Bóng đen chiến tranh lơ lửng trên bán đảo Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Sau 60 năm, cuộc chiến tranh vẫn còn chưa chấm dứt và tác động rất lớn đến tương lai của hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Duyệt binh, phô trương sức mạnh là một trong những di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Chính Hiệp ước đình chiến ký kết ngày 27/7/1953 đã tạo ra bán đảo Triều Tiên hiện hữu trên bản đồ thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều vấn đề và mâu thuẫn của các quốc gia đương đại ở bán đảo này có gốc rễ chính từ chiến tranh Triều Tiên.
Nơi chịu ảnh hưởng lớn hơn cả từ cuộc chiến tranh trong thế kỷ trước là miền Bắc Triều Tiên. Chính trong những năm chiến tranh đã hình thành nên thượng tầng thống trị tối cao của CHDCND Triều Tiên. Trong chặng dài khoảng 30-40 năm hậu chiến, từ khi kết thúc chiến tranh cho đến tận những năm 1990, hầu như toàn bộ các vị trí quản lý cao cấp và trung cấp ở Bắc Triều Tiên đều thuộc về các cựu tướng lĩnh và sĩ quan tham gia Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Thế giới quan của họ đã tạo ra hệ tư tưởng chính thống của CHDCND Triều Tiên, cũng như đường lối của nhà nước.
Các lãnh đạo-cựu chiến binh Bắc Triều Tiên đã rút ra từ cuộc chiến tranh Triều Tiên hàng loạt bài học. Đáng tiếc là phần lớn những bài học ấy lại ít thích hợp với đời sống thời bình. Thế nhưng, phải mất rất nhiều năm người ta hiểu được điều đó.
Bài học thứ nhất của Chiến tranh Triều Tiên là thái độ e sợ tôn kính đối với quân đội và sức mạnh quân sự, là điều rất điển hình đối với CHDCND Triều Tiên. Duy trì quân đội hùng mạnh được xem như là mục đích tự thân hệ trọng bậc nhất. Trong suốt nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đều coi là nhiệm vụ chính của mình là tối đa hóa sức mạnh quân sự của đất nước, chứ không phải là khai thác phát huy tiềm năng kinh tế.
Thứ hai là chính qua những năm chiến tranh Triều Tiên, trong tầng lớp thượng lưu lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã hình thành quan điểm cho rằng mọi nhiệm vụ chính trị phức tạp nhất luôn có thể giải quyết bằng sử dụng vũ lực quân sự. Từ đó là cội nguồn của thái độ không tin tưởng với ngoại giao, xem bất kỳ tiếp xúc quốc tế cũng chỉ như "trò chơi vô bổ".
Kết luận thứ ba mà Bình Nhưỡng rút ra từ kinh nghiệm của Chiến tranh Triều Tiên là niềm tin rằng tất cả những vấn đề phức tạp nhất của phát triển kinh tế và công nghệ đều có thể hóa giải bằng con đường tổng động viên toàn lực. Các cựu binh chiến trường và tướng lĩnh, sau năm 1953 trở thành giám đốc nhà máy và lãnh đạo đường sắt, vẫn tiếp tục quản lý các cơ sở này bằng những phương pháp họ đã học được ở mặt trận phát huy tác dụng không tồi trong các đơn vị quân đội. Từ đó tạo nên sắc thái rõ ràng về lối điều hành theo mệnh lệnh và tính chất động viên toàn lực của nền kinh tế Triều Tiên. Rốt cuộc, đặc điểm nổi trội này đã chơi trò đùa độc ác của nó với nền kinh tế Triều Tiên và chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hồi những năm 1990.
"Chính sách tiên quân"  coi sức mạnh quân sự là trên hết và ngoại giao là "vô bổ" là một di sản nữa của Chiến tranh Triều Tiên. 
Vì vậy, những di sản của một cuộc chiến tranh không chỉ đơn thuần là mức tàn phá tổn thất về người về của, mà còn là sự thay đổi sâu xa trong nhận thức và thế giới quan. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể là di sản chiến tranh Triều Tiên đang bắt đầu lui vào dĩ vãng. Bây giờ nắm quyền ở cả hai miền Triều Tiên vẫn còn hậu duệ của các tướng lĩnh, nhưng đang dần được thay thế bằng lớp con cháu thuộc giới trẻ sinh ra trong thời cách xa cuộc chiến năm xưa.
Dù sao chăng nữa, vấn đề chính tạo nên bởi chiến tranh cho đến nay vẫn chưa được giải quyết và đó là tình trạng bán đảo Triều Tiên chia cắt. Không loại trừ rằng người Triều Tiên sẽ còn phải sống chung với thực tại này trong nhiều nhiều năm nữa.
Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)