Nóng: Tổng thống Putin dùng máy đánh chữ... bảo mật thông tin

Google News

(Kiến Thức) - Thoạt nghe tin Tổng thống Nga bỏ máy tính dùng máy chữ "mổ cò" để bảo mật, không ít người hoài nghi và cứ nghĩ mình đang ở trong…ngày cá tháng Tư.


 Tổng thống Nga bỏ máy tính dùng máy chữ “mổ cò” để bảo mật?

Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) - cơ quan chịu trách nhiệm giữ gìn an toàn cho Tổng thống Vladimir Putin và thông tin liên lạc của điện Kremlin - đã khẳng định rằng việc sử dụng máy đánh chữ truyền thống đang được phát huy sau những tiết lộ về các chương trình do thám mà WikiLeaks và gần đây là Edward Snowden tiết lộ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn một năm nay, nhiều tài liệu ở đây vẫn được viết trên giấy và máy chữ thủ công được dùng để soạn thảo tài liệu bí mật đến tổng thống và bộ trưởng quốc phòng.

Thậm chí Nikolai Kovalev, cựu Giám đốc cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSS) còn hồn nhiên trả lời phỏng vấn báo Izvestiya rằng: “Tất nhiên có các hình thức để bảo mật an ninh trên các thiết bị điện tử nhưng không thể đảm bảo 100% hiệu quả hoàn toàn. Như vậy các biện pháp thủ công như viết tay hoặc dùng máy đánh chữ vẻ thích hợp hơn”.

Hãy khoan nói tới những ưu việt của công nghệ thông tin trong việc xử lý thông tin một cách “nhanh, nhiều, tốt, rẻ và tiện lợi” trong nền kinh tế xã hội toàn cầu đương đại, mà hãy đặt vấn đề một cách giản dị hơn là liệu việc quay lại sử dụng các công cụ của “thời săn bắn hái lượm” như vậy có giải quyết được bản chất của vấn đề là bảo mật thông tin?

Việc quay lại sử dụng giấy tờ trong chỉ đạo và điều hành hành chính đã bộc lộ những nhược điểm dễ thấy trong vấn đề bảo mật thông tin là: hồ sơ trên giấy dễ truy tầm hơn (vì mỗi loại máy đánh chữ chỉ có một khuôn mẫu nhất định), dễ lấy trộm hay sao chụp hơn và dễ biến thành tro bụi hơn với lửa, lưu trữ cồng kềnh hơn và việc truyền tin sẽ hết sức chậm chạp, nhiêu khê vì tính thủ công của nó v.v và v.v… Mà đâu phải dùng máy đánh chữ để soạn tài liệu là đã an toàn ? Hồi những năm 1970, các điệp viên Liên Xô đã chẳng thành công khi cài đặt máy ghi âm các nút trên bàn phím máy đánh chữ chạy bằng điện tại đại sứ quán Mỹ ở Moscow đó sao?

Dù cho biện hộ cách nào đi nữa thì việc quay lại cách thức “mổ cò văn bản như thời tiền sử” bộc lộ sự kém cỏi và bất lực của chính quyền đối với vấn đề bảo mật thông tin trong thời đại mà nền kinh tế tri thức đang nâng cao đời sống con người lên một tầm cao mới về chất.

Hy vọng đây chỉ là phương pháp xử lý tình huống của ban lãnh đạo Nga và cầu mong cho không một quốc gia nào  bắt chước cách làm này thủ công này.


                                                                            

Ngọc Dũng

Bình luận(0)