Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ bước vào thời kỳ băng giá?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Tổng thống Erdogan nêu đích danh Tổng thống Obama ngay sau cuộc đảo chính ngày 15/7 cho thấy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ bước vào thời kỳ băng giá.

Đó là nhận định của nhà ngoại giao kỳ cựu MK Bhadrakumar, cựu Đại sứ Ấn Độ ở  Uzbekistan (1995-1998) và ở Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001), trong bài viết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 18/7/2016.
Quan he Tho Nhi Ky-My buoc vao thoi ky bang gia?
Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xấu đi trông thấy. Ảnh Sputnik News 
Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngay trong ngày 16/7 đòi Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn độ giáo sĩ Fetullah Gulen sống lưu vong ở Pennsylvania (Mỹ) không phải là điều bất ngờ. Điều bất ngờ là Tổng thống Erdogan đã nói công khai về một vấn đề rất nhạy cảm thay vì sử dụng các kênh thông tin liên lạc bí mật. Không những thế, ông Erdogan còn nêu đích danh ông Obama và điều này cho thấy quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này xấu đi đến mức nào.
Tổng thống Erdogan không hề tha thứ cho chính quyền Obama về việc đã dắt mũi ông trong cuộc nội chiến Syria. Washington đã thuyết phục Tổng thống Erdogan rằng Mỹ sẽ làm hết sức mình để lật đổ chế độ Assad. Sau đó Giám đốc CIA David Petraeus đã nhiều lần đến Thổ Nhĩ Kỳ và thúc giục Tổng thống Erdogan can thiệp vào Syria.
Vì vậy, tiết lộ hôm 16/7 của Tổng thống Erdogan rằng ông đã chia sẻ với Tổng thống Obama thông tin tình báo về một âm mưu đảo chính có thể do giáo sĩ Gullen chủ mưu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warzawa mới đây và rằng Tổng thống Mỹ đã phớt lờ chỉ có thể có nghĩa là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ này nghi ngờ ý định thật sự của Washington.
Chỉ có điều, Tổng thống Erdogan không biết rằng phía Mỹ khó có thể dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Gulen. Không một cơ quan tình báo nào lại dễ dàng từ bỏ một "tài sản chiến lược” như giáo sĩ Fetullah Gulen. Tầm nhìn chính trị của giáo sĩ Gulen có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược khu vực của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.
Với việc nêu đích danh Tổng thống Mỹ Obama trong bài phát biểu ngay sau khi đảo chính quân sự xảy ra, Tổng thống Erdogan không ngại bước vào một thời kỳ lạnh giá trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng cho Căn cứ không quân sở Incirlik, nơi liên minh do Mỹ cầm đầu dùng làm căn cứ đánh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, có thể truyền đạt một ẩn ý nào đó.
Do các lực lượng Mỹ đã lắp đặt hệ thống điện tử hiện đại tại Căn cứ không quân Incirlik để nghe trộm thông tin liên lạc, giới chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi: Liệu Mỹ có biết trước cuộc đảo chính đêm 15/7?
Thời gian xảy ra cuộc đảo chính quân sự diễn ra sau bước thụt lùi trong kế hoạch của Mỹ nhằm thúc đẩy sự hiện diện thường trực của NATO ở Biển Đen, thách thức sự thống trị của Nga trong vùng biển này, bao vây hạm đội hải quân Nga tại Sevastopol và đe dọa bán đảo Crimea.
Công ước Montreaux (1936) nghiêm cấm sự hiện diện hải quân thường trực của các nước ngoài khu vực Biển Đen và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles. Rõ ràng, nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, mưu đồ của Mỹ nhằm bao vây Nga ở Biển Đen (và Địa Trung Hải) sẽ bị vô hiệu hóa .
Quyết định của Tổng thống Erdogan xin lỗi Nga về vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 cũng khiến cho phương Tây bất ngờ, kể cả Washington. Sự tăng tốc quá trình bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga cũng khiến cho Washington cảm thấy bất an.
Người ta không loại trừ khả năng tình báo Nga báo trước cho các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính. Tình báo Nga có truyền thống hiện diện mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể Nga đang bố trí các hệ thống thông tin liên lạc điện tử rất tinh vi tại căn cứ không quân Hmeimim, trên lãnh thổ Syria gần Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cách khác, điện Kremlin muốn Tổng thống Erdogan tiếp tục cầm quyền, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên chủ chốt của NATO ở sườn phía nam Liên bang Nga.
Có một điều rõ ràng là cuộc đảo chính đêm 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành quá vội vàng, với hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ quy mô lớn trong nội bộ quân đội. Các nhà tổ chức cuộc đảo chính bất thành này đã quá kỳ vọng ở các sĩ quan có khuynh hướng “thân Hồi giáo” được Tổng thống Erdogan cất nhắc sau các cuộc thanh trừng hàng loạt trong những năm gần đây.
Cũng có thể, Tổng thống Erdogan đã nhận ra rằng trong số tướng lĩnh mà ông vừa đề bạt, có một số người theo phong trào Gulen và một cuộc thanh trừng nữa là cần thiết. Cuộc đảo chính quân sự 15/7 diễn ra trước cuộc họp hàng năm quan trọng của Hội đồng quân sự tại Ankara vào tháng Tám để quyết định việc đề bạt và thuyên chuyển các tướng lĩnh hàng đầu.
Một điều đáng chú ý nữa là phản ứng nửa vời của Ả-rập Xê-út, nước tỏ ra bất mãn với sự thay đổi trong chính sách can thiệp vào Syria của Tổng thống Erdogan và vẫn duy trì quan hệ tốt với giáo sĩ Gulen. Trong khi đó, Iran lại thở phào nhẹ nhõm khi cuộc đảo chính đêm 15/7 bất thành và Tổng thống Erdogan vẫn duy trì quyền lực. Ngay trong ngày 16/7, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, ông Ali Shamkhani, tuyên bố Iran cực lực lên án âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Châu (Theo Asia Times)

Bình luận(0)