Hoạt động tội phạm ở Đông Á kiếm 90 tỷ USD mỗi năm

Google News

(Kiến Thức) - Hoạt động tội phạm ở Đông Á và Thái Bình Dương có doanh thu 90 tỷ USD mỗi năm, phần lớn từ buôn bán ma túy và các loại hàng giả.

Số ma túy bị tịch thu trong một đợt truy quét.

Phúc trình mang tên “Đánh giá mối đe dọa của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương”, được Liên Hợp Quốc công bố 16/4, cho thấy số tiền mà các băng đảng tội phạm kiếm được còn cao hơn GDP của một số nước trong khu vực.

Văn phòng bài trừ ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết các băng đảng tội phạm ở Đông Á và Thái Bình Dương được tổ chức chặt chẽ, có thể tới được với các nhà cung ứng ở những nơi rất xa như châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Những băng đảng này đang thu về hàng tỷ USD qua việc buôn bán ma túy, hàng giả, gỗ lậu và động vật hoang dã và buôn người.

Ông Giovanni Broussard - nhân viên của UNODC tại Bangkok và là tác giả của một số chương trong bản phúc trình - cho biết thu nhập của tội phạm xuyên quốc gia còn lớn hơn GDP của một số nước Đông Nam Á. Ông Broussard nói: “Số tiền này lên tới khoảng 90 tỷ USD một năm, nhiều gấp đôi GDP của Myanmar, gấp 8 lần GPD của Campuchia và gấp 13 lần GPD của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”.

Phúc trình của LHQ cho thấy heroine và matamphetamine chiếm tới hơn 1/3 số thu nhập của hoạt động tội phạm trong khu vực. Hầu hết lượng heroine được sản xuất ở Myanmar và bán sang Trung Quốc cùng với các nước khác ở Đông Nam Á. Myanmar và Trung Quốc là những nước sản xuất và xuất khẩu chính các loại metamphetamine.

Theo ông Broussard, nỗ lực bài trừ thuốc phiện ở Afghanistan đã làm cho nông dân ở Myanmar gia tăng sản lượng thuốc phiện. Ông nói: “Đó chính là lý do vì sao chúng tôi mạnh mẽ thúc giục các nước hợp tác với nhau khi soạn thảo những chiến lược này: đó là để tránh tình trạng khi chúng ta trấn áp một hoạt động tội phạm ở một nước thì nước láng giềng sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực”.

Trong suốt bản phúc trình của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã xuất hiện như một trong những nước có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Những loại hàng giả, hầu hết được chế tạo ở Trung Quốc và bán sang châu Âu và Mỹ, là ngành hoạt động bất hợp pháp lớn nhất, với doanh thu hàng năm hơn 24 tỷ USD.

Các loại thuốc giả, hầu hết được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, có thể được tìm thấy trên khắp khu vực Đông Nam Á và ở những nơi xa xôi như châu Phi, gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. UNODC trích dẫn các cuộc nghiên cứu lâm sàng cho thấy các loại thuốc trị sốt rét ở Đông Nam Á có đến 47% là thuốc giả.

Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nhiều nhất các động vật hoang dã và có nguy cơ tuyệt chủng, phần lớn bị săn bắt trái phép ở Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào và Campuchia. Nhu cầu ngày càng tăng ở Á Châu đối với các loại dược phẩm cổ truyền cũng đang làm gia tăng hoạt động săn bắt lậu voi và tê giác ở châu Phi.

Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 30% sản phẩm gỗ trong khu vực (với  doanh thu 17 tỷ USD) sử dụng các loại gỗ súc bất hợp pháp và Trung Quốc, Indonesia là hai nước xuất khẩu lớn nhất.

UNODC cho biết tuy những hoạt động buôn người là  tương đối nhỏ về mặt tiền bạc (khoảng 2 tỷ USD mỗi năm), nhưng sự thiệt hại mà hoạt động này mang lại là vô cùng to lớn.

Ông Broussard cho rằng những nỗ lực ngăn chặn tội phạm có tổ chức sẽ thất bại, nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc. Ông nói thêm: "Trung Quốc đương nhiên là một tác nhân then chốt. Qui mô và sức mạnh của nền kinh tế đã khiến cho Trung Quốc trở thành một tác nhân chính trong khu vực. Không có một cách thức ứng phó có hiệu quả nào ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương mà không có sự can dự của Trung Quốc”.

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:





Văn Bình

Bình luận(0)