Ấn Ðộ “qua mặt” Trung Quốc về tàu sân bay

Google News

(Kiến Thức) - Ấn Ðộ vừa hạ thủy một hàng không mẫu hạm tự chế tạo trong nước và gia nhập hàng ngũ 5 nước có khả năng chế tạo tàu sân bay.

Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay Vikrant có trọng tải 37.500 tấn. 
Dự án này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Ấn Ðộ nhằm tăng cường khả năng hải quân của mình giữa lúc có sự đối đầu ngày càng tăng với “đại cường Châu Á” Trung Quốc.
Hàng không mẫu hạm thứ ba
Ðứng trước tàu sân bay Vikrant có trọng tải 37.500 tấn được trang hoàng cờ xí và các sợi xích giấy hoa ở thành phố Kochi miền nam Ấn Độ ngày 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Anthony gọi đây là một ngày mang ý nghĩa đặc biệt. Niềm tự hào dân tộc dâng tràn vào lúc hàng không mẫu hạm được khai trương. Chiến hạm lớn nhất của Ấn Ðộ đã được thiết kế và chế tạo ngay trong nước, khiến Ấn Ðộ trở thành quốc gia thứ năm sau Anh, Pháp, Nga và Mỹ làm được việc này.
Hàng không mẫu hạm này chưa đi vào hoạt động. Nó sẽ được trang bị bằng vũ khí tối tân và trải qua những cuộc hành trình trên biển trước khi đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2018.
Ấn Ðộ hiện có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động và sẽ nhận từ phía Nga hàng không mẫu hạm Vikramaditya vào cuối năm nay.
Ấn Độ sẽ được Nga chuyển giao hàng không mẫu hạm Vikramaditya vào cuối năm nay.  
Trang tin Business Insider (Mỹ) hôm 11/8 đưa tin hàng không mẫu hạm Vikramaditya đã được đưa ra biển từ hồi đầu tháng 7 để chạy thử nghiệm, với khoảng 1.700 thuyền viên.
Chiếc tàu sân bay này được đóng hồi năm 1987. Đến năm 1996, do chi phí bảo trì quá đắt đỏ, nên Nga đã ngưng sử dụng tàu này. Hải quân Ấn Độ mua lại chiếc tàu vào năm 2004 với giá 2,35 tỷ USD.
Hiện Hải quân Ấn Độ cũng đã được trang bị phi đội chiến đấu cơ MiG-29 phiên bản hoạt động trên tàu sân bay đầu tiên của nước này, được đặt tên là "Black Panthers". Phi đội "Black Panthers" gồm 12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và bốn chiếc MiG-29KUB hai chỗ ngồi, được Nga cung cấp cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ theo hợp đồng ký kết năm 2004.
Khi được trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya, phi đội chiến đấu cơ MiG-29 nói trên sẽ giúp Ấn Độ tăng cường đáng kể sức mạnh hải quân với khả năng chiến đấu đa dạng.
Qua mặt “đối thủ khu vực” Trung Quốc
Nhưng các chuyên gia quốc phòng nêu ra rằng Ấn Độ đã đánh bại đối thủ trong khu vực là Trung Quốc, trong việc chế tạo một hàng không mẫu hạm nội địa.
Ông Uday Bhaskar, cựu giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia ở New Delhi, nói: “Chúng ta không chế tạo một xe thiết giáp chiến đấu quan trọng, chúng ta không chế tạo trọng pháo, thậm chí chúng ta không chế tạo một vũ khí cá nhân. Ðừng nói gì đến máy bay huấn luyện và phản lực cơ. Để đi tới điểm có thể thiết kế một hàng không mẫu hạm và đưa nó đi từ lúc khởi công cho đến khi hạ thuỷ, đó là một thành quả kỹ thuật và công nghiệp mang ý nghĩa đáng kể đối với Ấn Độ”.
Việc thủy hàng không mẫu hạm Vikrant diễn ra chỉ 2 ngày sau khi loan báo chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên đã sẵn sàng cho các vụ chạy thử trên biển. Thủ tướng Singh đã mô tả đó là một “bước tiến bộ vĩ đại” của Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ đã có tàu sân bay INS Viraat đang hoạt động.
Các nỗ lực tăng cường khả năng hải quân của Ấn Ðộ diễn ra vào lúc sự đối đầu gia tăng với cường quốc trong vùng là Trung Quốc. Một trong các khu vực quan trọng mà hai nước đang tranh giành ảnh hưởng là Ấn Ðộ Dương, một tuyến hàng hải nhộn nhịp.
Ông Rahul Bedi ở New Delhi là một chuyên gia về quốc phòng làm việc cho tuần báo quốc phòng Jane. Ông nói một hàng không mẫu hạm sẽ giúp Ấn Ðộ thể hiện sức mạnh ở khu vực Ấn Ðộ Dương, một khu vực mà ông cho là có khả năng gây xung đột giữa các cường quốc chính. Ông nói: “Hải quân là một trong những điều kiện chính yếu và những yếu tố xoay chuyển tình thế trong toàn khu vực. Do đó sự kiện này sẽ thêm lực đẩy một cách đáng kể cho Hải quân Ấn Ðộ trong khu vực Ấn Ðộ Dương, một khu vực cạnh tranh trong nhiều năm tới”.
Lê Chân

Bình luận(0)