Tại Hội nghị Thượng định giữa Nga, Belarus và Kazakhstan diễn ra ngày 29/5 ở thủ đô Astana (Kazakhstan), ba quốc gia trên đã ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh Kinh tế Âu-Á (EAEC) vào tháng 1/2015. Theo kế hoạch, sau khi ba thành viên trên của EAEC liên kết sâu rộng hơn, khối này sẽ mở rộng thêm các thành viên mới, gồm Armenia và Kyrgyzstan. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, ba nước này đang tích cực đẩy nhanh các quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của EAEC.
“Trước Hội nghị Thượng đỉnh ở Minsk hôm 29/4, ba nước tuyên bố rất rõ ràng, EAEC nên thiên về kinh tế hơn chính trị. Điều này cho thấy họ đang rút ngắn quá trình đàm phán càng nhiều càng tốt”, nhà phân tích chính trị Yury Chausov ở Minsk (Belarus) bình luận.
|
Từ phải qua trái, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenka bắt tay trong Hội nghị thượng đỉnh hôm 29/5 tại Astana.
|
Ông Chausov tiếp lời mình: “Trước đó, EAEC chỉ được nhìn nhận là nơi các thành viên phải nhân nhượng. Tuy nhiên, sau những biến cố ở Ukraine, liên minh này ngày càng không chỉ là nơi giao thương hàng hóa và dịch vụ mà sẽ thành một nơi chứa ẩn các tiềm năng khơi mào xung đột”.
Tham vọng “Hồi sinh Liên Xô” của Nga
Thông qua một bài viết của mình đăng tải trên trang website RFE, tác giả Robert Coalson cho hay, kế hoạch này là một phần trong tham vọng của Nga nhằm tái lập vị thế thống trị về chính trị thời hậu Liên Xô. Tham vọng này nghiêng về phía khía cạnh chính trị hơn kinh tế.
“Đây rõ ràng là một dự án chính trị. Khía cạnh kinh tế không rõ ràng lắm”, nhà phân tích Nicu Popescu thuộc Viện nghiên cứu An ninh của EU nhận định.
“Trong các mối quan hệ quốc tế, Nga tự coi mình là một cực (thế lực) riêng về mặt chính trị và địa chính trị. Dự án lôi kéo đồng minh thời kỳ hậu Liên Xô của nước này không chỉ là về vấn đề kinh tế. Nga muốn liên minh này hợp tác về mặt kinh tế nhưng nếu mục tiêu đó không đạt được, Nga sẽ đánh đổi kinh tế cho các mục tiêu về chiến lược và chính trị”, ông Popescu nói tiếp.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Viện ngoại giao Nga Aleksandr Lukin vừa có bài viết cho rằng, EAEC là một trung tâm quyền lực độc lập ở lục địa Á –Âu. “Mặc dù khía cạnh kinh tế có vai trò rất quan trọng, nhưng mục tiêu đó vẫn được xếp sau những giá trị (mà khối này theo đuổi) khác với những gì phương Tây vẫn thuyết giảng”.
Nga thúc đẩy việc thành lập EAEC sau khủng hoảng Ukraine
Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Moscow không có động cơ kinh tế gì để vội vàng ký kết thỏa thuận thành lập EAEC, ngoài tham vọng “hồi sinh Liên Xô” của nước này.
|
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một phần nguyên nhân thúc đẩy việc thành lập EAEC. Trong ảnh, người dân đứng chật kín Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev của Ukraine, đòi Tổng thống Yanukovych từ chức.
|
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Yury Chausov, các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine đã gây chấn động khối ba nước này và khiến Belarus cùng Kazakhstan lo ngại về tương lai hội nhập sâu hơn với Nga. Hồi tháng 4, Hội nghị thượng đỉnh giữa ba nhà lãnh đạo của khối diễn ra ở Minsk với bầu không khí khá căng thẳng. Tại hội nghị này, cả Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenka và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbaev đều bóng gió nói rằng, quá trình thành lập EAEC đang diễn ra quá chóng vánh. Kết quả là, thỏa thuận được ký kết tại Astana hôm 29/5 mới đây đã hở ra nhiều “lỗ hổng” ở các vấn đề then chốt.
“Điều thú vị là họ đã bỏ qua rất nhiều vấn đề đáng lẽ sẽ được đề cập trong phần phụ lục của thỏa thuận. Một điều khác cũng rất thú vị là trong quá trình đàm phán, bất kỳ nội dung nào đề cập tới các yếu tố liên kết quốc gia như Quốc hội Á – Âu đều đã bị dỡ bỏ. Đó rõ ràng là một mong muốn của Tổng thống Kazakhstan Nazarbaev”, chuyên gia Rilka Dragneva-Lewers thuộc ĐH Luật Birmingham (Anh) nhận định.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các kế hoạch liên kết quốc gia này có bị dỡ bỏ hay chỉ tạm thời hoãn lại do Nga có vị thế chính trị và kinh tế áp đảo hai thành viên còn lại.
Armenia và Kyrgyzstan – hai thành viên tiềm năng của EAEC
Hai nước Armenia và Kyrgyzstan cũng đang thúc đẩy lộ trình tham gia vào EAEC. Hồi cuối năm 2013, Armenia đã khiến nhiều nhà quan sát cảm thấy bất ngờ khi Tổng thống Serzh Sarkisian tuyên bố hoãn các cuộc thương lượng gia nhập EU. Thay vào đó, họ bày tỏ ý định muốn trở thành một thành viên của EAEC.
|
Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambaev (phải) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 12/2013.
|
Armenia lệ thuộc khá nhiều vào Nga về nhiều mặt như kinh tế-chính trị và cả an ninh. Ông Sarkisian nói rằng, là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, đó đó Armenia cũng nên tham gia vào EAEC.
Các nhà phân tích cũng dự đoán rằng, Nga đã đồng ý giảm sự hẫu thuẫn đối với các nhà lãnh đạo chính trị đối lập ở Armernia. Và điều đó khiến EAEC trở nên hấp dẫn hơn với ông Sarkisian.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Elmira Nogoibaeva của Kyrgyzstan cho rằng nước này phù hợp với EAEC. “Có vẻ như Kyrgyzstan là một quốc gia chỉ chuyên sao chép các mô hình xung quanh. Kyrgyzstan chỉ đơn thuần phản ứng với môi trường xung quanh theo quán tính”, Nogoibaeva nhận xét.
Tuy nhiên, các doanh nhân Kyrgyzstan vẫn thường bày tỏ lo ngại về việc nước này sẽ tham gia Liên minh thuế quan (tiền thân của EAEC). Farkhad Tologonov, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp nhẹ ở Bishkek cho hay, 60% lượng hàng hóa nhập khẩu của Kyrgyzstan đến từ các quốc gia không phải thành viên của Liên minh thuế quan, đặc biệt là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Kyrgyzstan gia nhập Liên minh thuế quan, thuế nhập khẩu sẽ tăng hơn gấp đôi.
Kyrgyzstan cảm thấy bị cô lập và không có nhiều cơ hội dành cho nước này. Trong một cuộc họp báo diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh thuế quan tại Moscow hồi tháng 12/2013, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambaev có vẻ không “nhiệt tình” lắm với khối này.
“Các bạn cũng phải hiểu rằng rất không may là chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Ukraine có thể chọn hoặc gia nhập với Liên minh châu Âu hoặc gia nhập Liên minh thuế quan. Chúng tôi chỉ có rất ít sự lựa chọn”, ông nói.