Châu Âu trông chờ gì ở hai ứng viên tổng thống Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Ban lãnh đạo EU hầu như chưa thể đoán định được tương lai mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sau khi nước Mỹ có tổng thống mới vào đầu năm 2017.

Nhật báo Pháp Le Monde số ra ngày 19/9 nhận định trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, chưa bao giờ hoặc hầu như chưa bao giờ hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đề cập tới Châu Âu.
Chau Au trong cho gi o hai ung vien tong thong My?
Chưa bao giờ hoặc hầu như chưa bao giờ, hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đề cập tới Châu Âu. Ảnh New York Daily News
Trong mùa hè vừa qua, ứng viên Donald Trump đã dọa rằng Mỹ sẽ không trợ giúp cho các nước Châu Âu không tôn trọng cam kết tài chính liên quan tới NATO. Điều này khiến các nước Đông Âu lo ngại cho an ninh quốc gia của họ, vì các nước này lệ thuộc vào NATO. Được coi là một nước thân Mỹ, đề xuất của Donald Trump làm cho Ba Lan đặc biệt lo sợ và cảm thấy bị Mỹ phản bội.
Tuy nhiên, giáo sư chính trị học Rahsaan Maxwell của Đại học Bắc Carolina trấn an Châu Âu rằng Donald Trump không theo một hệ tư tưởng nhất định, có thể thay đổi ý kiến về bất cứ chủ đề nào.
Nhìn một cách tổng quát, Donald Trump muốn sang trang mọi chính sách đối ngoại của Mỹ và xem xét lại các định chế đa phương đang thống trị thế giới (NATO, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Ông Patrick Chamorel, giáo sư quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Đại học Stanford nhận xét là ông Donald Trump “đi ngược lại đường lối quốc quốc tế hóa và đa phương hóa” của đảng Cộng hòa. Việc ông ngưỡng mộ Vladimir Putin và nước Nga cũng không phù hợp với truyền thống của đảng Cộng hòa.
Giáo sự Chamorel cho biết thêm: “Ông ấy khiến người ta lo ngại về việc ký kết các thỏa thuận trực tiếp với Nga, đẩy Châu Âu ra khỏi các vấn đề quan trọng về Trung Đông”.
Ngược lại, bà Hillary Clinton luôn tỏ ra khó chịu trong quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bị coi là người hiếu chiến hơn Tổng thống Barack Obama, cách đây hai năm, bà Clinton đã cố gắng siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, đó cũng không phải là tin vui đối với Tây Âu, đặc biệt là Đức. Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đánh giá là đã có quá nhiều biện pháp trừng phạt và sợ rằng Châu Âu phải trả giá đắt về kinh tế, chẳng hạn như giảm sút xuất khẩu từ Châu Âu sang Nga hay giảm sút nguồn cung ứng năng lượng từ Nga sang Châu Âu.
Hơn nữa, đa số các cường quốc Châu Âu đều cho rằng việc mềm mỏng hơn trong quan hệ với Nga sẽ có thể phát huy một lợi thế khác. Đó là tạo ra một mặt trận thống nhất để chống Hồi giáo cực đoan.
Giáo sư Patrick Chamorel kết luận: “Nếu bà Hillary Clinton muốn cứng rắn hơn trong quan hệ Mỹ-Nga, điều đó sẽ bất lợi cho Đông Âu”.
Minh Châu (BT)

>> xem thêm

Bình luận(0)