Triều Tiên dọa chiến tranh nhằm ép Mỹ nhượng bộ?

Google News

Nhiều nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách ép Mỹ nhượng bộ, bằng cách làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh.

 
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Những tuyên bố về chương trình hạt nhân và xu hướng gia tăng đe dọa của Triều Tiên trong những tuần gần đây được cho là nỗ lực của nước này nhằm ép Mỹ tiến hành đàm phán về giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ, đồng thời tìm cách thể hiện nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un là một nhà chỉ huy quân sự đầy quyền năng.
 
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh rằng cho tới nay, hàng loạt lời lẽ đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ và Hàn Quốc chưa được hiện thực hóa bằng hành động, đồng thời ông cho rằng những đe dọa này chẳng có tác dụng gì. Ông kêu gọi Nga và Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách.
 
Kim Jin Moo, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên tại Hàn Quốc, cho rằng bằng cách tuyên bố “điều chỉnh” tất cả các cơ sở hạt nhân, Bình Nhưỡng “đang hăm dọa tống tiền cộng đồng quốc tế bằng cách nói rằng họ sẽ sản xuất urani làm giàu ở cấp độ cao để chế tạo vũ khí”.
 
Tuy nhiên, bài phát biểu hôm 31/3 trước Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, được KCNA phát lại toàn bộ hôm 2/4, dường như nhằm xóa bỏ khả năng đối đầu trực tiếp với Mỹ bằng cách nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân sẽ là sức mạnh răn đe để bảo đảm an toàn cho đất nước. Bài phát biểu này không còn đe dọa  Seoul và Washington, song vẫn không kêu gọi chấm dứt khủng hoảng. Yang Moo Jin, làm việc tại Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói: “Bài phát biểu này được đưa ra trước Ban chấp hành Trung ương đảng - cơ quan hoạch định chính sách cao nhất - là nỗ lực nhằm nhấn mạnh các vấn đề kinh tế và chuyển trọng tâm từ an ninh sang kinh tế".

Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thiếu kinh nghiệm

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lại tăng thêm một nấc mới khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã “phê chuẩn” kế hoạch tấn công hạt nhân các mục tiêu của Mỹ trong ngày 4/4, đồng thời có dấu hiệu cho thấy nước này đã chuyển tên lửa tầm trung sang phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Nhà phân tích Yun Duk-min, giáo sư ở Đại học ngoại giao quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, bình luận rằng đe dọa mới nhất giống với những gì Triều Tiên đã nói một tháng trước, nhưng có thêm sức nặng bởi từ “phê chuẩn”. Ông Yun Duk-min nói với hãng tin AFP: “Vấn đề chỗ liệu ông Kim Jong-un, vẫn còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, có biết cách xử lý tình trạng leo thang này không. Nó sẽ phải dừng lại ở đâu? Đó là câu hỏi gây nhiều lo lắng”.
Trong lúc nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ những động thái của các bên, đồng thời cho rằng khó có khả năng xảy ra chiến tranh thì tình trạng leo thang là hoàn toàn có thật.

Trước Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-Jin ngày 4/4 nói rằng tên lửa tầm trung Musudan mà Triều Tiên đã chuyển sang bờ biển phía Đông có tầm bắn 3.000 km, tức là có khả năng nhắm bắn bất cứ vị trí nào tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng chưa vươn tới căn cứ Mỹ ở Guam. Yonhap dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên có thể thử tên lửa vào ngày 15/4, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Liệu Triều Tiên liệu có tấn công để giữ thể diện?

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News ngày 31/3, nghị sĩ Peter King, Cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa tại Hạ viện Mỹ, nói rằng mối quan tâm chính là liệu nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có thể biến những lời đe dọa thành hành động hay không.
 
Ông Peter King lưu ý: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cố gắng để chứng tỏ bản thân. Ông ta đang cố gắng thể hiện là một con người cứng rắn… Để giữ thể diện, ông ta có thể tiến hành một số cuộc tấn công có lựa chọn nhắm vào Hàn Quốc, hoặc một số căn cứ của Mỹ trên Thái Bình Dương.”
 
Tuy nhiên, Alexandre Mansourov, chuyên gia Mỹ từng theo dõi các vấn đề Triều Tiên trong thời gian dài, lại nói: “Những tin tức mới nhất từ Bình Nhưỡng cho thấy có vẻ như tiếng nói của lý trí cuối cùng cũng đã bắt đầu thắng thế trước sự  mù quáng”. Ông trích dẫn nguồn tin của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động cầm quyền, dưới sự chủ trì của Kim Jong Un, Bình Nhưỡng thay vì đưa ra những đe dọa trực tiếp hơn tại hội nghị, đã đặt ra một đường lối chiến lược mới về “song song xây dựng kinh tế và phát triển vũ khí hạt nhân trên cơ sở tự lực tự cường”.
 
Ông Mansourov nói: "Đây là tin tức cả tốt lẫn xấu. Tốt vì nó có nghĩa là lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn không dự tính một cuộc tấn công quân sự chống Hàn Quốc và Mỹ trong tương lai gần. Nhưng tin xấu là nó cũng có thể có nghĩa là Triều Tiên có thể sẽ không thương lượng bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào, trong đó yêu cầu Bình Nhưỡng đóng băng hay tạm ngừng thử nghiệm hạt nhân”.
 
Larry Niksch, một trợ lý cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thì cho rằng những lời lẽ cay độc gần đây của Bình Nhưỡng có thể là nhằm mục đích đánh lạc hướng Mỹ khỏi mục tiêu trước mắt của Triều Tiên là phát triển một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa tầm trung Nodong. Ông nói: “Triều Tiên rất 'thạo' việc tuyên truyền đưa thông tin đánh lạc hướng đối phương và có vẻ như họ đang làm việc này. Phát triển một đầu đạn hạt nhân cho Nodong có nghĩa là phát triển một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Shahab-3 của Iran - bản sao của tên lửa Nodong”. Ông Niksch lưu ý bằng những lời đe dọa chiến tranh, Triều Tiên còn đánh lạc hướng Mỹ khỏi chú ý đến chương trình hạt nhân của Iran.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo Vietnam+

Bình luận(0)