Tàu ngầm Trung Quốc đóng vai trò gì ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Bắc Kinh ráo riết kiểm soát đảo và bãi cạn ở Biển Đông là tâm điểm của kế hoạch đồn trú lực lượng tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở Thái Bình Dương.

Đó là nhận định của nhà phân tích Alexander Neill, chuyên viên nghiên cứu lâu năm tại Viện nghiên Cứu chiến lực châu Á IISS-Asia.
Tau ngam Trung Quoc dong vai tro gi o Bien Dong?
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh Washington Times 
Nhà phân tích Alexander Neill cho rằng Trung Quốc hiện đã chứng minh được năng lực trên biển với việc sắp khai trương một chuỗi các căn cứ quân sự tiên tiến trên Biển Đông, nơi cách đây hai năm chỉ là các mỏm đá, bãi cạn trong khu vực.
Sự chú ý của quốc tế tập trung vào lý do tại sao Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo nhanh đến thế. Có suy đoán rằng Bắc Kinh triển khai nhanh các dự án “biến bãi ngầm thành đảo nhân tạo” để tạo ra "chuyện đã rồi", trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague về tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines với Trung Quốc, .
Đối với Bắc Kinh, việc bồi đắp trái phép và xây “đảo nhân tạo” là “một mũi tên bắn trúng hai đích”: vừa củng cố tuyên bố chủ quyền vừa tạo ra một sự hiện diện liên tục của Trung Quốc, cả quân sự và dân sự, ở Biển Đông.
Một yếu tố hết sức quan trọng đối với động cơ của Trung Quốc cho việc đắp “đảo nhân tạo” là chiến lược dưới mặt biển.
Quan ngại ngày càng tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) về nhược điểm của khả năng răn đe bằng hệ thống vũ khí hạt nhân trên đất liền cũng như khả năng thực hiện một đòn tấn công trả đũa khiến Trung Quốc đặt một số đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm.
Hai năm trước, lần đầu tiên Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm lớp Jin mang tên lửa đạn đạo và trang bị mỗi tàu có 12 tên lửa hạt nhân JL-2.
Hoạt động từ căn cứ hiện đại gần Tam Á, ở mũi cực nam đảo Hải Nam, tàu ngầm lớp Jin hiện đang tuần tra ở các độ sâu khác nhau tại Biển Đông. Nhưng để ra được phạm vi có tầm bắn đến lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc phải có khả năng ra đưa tàu ngầm hạt nhân ra Thái Bình Dương.
Trước khi ra được Thái Bình Dương, các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phải rời căn cứ ở Hải Nam và băng qua Biển Đông mà không bị phát hiện. Lầu Năm Góc tin rằng chuyến đi đầu tiên như vậy tại Thái Bình Dương sẽ xảy ra trong năm nay.
Có một vùng rộng lớn ở phía nam Biển Đông là khá nông (với độ sâu chưa đầy 100m). Tuy nhiên, gần tiếp giáp với cái gọi là "đường chín đoạn" (mà người Trung Quốc tự vẽ một cách vô cùng phi lý để thâu tóm hầu hết diện tích Biển Đông) thì thềm lục địa có độ sâu khoảng 4.000m, tạo điều kiện tốt cho tàu ngầm hoạt động.
Đó là lý do tại sao một số chuyên gia tin rằng vùng nước sâu của Biển Đông có thể tạo địa bàn hoạt động cho các tàu ngầm Trung Quốc trong tương lai.
Trong những năm gần đây, Biển Đông đã trở thành tâm điểm cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đầu năm 2009, các tàu đánh cá Trung Quốc đã cố gắng cắt các dây cáp nối vào thiết bị cảm biến thủy âm được kéo đi bởi tàu USNS Impeccable của Mỹ ở vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam.
Cũng trong năm đó, một tàu ngầm Trung Quốc đâm vào thiết bị cảm biến thủy âm được tàu khu trục USS John McCain của Mỹ kéo tại gần Vịnh Subic ngoài khơi bờ biển của Philippines.
Gần đây, Trung Quốc đã cho ra mắt công nghệ mới để săn tìm tàu ngầm. Ngày 8/ 6, Hải quân Trung quốc đã đóng tàu khu trục mới Loại 056A, đặt tên là Qujing và quảng bá về khả năng tác chiến chống tàu ngầm và nói đưa tàu này ra khu vực Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã công bố rằng Lầu Năm Góc sẽ đầu tư 8 tỷ USD để đảm bảo sức mạnh cho lực lượng tàu ngầm, kể cả việc triển khai các tàu ngầm không người lái mới trong khu vực.
Cũng giống như Mỹ và các đồng minh đã và đang tạo ra một mạng lưới có các thiết bị dò âm trên đáy biển để phát hiện tàu ngầm của Nga trong chiến tranh lạnh, Trung Quốc hiện có thể triển khai một mạng lưới tương tự từ các căn cứ của nước này trên khắp Biển Đông.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các đảo mới cải tạo của Trung Quốc đang được trang bị nhiều thiết bị tiên tiến bao gồm các loại radar và các trạm thông tin liên lạc vệ tinh, tất cả đều tăng cường cho khả năng phản ứng theo tình huống trên không và dưới mặt nước của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Công nghệ như vậy cũng có thể giúp về hạ tầng thông tin liên lạc về chỉ huy và kiểm soát cho lực lược tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, không chỉ giúp lực lượng này tránh bị phát hiện mà còn tấn công bất kỳ kẻ thù nào.
Minh Châu (Theo BBC)

Bình luận(0)