Tokyo thất thế trong tam giác quyền lực Mỹ-Trung-Nhật

Google News

(Kiến Thức) - Washington xem ra ngày càng e ngại Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lợi dụng Mỹ làm lá chắn để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Hoa Đông.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ barack Obama.
Liên minh Nhật-Mỹ hiện vẫn được coi là trung tâm của chính sách chiến lược của Mỹ. Song Washington dường như càng ngày càng không muốn bị kéo vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thực tế, Washington đang lo ngại không chỉ về một “Trung Quốc cơ bắp” mà còn một Nhật Bản theo đuổi "chủ nghĩa xét lại".
Một điều không thể phủ nhận, Mỹ có không ít lợi ích trong việc duy trì các mối quan hệ với cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Nếu Nhật vẫn nằm trong sự bảo trợ của chiếc ô an ninh Mỹ thì Trung Quốc là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một cường quốc đang nổi và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tất cả những điều này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ hơn bất cứ khu vực nào khác tại Châu Á.
Thực tế, dù Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực khi ngày càng tỏ ra quyết đoán và khiêu khích hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, trong đó có những đồng minh của Mỹ, Washington có vẻ ngày càng miễn cưỡng chống lại Trung Quốc, ủng hộ các liên minh của họ tại Châu Á.
Washington nhấn mạnh rõ ràng, dù theo đuổi chính sách "xoay trục" về Châu Á, Mỹ cũng không có ý định tự chuốc lấy phiền phức và các nguy cơ an ninh bằng cách hỗ trợ các đồng minh Châu Á chống lại Trung Quốc hoặc các hành động gây tổn hại đến những quan hệ chính trị- kinh tế quan trọng với Bắc Kinh.
Mỹ nhiều lần tuyên bố, chính sách "xoay trục" về Châu Á không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc nhưng nhằm củng cố vai trò của Mỹ tại Châu Á cũng như cán cân quyền lực trong khu vực. Do đó, Washington chỉ buộc phải lên tiếng khi Trung Quốc có các hành động có nguy cơ ảnh hưởng và gây hại cho lợi ích an ninh của họ, chẳng hạn tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mặc dù quan tâm ngăn chặn sự hình thành của một Châu Á với trung tâm là Trung Quốc, nhưng Mỹ  không muốn vướng vào các tranh chấp lãnh thổ rắc rối và nguy hiểm. Do đó, họ sẽ muốn theo đuổi chiến lược hỗ trợ Nhật Bản nhưng không xa lánh Trung Quốc, mặc dù điều này rất khó để cân bằng.
Từ đó, các nhà quân sự Trung Quốc có thể cân nhắc kịch bản một cuộc xung đột có giới hạn với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, nếu không trực tiếp đe dọa lợi ích của Mỹ, Washington có thể không muốn đối đầu với Bắc Kinh.
 Nếu lợi ích trực tiếp không bị đe dọa, Mỹ sẽ không tự chuốc phiền phức, nguy hiểm để can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật.
Tuy nhiên, thế tiến thoái lương nan của Mỹ hiện nay là, nếu tỏ ra quá lạnh nhạt với Nhật Bản trong trường hợp này, sự tín nhiệm đối với chiến lược răn đe mở rộng trên toàn cầu của Mỹ sẽ chắc chắn bị tổn hại nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao Washington muốn ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự Trung-Nhật.
Thế tiến thoái lương nan của Mỹ còn có nghĩa là Nhật Bản phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn, tự bảo vệ minh và không phụ thuộc quá nhiều vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Sau gần một thập kỷ, trong khi chi tiêu quân sự của Nhật Bản giảm hơn 5% còn Trung Quốc lại tăng 270%. Điều này mang lại cho Nhật Bản cái cớ để tăng cường đầu từ xây dựng các khả năng quốc phòng cần thiết nhằm đối phó với mối nguy bị xâm lược. Ngoài ra, cũng cùng một lý do như vậy, chính phủ Abe đang kêu gọi sửa đối Hiến pháp hòa bình mà Mỹ áp đặt cho Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2 nhằm biến “lực lượng phòng vệ” dân sự trở thành lực lượng quân đội chính quy, được phép đánh đòn phủ đầu trong trường hợp bị đe dọa tấn công quân sự.
Tokyo phân bua, với 6.800 đảo xa, Nhật Bản cần phải có khả năng phòng không trên biển đáng tin cậy hơn bao gồm các hệ thống vũ khí tấn công chiến thuật như tên lửa hành trình và máy bay ném bom chiến lược cũng như các lực lượng bộ binh đổ bộ có khả năng bảo vệ các đảo xa xôi, hẻo lánh.
Để củng cố vai trò bền vững và lâu dài tại Châu Á, Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự tại Nhật Bản, đặc biệt là ở Okinawa. Tuy nhiên, Tokyo có lý do để quan ngại Mỹ sẽ ngần ngại trong việc bảo vệ Nhật trong trường hợp họ bị Trung Quốc tấn công, liên quan đến tranh chấp quần đảo Điếu Ngư.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng tuyên bố, Mỹ áp dụng Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật vào trường hợp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không có nghĩa là nếu Trung Quốc tấn công vũ lực nhắm vào quần đảo, Mỹ sẽ đáp trả bằng mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả biện pháp quân sự.
Vừa rút chân ra khỏi cuộc chiến đẫm máu và tốn kém ở Afghanistan và Iraq, một nước Mỹ đã thấm mỏi mệt có vẻ không muốn tham chiến vào thời điểm này, đặc biệt là khi quyền lợi của họ không trực tiếp bị đe dọa. Và trường hợp tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, rõ ràng Mỹ đã hơn một lần tuyên bố, họ kiên quyết duy trì quan điểm trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp.
Hơn nữa, đối với Mỹ, sự thay đổi của bối cảnh địa chính trị ở Châu Á-Thái Bình Dương đang hạ thấp dần tầm quan trọng của Hiệp ước an ninh với Nhật. Với quan hệ Mỹ-Trung là trọng tâm, có thể  dễ dàng nhận thấy rằng liên minh Mỹ-Nhật đã bắt đầu lỗi thời bất chấp một số tuyên bố khoa trương của giới lãnh đạo 2 bên. Trong những năm tới, Nhật Bản chắc chắn sẽ nhận thấy họ ngày càng bị lép vế trong quan hệ Trung-Mỹ.
Cuối cùng, về phía Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng sẽ thích một Nhật Bản phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ hơn là một láng giềng “xét lại”, tái vũ trang quân đội và trở nên độc lập hơn.
Bạch Dương (Theo Japantimes)

Bình luận(0)