Dự đoán kịch bản chiến tranh Nga - Mỹ vì bất đồng Ukraine

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều chuyên gia nhận định, Nga-Mỹ rất có khả năng xảy ra chiến sự xoay quanh những mối bất đồng về Ukraine. Vậy, cuộc chiến giữa hai cường quốc sẽ ra sao?

Chiến tranh hạt nhân
Ngay cả khi đã giải trừ một số các vũ khí hạt nhân kể từ hồi Chiến tranh Lạnh, nhưng Mỹ và Nga vẫn còn hàng nghìn đầu đạn hạt nhân luôn trong tư thế sẵn sàng.
Thống kê hồi đầu năm nay cho thấy, Washington có khoảng 7.700 đầu đạn hạt nhân. Trong số đó, 1.950 đầu đạn trong tình trạng sẵn sàng được lắp vào các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm, máy bay. Đặc biệt, Mỹ hiện sở hữu tới 448 đầu đạn nhắm về phía Nga.
Nga phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân.
Ở phía còn lại, Moscow có tổng số lượng đầu đạn hạt nhân nhỉnh hơn so với Mỹ một chút là khoảng 8.500. Tuy nhiên, chỉ có 1.800 đầu đạn trong số đó có thể đưa vào sử dụng.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng, cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, nếu một khi xảy ra, sẽ để lại hậu quả khôn lường không chỉ cho riêng hai nước mà còn cho nhiều quốc gia khác.
Cuộc chiến thông thường ở Đông Âu
Đây là một kịch bản khác mà chưa bao giờ xảy ra trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Trong trường hợp này, nhiều chuyên gia giả thuyết, chiến tranh Nga-Mỹ nổ ra ở Ukraine. Và, các quốc gia đồng minh trong NATO sẽ cung cấp cho Mỹ một đội quân hùng hậu để đối phó với Nga.
Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra một số vấn đề lưu tâm của cả hai phía trong cuộc chiến này. Thứ nhất, về phía Nga, họ có lợi thế về sân nhà. Đã từ lâu, Hạm đội Biển Đen trứ danh đã coi thành phố cảng Sevastopol nằm trên bờ Biển Đen là ngôi nhà của mình. Do vậy, trong một số trường hợp nhất định, Moscow có thể thuyên chuyển hay tăng viện trợ cho quân đội mình một cách khá nhanh chóng.
Sơ đồ các căn cứ quân sự của Nga, Mỹ, Pháp và Anh.
Còn về phía Mỹ, ở mặt trận châu Âu, họ luôn duy trì một đội quân thường trực ở các căn cứ quân sự ở Đức. Chưa kể, quân đội nước này còn thiết lập hẳn các căn cứ lớn ở Qatar và Diego Garcia, một đảo san hô vòng gần phía nam của Nga. Ngoài ra, Washington còn có các căn cứ quân sự ở hai nước Nhật và Hàn, nằm án ngữ vùng phía tây của Nga. Đặc biệt, căn cứ của hai đồng minh NATO của Mỹ là Pháp và Anh cũng ở khá gần Nga, và hai nước này sẽ không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến "nếu có" này.
Trên hết, NATO còn có các căn cứ quân sự nằm ở xung quanh vành đai phía tây của Nga và ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngay khu vực đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol.
“Nga lại đánh dấu sự hiện diện của mình ở Cuba, nhưng đó chỉ là một trạm dừng chân mà thôi. Ngoài ra, họ còn có một căn cứ ở Tartus, Syria. Họ không có căn cứ quân sự ở nước nào khác ngoài các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô”, Giáo sư Mark Galeotti thuộc Đại học New York cho tờ The Washington Post biết.
Trong cuộc chiến giả thuyết này, nếu Nga có lợi thế về hải quân thì Mỹ lại mạnh về không quân. “Các máy bay Mỹ được cài đặt thêm các trang thiết bị radar, tên lửa và các thiết bị chiến tranh điện tử. Trong khi đó, các chiến đấu cơ của Nga được đánh giá là có tính cơ động cao, giúp đem lại cho họ lợi thế trong các cuộc không chiến truyền thống”, cây bút Charles Clover của tờ tạp chí Financial Times nhận định.
Hay chiến tranh ủy nhiệm
Trong lịch sử, Mỹ và Nga đã thực hiện một số cuộc chiến tranh ủy nhiệm (*). Do vậy, nếu cả hai lựa chọn phương án này, đây cũng được coi là sự lựa chọn tối ưu cho cả hai.
Theo đó, Mỹ có thể tài trợ cho các lực lượng Ukraine để chống trả lại các binh sĩ Nga. Hay như, nếu Mỹ và NATO hỗ trợ cho quân đội Kiev, thì Nga có thể không ngần ngại mà hậu thuẫn các phần tử ly khai thân Nga ở Ukraine.
(*) Chiến tranh ủy nhiệm là một loại hình chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đối với các quốc gia độc lập, có chủ quyền, được tiến hành bằng cách dùng lực lượng ủy nhiệm nằm ngay trong nội bộ đất nước đối phương và quân đồng minh để để lật đổ chính quyền đương nhiệm lập nên một chính quyền mới đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Chiến tranh ủy nhiệm được sử dụng như một phương thức tiến hành chiến tranh hữu hiệu, vừa đạt được mục đích xâm lược, vừa giảm thiểu tổn thất, thương vong và việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Thanh Nga

Bình luận(0)