Vụ Snowden gây bê bối ngoại giao chưa từng có

Google News

(Kiến Thức) - Với việc chặn máy bay của Tổng thống Bolivia, vụ bê bối liên quan cựu nhân viên CIA "lộ mật" Edward Snowden đã gây thêm bê bối ngoại giao chưa từng có.


 Một số nước Châu Âu chặn chuyên cơ chở Tổng thống
Bolivia trên đường từ Moscow về La Paz.

Snowden đã trở thành nguyên nhân một số nước Châu Âu tước quyền bất khả xâm phạm ngoại giao của chuyên cơ Tổng thống Bolivia, Evo Morales. Trên đường bay từ Moscow đến La Paz, máy bay chở ông Morales đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp và bị kiểm tra tại Vienna.

Các nước châu Âu không muốn chuyên cơ của Tổng thống Bolivia bay về nước. Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đóng cửa không phận quốc gia đối với nguyên thủ Bolivia. Họ e ngại Edward Snowden, người tiết lộ những bí mật của tình báo Mỹ có mặt trên máy bay.

Ông Evo Morales trên đường về nước sau Hội nghị thượng đỉnh các nước xuất khẩu khí đốt ở Moscow. Trước đó, khi cho ý kiến về Snowden, Tổng thống Bolivia nói rằng ông có khả năng xem xét đơn tị nạn chính trị. Dựa vào phát biểu này, lãnh đạo một số quốc gia châu Âu đã kết luận rằng ông Morales quyết định bí mật đưa Snowden ra khỏi Nga. Họ lập tức cấm máy bay tổng thống Bolivia hạ cánh xuống các sân bay của mình và thậm chí từ chối cho sử dụng không phận.

 Tổng thống Evo Morales trả lời phỏng vấn.

 Nữ luật sư Lina Taltseva nhận xét rằng, các nước châu Âu có quyền như vậy về mặt pháp lý: “Nói chung, đây không phải làm trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, tháng 3/2004, Gruzia đã đóng cửa không phận để ngăn nhà lãnh đạo Adjaria Aslan Abashidze trở về quê hương. Năm 2011, dưới áp lực của Mỹ các chính phủ Turkmenistan và Tajikistan đã cấm Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bay qua không phận các nước này. Và ở đây, chính trị cũng quyết định khi cân nhắc giữa lợi ích nước chủ nhà không phận bay với lợi ích của khách.”

Tuy nhiên, vụ chặn chuyên cơ chở tổng thống Bolivia là chưa từng có trong luật pháp quốc tế. Máy bay chở ông Evo Morales đáp xuống Cộng hòa Áo. Suốt đêm và nửa ngày sau, các nhà ngoại giao thống nhất lộ trình tiếp theo. Sau cuộc đàm phán, Pháp và Bồ Đào Nha đồng ý bật đèn xanh nhưng Tây Ban Nha tỏ ra bướng bỉnh. Nước này không tin lời Tổng thống Bolivia rằng không có Snowden trên máy bay và đòi cho phép đại sứ Tây Ban Nha tại Áo kiểm tra. Bolivia phẫn nộ từ chối yêu cầu này. Kết quả là Tổng thống liên bang Áo Heinz Fischer đã đích thân đến sân bay Vienna đàm phán trực tiếp với ông Morales.

Ngay sau đó, có thông tin các đại diện của Áo đã có mặt trên chuyên cơ của ông Morales và không phát hiện thấy Snowden. Tây Ban Nha cho phép máy bay quá cảnh không phận. Ông Evo Morales tiếp tục lên đường về nước, nhưng dư luận quốc tế không khỏi hết xôn xao, bàn tán.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexander Orlov nhận xét: “Đây là một tiền lệ mới trong luật pháp quốc tế. Tại sao lại có thể kiểm tra chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia vốn hưởng quyền bất khả xâm phạm ngoại giao!”

Đại sứ Bolivia tại chi nhánh Liên Hợp Quốc ở Geneva là Angelica Navarro Yanos đã gọi sự kiểm tra máy bay Tổng thống Bolivia là động thái gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế. Các tổng thống Argentina và Ecuador đã bày tỏ sự đoàn kết với ông Evo Morales. Lãnh đạo các quốc gia Liên minh Nam Mỹ dự định tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn về tình huống chuyên cơ của Tổng thống Bolivia.

Cần nhắc rằng, nhiều thành viên EU không hề tỏ ra khó chịu với thông tin được Snowden công bố. Tất nhiên, chính khách của Châu Âu cũng đang nóng lòng chờ những tiết lộ tiếp theo và sẽ sử dụng để đôi co với người Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ hành động xúc phạm một nước thuộc thế giới thứ ba theo quan điểm của họ, là điều dễ làm hơn. Một đường lối ngoại giao rất thông thường của Châu Âu với những “tiêu chuẩn kép”.

 Snowden vẫn đang ở trong khu vực quá cảnh sân bay Sheremetyevo và gây rắc rối cho quan hệ Nga-Mỹ.

Trong khi đó, thủ phạm vụ bê bối quốc tế là Edward Snowden vẫn đang ở trong khu vực quá cảnh sân bay Sheremetyevo, Moscow. Cựu nhân viên CIA “lộ mật” này đang chờ đợi phúc đáp đơn xin tị nạn chính trị đã được gửi tới một loạt nước và hiện vẫn chưa có một hồi âm tích cực nào.


Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)