Sáu câu hỏi về vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân

Google News

Giới chức Trung Quốc đang cố tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ hai vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân hôm 12/8, làm 112 người chết, hơn 700 người bị thương.

Vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân xảy ra tại một nhà kho gần cảng, được cho là nơi cất trữ “hàng hóa nguy hiểm” của công ty Ruihai International Logistic.
Sau cau hoi ve vu no kinh hoang o Thien Tan
Vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân làm chết 112 người và hơn 700 người bị thương, với thiệt hại hàng tỷ USD về tài sản.
Các nỗ lực cứu hộ đã được gấp rút triển khai, nhiều chuyên gia hóa học đã được phái tới hiện trường. Nhưng vẫn còn đó 6 câu hỏi đang cần được giải đáp.
1. Đâu là nguyên nhân gây cháy nổ?
Hiện chưa rõ chất hóa học gây độc được cất giữ tại nhà kho là loại chất gì và điểm phát nổ nằm ở vị trí nào. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chất hóa học đó là loại dễ cháy, dễ bắt lửa, có thể chớm phát hỏa chỉ cần trong môi trường nhiệt độ 35 độ C. Nhiệt độ gia tăng trong các container chất hàng tại cảng cũng có thể là nguyên nhân gây nổ ở Thiên Tân. Cũng có thể còn một khả năng khác: Các chất hóa học đã không được cất trữ theo đúng các tiêu chuẩn an toàn quy định đối với chất nguy hiểm. Báo cáo của Ủy ban An toàn Hàng hải Thiên Tân năm 2014 ghi nhận, có 5 trên tổng số 4.325 container của Ruihai International Logistic không đáp ứng tiêu chuẩn giám sát chất lượng.
2. Chất hóa học nào đã phát tán ra môi trường?
Hôm 14/8, giới chức chính quyền cho biết, đã phát hiện ra những chất nguy hiểm trong không khí ngay sau khi xảy ra cháy nổ, như  kali nitrat (diêm tiêu), natri cyanide (đất đèn) và toluene (hydro carbon không màu). Các quan chức cũng cho biết, hiện chưa thể xác minh chính xác hàng hóa nguy hiểm cất tại kho là gì, vì đây chỉ là kho trung chuyển, hàng hóa chỉ được lưu giữ tạm thời sau khi được thông quan. Văn phòng Ruihai International Logistic đặt tại đây đã bị phá hủy gần như toàn bộ, nên việc tiếp cận giấy tờ, chi tiết danh sách hàng hóa độc hại gặp khó. Các nhà điều tra đang phối hợp với hải quan để làm rõ danh mục.
3. Những tác hại mà vụ nổ có thể gây ra?
Các chuyên gia đang cố gắng xác định và phân tích các mẫu hóa chất tìm thấy ở hiện trường; lực lượng tìm cách di chuyển 700 tấn natri cyanide khỏi khu vực xảy ra cháy nổ. Dù chính quyền có trấn an rằng mức nồng độ nguy hại của hóa chất có trong không khí  “ở mức cho phép”, nhưng sự xuất hiện của natri cyanide khiến nhiều người lo ngại, vì đây là chất cực độc, có thể hòa tan với nước, nhưng vẫn bắt lửa. Khi tiếp xúc với acid, nước, hoặc carbon dioxide, nó có thể tạo ra khí không màu hydrogen cyanide rất dễ bốc cháy, làm ngột thở và ảnh hưởng đến tính mạng người xung quanh. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, khả năng có mưa ở Thiên Tân trong ngày 14/8 và hai ngày cuối tuần sẽ khiến những chất hóa học này thẩm thấu vào nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ độc hại.
4. Tại sao lại có quá nhiều lính cứu hỏa thiệt mạng?
Lực lượng cứu hỏa nhận được thông tin về xảy cháy ở Thiên Tân lúc 22h50 tối ngày 12/8 và có mặt tại hiện trường ngay lập tức. Tuy nhiên, hai vụ nổ diễn ra gần như đồng thời lúc 23h30 cùng ngày, tức là tại thời điểm lính cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa. Các chuyên gia cho rằng, nước phun vào đám cháy đã hút một lượng khí hóa học, khí độc thoát ra từ vụ nổ và đều là những chất bắt lửa, khiến cho tính mạng của lính cứu hỏa bị đe dọa, ngay cả khi họ mặc đồ bảo hộ, các thiết bị an toàn khác.
5. Khu công nghiệp tại cảng Thiên Tân có thực sự an toàn?
Báo cáo của Học viện Khoa học Môi trường Thiên Tân năm 2014 đánh giá: Bất kì một vụ cháy, nổ nào xảy ra tại khu nhà kho (vừa xảy ra thảm kịch) “sẽ không có tác động đáng kể nào đến môi trường và dân cư lân cận”, rằng “lực lượng cứu hỏa sẽ có mặt kịp thời khi có cháy nổ, thực hiện những biện pháp chữa cháy để phong tỏa các chất nguy hại”. Tuy nhiên sự cố vừa qua khiến người ta phải đặt với câu hỏi về độ xác thực của các báo cáo cũng như điều khoản về an toàn cháy nổ.
Luật quốc gia quy định: Đối với những công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hóa chất nguy hại, các kho chứa hàng hóa nguy hiểm phải đặt cách xa khu dân cư ít nhất 1.000m. Trên thực tế, khu dân cư Harbour City chỉ cách nhà kho có 700m. Nhiều người dân phản ánh, họ không hay biết thông tin về kho chứa hàng nguy hiểm ở sát nơi cư trú.
6. Sẽ còn nguy cơ nổ tiếp?
Wu Chunping, kĩ sư cao cấp tại Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim Bắc Kinh nhận định, việc chữa cháy ngày một khó khăn, vì nhiều chất hóa học khác nhau được phát hiện ở khu nhà kho và có thể sẽ tạo ra những hợp chất mới từ những phản ứng hóa học sau cháy nổ. Quân đội Trung Quốc đã cử một nhóm các chuyên gia hạt nhân và hóa học tới hiện trường để xác định, phân tích các mẫu hóa chất. Bên cạnh đó, còn rất nhiều container vẫn nằm ở khu trung tâm vừa xảy ra cháy nổ. Các chuyên gia sẽ phải làm rõ thông tin chúng có chứa các hàng hóa nguy hiểm có thể phát nổ tiếp hay không.

Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)