Động thái “trái chiều” của Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù ASEAN đồng thuận về sự cần thiết giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ, nhưng đã có dấu hiệu phân hóa về phương pháp tiếp cận.

Cuộc đối đầu giữa hai ngoại trưởng Philippines-Trung Quốc.
Không mấy tin tưởng thiện chí của Trung Quốc về thương lượng Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, Philippines đã nỗ lực quốc tế hóa, tìm kiếm trọng tài quốc tế và của bên thứ ba và các cam kết quân sự sâu sắc hơn với cả Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Giữa lúc Trung Quốc vẫn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận ở các vùng lãnh thổ tranh chấp cũng như thường xuyên cử các đội tàu quân sự, bán quân sự đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Philippines đã và đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Philippines đang đàm phán về sự hiện diện quân sự luân phiên thường xuyên hơn của Mỹ, tính chuyện di chuyển Hải quân và Không quân Philippines đến căn cứ ở Vịnh Subic và tiếp tục theo đuổi vụ kiện cái gọi là “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc thâu tóm hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông.
“Cơm không lành, canh chẳng ngọt”
Một trở ngại lớn đối với quá trình thương lượng Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là sự thiếu vắng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa Philippines và Trung Quốc.
Trong khi Manila cáo buộc Bắc Kinh “bắt nạt” và bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc lại coi Philippines như một “kẻ phá rối” bằng cách lôi kéo các cường quốc ngoài khu vực can dự vào cuộc xung đột.
Những người chỉ trích đã cáo buộc Trung Quốc dây dưa trì hoãn việc thỏa thuận về COC, trong khi các lực lượng bán quân sự của nước này tăng cường hoạt động trong những vùng lãnh thổ tranh chấp.
"Trung Quốc tin rằng không nên có cao điểm [về việc thành lập một CoC]. Một số quốc gia đang hy vọng rằng các CoC có thể được thống nhất qua đêm. Những quốc gia này đang có những kỳ vọng không thực tế", Ngoại trưởng Wang Yi cho biết vào đầu tháng tám, rạng ngời hy vọng về một giải quyết nhanh chóng các tranh chấp đang diễn ra tại cuộc họp sắp tới tại Bắc Kinh.
Gián tiếp chỉ trích Mỹ và đồng minh Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đổ lỗi cho một vài nước “gây rối” cho quá trình đàm phán về COC, trong khi kêu gọi tạo ra “các điều kiện và bầu không khí thuận lợi” cho thương lượng.
Kể từ đầu năm 2013, các quan chức Philippines hàng đầu - trong đó có Ngoại trưởng Albert Del Rosario - đã tuyên bố rằng họ đã sử dụng hết tất cả các phương tiện ngoại giao nhưng không đạt được bất kỳ kết quả nào.
Philippines đang dựa vào Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù các quan chức Philippines hy vọng tranh chấp sẽ được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, một số chuyên gia hàng hải lại tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của ITLOS trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã nói rõ rằng nước này sẽ không chấp nhận mọi sự phán quyết của trọng tài quốc tế về các vấn đề có liên quan đến “phân định ranh giới biển, lãnh thổ và các hoạt động quân sự”. Đó là chưa kể cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc lại rất mơ hồ, không có bất kỳ tọa độ cụ thể nào để giám sát pháp lý.
Tính toán chính trị
Ý định của Philippines là một toan tính chính trị nhằm gây áp lực lên Trung Quốc và thu hút sự cảm thông quốc tế. Sau khi Nghị viện châu Âu và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ủng hộ hành động pháp lý của Philippines, Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 167 trong tháng Sáu “lên án việc ép buộc, đe dọa” hoặc sử dụng lực lượng hải quân, hải giám, tàu cá và máy bay quân sự hay dân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông để khẳng định chủ quyền đối với các biển tranh chấp, yêu sách lãnh thổ hoặc “thay đổi nguyên trạng”.
Nghị quyết 167 tái khẳng định sự ủng hộ của cả hai phe diều hâu và ôn hòa trong cơ quan lập pháp Mỹ đối với “tự do hàng hải” ở Tây Thái Bình Dương cũng biểu hiện tình đoàn kết với các đồng minh chiến lược như Philippines.
Để củng cố quốc phòng, tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng quân sự và nâng cao khả năng tương tác với Mỹ và Nhật Bản, Philippines cũng đã quyết định chuyển căn cứ Hải quân và Không quân đến Vịnh Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ và đối diện với Biển Đông.
Ngoài ra, Philippines cũng đang đàm phán một hiệp ước mới cho phép Mỹ hiện diện quân sự luân phiên trên lãnh thổ nước này. Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario nói nước ông "sẵn sàng khai thác mọi nguồn lực, kêu gọi tất cả các liên minh" để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Đồng thời, Manila cũng đang xem xét mua sắm nhiều vũ khí khí tài, trong đó có kế hoạch mua các tàu tuần tra La Tapageuse của Pháp trang bị cho Lực lượng Cảnh sát biển Philippines như một phần của một chiến lược rộng lớn tăng cường khả năng răn đe tối thiểu đối với Trung Quốc.
Bất chấp nỗ lực đa phương của ASEAN nhằm đưa các bên tranh chấp vào bàn đàm phán, sự thiếu vắng quan hệ xây dựng giữa Philippines và Trung Quốc vẫn là một trở ngại lớn cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và việc ban hành sớm bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Lê Chân (theo atimes.com)

Bình luận(0)