẽ đánh dấu mốc quan trọng về sự hồi sinh của nước Nga thời hậu Xô Viết dù Tổng thống Obama có góp mặt ở sự kiện này. Cũng không thể không kể đến việc trong đoàn đại biểu Mỹ gửi tới tham dự Thế vận hội mùa đông có nhiều vận động viên đồng tính – được cho là nhằm mục đích biểu thị sự phản đối, giễu cợt của Washington đối với luật cấm tuyên truyền đồng tính của Nga.
Thomas Graham, cựu cố vấn về Nga cho chính quyền Tổng thống George W. Bush cho biết, chính quyền Obama dường như đang thể hiện cho cả đồng minh lẫn kẻ thù của họ thấy rằng, Mỹ đang ra sức “chen chân” vào Đông Âu trong thời điểm khi quan hệ Nga-Mỹ đang “lao dốc không phanh”.
Tuy nhiên, ông Graham và nhiều nhà phân tích khác cũng cho rằng, Mỹ không có nhiều lợi thế để ảnh hưởng và chi phối kết quả của cuộc khủng hoảng Ukraina.
“Động lực thúc đẩy hoàn toàn nằm về phía Nga. Thực tế, Mỹ và EU khó lòng hứa hẹn cho Ukraine 15 tỷ USD. Nhưng ông Putin sẽ lập tức tuyên bố, tốt thôi, đây là 25 tỷ USD. Ông ấy có khả năng hứa hẹn nhiều hơn, vung tiền nhiều hơn chúng tôi”, ông Steven Pifer, một cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine hiện đang làm việc tại Viện Brookings ở Washington bình luận.

Các cựu quan chức và các nhà phân tích Mỹ cho rằng, Nga nắm giữ lá bài chủ khi Kiev phụ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng từ Moscow cũng như gói cứu trợ tài chính khổng lồ trị giá 15 tỷ. Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã đổi một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu để lấy số tiền kếch xù trên của Nga.

Bạch Dương (theo BI)

Bình luận(0)