Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có bài phát biểu tại Học viện quân sự West Point, New York, tiết lộ nhiều về chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông. Trong đó, dường như chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa được chính phủ của ông Obama đặt làm trọng tâm.
Mỹ vẫn là “quốc gia không thể thiếu”
Chủ đề chính được ông Obama đưa ra là Mỹ tiếp tục đóng vai trò “một quốc gia không thể thiếu”. Với mạng lưới đồng minh trên khắp thế giới cùng sức mạnh quân sự hàng đầu, Mỹ vẫn là nước duy nhất có khả năng lãnh đạo toàn thế giới, theo cách nhìn của ông Obama.
“Mỹ phải luôn luôn dẫu đầu trên chính trường thế giới. Nếu chúng ta không làm, không ai có thể làm”, ông Obama tuyên bố. Ông Obama cũng phủ nhận những nghi ngờ “nước Mỹ đang vào giai đoạn thoái trào” khi cho rằng: “Mỹ luôn luôn mạnh mẽ hơn phần còn lại của thế giới”.
|
Ông Obama đến thăm học viện quân sự West Point. |
Tuyên bố của ông Obama đã phần nào làm yên lòng các nước tại châu Á – Thái Bình Dương đang mong chờ sự tái cân bằng của Mỹ tới châu Á để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc từ lâu đã lên án “quyền bá chủ” của Mỹ. Bắc Kinh luôn muốn thiết lập trật tự mới, trong đó các nước đang phát triển cũng có chỗ ngồi trên bàn và Mỹ không phải là nước chi phối hệ thống quốc tế.
Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi Mỹ sẽ dẫn đầu bằng cách nào, lập trường của ông Obama lại không còn được rõ ràng như những tuyên bố hùng hồn được ông đưa ra trước đó. Như thông lệ, ông Obama không chọn cách cô lập hoặc can thiệp mà cho rằng sự lựa chọn chính xác là ở giữa 2 chủ nghĩa nào. Theo ông Obama, “chủ nghĩa cô lập kiểu Mỹ không phải là lựa chọn tốt” nhưng Mỹ cũng nên tránh việc “lao vào các cuộc phiêu lưu quân sự”.
Chính sách của ông Obama có ý nghĩa gì với châu Á – Thái Bình Dương?
Đầu tiên, ông Obama tuyên bố rất rõ ràng rằng “Mỹ sẽ luôn sử dụng lực lượng quân sự, đơn phương nếu cần thiết, khi lợi ích cốt lõi của Mỹ đòi hỏi điều đó”. Một trong những trường hợp liên quan đến lợi ích cốt lõi của Mỹ theo ông Obama là việc “an ninh của các
đồng minh gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên, các đồng minh liên quan đến lợi ích cốt lõi của Mỹ trong thời điểm hiện tại liệu có phải là các nước châu Á - Thái Bình Dương?
Trước đó, ông Obama đã chỉ ra rằng các hành động “gây hấn không được kiểm soát” ở khu vực biển Đông có thể dẫn đến sự liên quan của Quân đội Mỹ. Lời tuyên bố này có thể làm yên lòng các đồng minh của Mỹ như Nhật và Philippines, cũng như khiến Bắc Kinh phiền lòng.
Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ hơn vào lời phát biểu của ông Obama, có vẻ như ông Obama đã bỏ qua khả năng can thiệp quân sự vào châu Á – Thái Bình Dương. Ông Obama đã nhắc đến Ukraine cùng với biển Đông cho thấy sẽ không có sự tham dự của Quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ukraine cũng như biển Đông và các khủng hoảng khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể bị ông Obama xếp vào “những vấn đề toàn cầu mà không gây ra
mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ”.
Đối với những vấn đề này, ông Obama cho biết “giới hạn để Mỹ có hành động quân sự đáp trả sẽ cao hơn”. Thay vào đó, Mỹ sẽ sử dụng các phương pháp khác để giải quyết vấn đề như các lệnh trừng phạt kinh tế hoặc sử dụng luật quốc tế. Hành động quân sự đa phương sẽ được coi là giải pháp cuối cùng chứ không còn được đặt ở vị trí ưu tiên khi lợi ích cốt lõi của Mỹ bị đụng chạm.
Ví dụ điển hình cho chiến lược này của Mỹ là trường hợp khủng hoảng Ukraine. Mỹ không có nhiều động lực để can thiệp quân sự vào Ukraine và chỉ cùng với châu Âu và các đồng minh khác đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Ông Obama cho rằng Mỹ “có khả năng tạo ra dư luận thế giới để cô lập Nga ngay lập tức”. Tuyên bố này của ông Obama có thể sẽ gây ngạc nhiên cho Trung Quốc và Ấn Độ, những nước ngầm biểu lộ thái độ ủng hộ với hành động của Nga ở Ukraine.
Việc Mỹ chỉ sử dụng quân bài “cô lập” là án phạt duy nhất cho các hành động gây hấn xâm lược trong khu vực như trường hợp Ukraine sẽ gây ra mối lo ngại cho châu Á. Sự tức giận của quốc tế là mức giá mà Trung Quốc đã cho thấy nước này sẵn sàng trả giá.
Việc Mỹ không sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương càng được thể hiện rõ hơn khi ông Obama nghiêng về việc sử dụng diễn đàn đa phương để thảo luận và hành động. Ông Obama cho biết “ủng hộ các nước
ASEAN thương lượng với Trung Quốc để thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)” cũng như “giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải bằng luật pháp quốc tế”.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là Mỹ sẽ làm gì nếu những giải pháp này thất bại, đặc biệt khi việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) không có nhiều tiến triển và Trung Quốc từ chối sử dụng trọng tài quốc tế như trường hợp của Philippines. Ông Obama không đưa ra được các giải pháp thay thế nếu chính sách ngoại giao đa phương không hiệu quả.
Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa phải trọng tâm trong sự quân tâm của Mỹ?
Mặc dù tuyên bố Mỹ sẽ tái cân bằng tới châu Á nhưng các vấn đề được ông Obama đặt nhiều chú ý là chủ nghĩa khủng bố với “sự đe dọa trực tiếp tới người Mỹ ở trong nước cũng như nước ngoài”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Obama hứa hẹn sẽ thực hiện chiến dịch chống khủng bố với kế hoạch Quỹ Đối tác Chống khủng bố có ngân sách lên tới 5 tỷ USD nhằm thúc đẩy chiến dịch chống khủng bố ở nhiều nước, đặc biệt là các nước láng giềng của Syria. Như vậy, Mỹ vẫn tập trung vào chống khủng bố và giải quyết vấn đề Syria. Vấn đề châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị coi nhẹ.
Với một bài phát biểu được cho rằng sẽ hé lộ những chính sách đối ngoại được ưu tiên của chính quyền ông Obama, bài phát biểu này đã gây ra những lo ngại về sự ưu tiên của Mỹ đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi tên của chiến lược này thậm chí không được đề cập đến trong bài phát biểu.
Những khu vực địa lý được ông Obama nhấn mạnh vẫn là Trung Đông, Đông Âu. Biển Đông chỉ được nhắc đến vài lần với những sự khó chịu do Trung Quốc gây ra. Bài phát biểu của ông Obama sẽ không trấn an được những đồng minh châu Á vì nó cho thấy rõ ràng việc khu vưc châu Á – Thái Bình Dương vẫn chỉ là vị trí thứ 2 so với các khu vực được Mỹ quan tâm theo truyền thống.