Mỹ chưa phản ứng về vụ bê bối gián điệp ở Moscow

Google News

(Kiến Thức) - Cả Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao lẫn CIA đều từ chối bình luận về vụ một gián điệp Mỹ bị cơ quan phản gián Nga bắt quả tang.

 Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow Ryan Christopher Fogle bị bắt quả tang làm gián điệp.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ thừa nhận rằng Ryan Christopher Fogle thực sự là nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow.

Hiện thời chính quyền Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về việc phản gián Nga bắt giữ Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow là Ryan Christopher Fogle. Phản gián Nga đã bắt quả tang khi người này cố gắng tuyển mộ nhân viên của cơ quan đặc nhiệm Nga. Khi bị bắt, “nhà ngoại giao” mang theo người thiết bị ghi âm, bộ tóc giả, tiền mặt và bản hướng dẫn dành cho điệp viên tương lai.

Theo phóng viên Roman Mamonov của đài Tiếng nói nước Nga (VOR) thường trú ở Mỹ, truyền thông Mỹ đưa tin rất ít về câu chuyện này. Một số chuyên gia nói rằng vụ bê bối xảy ra rất không đúng lúc. Chính vào khoảng thời gian, khi Moscow và Washington chỉ mới bắt đầu hợp tác trong đấu tranh chống khủng bố sau vụ đánh bom ở Boston, chuẩn bị hội nghị về Syria, ông Barack Obama đang chờ lời đáp từ ông Vladimir Putin cho bức thông điệp mới gửi, và vừa tuần trước, Ngoại trưởng John Kerry đã hội kiến Tổng thống Nga tại Sochi.

Và bây giờ quan hệ đối tác giữa hai nước đang bị đe dọa bởi hành động có vẻ hoàn toàn vô lý của cơ quan tình báo Mỹ để tuyển mộ điệp viên Nga.

Các chuyên gia Mỹ mà đại diện Đài "Tiếng nói nước Nga" phỏng vấn cũng thừa nhận rằng hành động của Bí thư thứ ba (kiêm nhân viên CIA) Ryan Christopher Fogle ít nhất cũng có vẻ kỳ quặc. Tất cả những bộ tóc giả, kính râm, trang thiết bị cồng kềnh, tiền mặt và bản hướng dẫn... thật hoàn toàn ngớ ngẩn. Ngoài ra, các chuyên viên lưu ý đến một chi tiết quan trọng nữa. Fogle là nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên trong suốt thập kỷ qua bị công khai cáo buộc làm gián điệp, đã công bố danh tính của mình và ký vào biên bản bắt giữ. Thông thường động tác này được thực hiện kín, không có hiện diện của các phương tiện truyền thông.

Cựu chuyên viên tình báo Mỹ Richard Blum, hiện là giáo sư Đại học Tổng hợp hàng không Embry-Riddle ở Prescott, trả lời phỏng vấn của đài Tiếng nói nước Nga; “Tôi cho rằng trường hợp cụ thể vừa qua thể hiện là cơ quan tình báo Mỹ thiếu năng lực. Tuy nhiên theo tôi vụ việc đó ít tác động đến mối quan hệ Nga-Mỹ trên bình diện an ninh”.

Nhiều chuyên viên khác cũng bày tỏ hy vọng rằng vụ bê bối gián điệp này không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước. Ngay tại Mỹ, hiện giờ dư luận đang chờ đợi phản ứng chính thức của Washington. Nếu chính quyền Mỹ có động thái đáp trả (chẳng hạn, trục xuất ai đó trong số các nhà ngoại giao Nga), thì sẽ có nghĩa là leo thang xung đột. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng có thể cố gắng dập vụ bê bối và chứng tỏ là quả thực rằng họ sẵn sàng tiếp tục hợp tác.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)