Chiêu bài của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo

Google News

Sử dụng công cụ hàng hải dân sự hay đột lốt dân sự là chiêu bài chiến lược của Trung Quốc để gây sức ép đối với các nước nhỏ hơn.

 Tàu Hải giám Trung Quốc đối đầu với tàu tuần duyên Nhật Bản.

Theo phân tích của giới quân sự trên trang tin tình báo Stratfor (Mỹ), việc cho phép tới 5 cơ quan hàng hải dân sự và “đội lốt” dân sự khác nhau cùng hoạt động giúp cho Trung Quốc thiết lập và duy trì được sự hiện diện cũng như ảnh hưởng khá lớn trên các vùng biển có tranh chấp với một số nước láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.

Rõ ràng, đây là những công cụ đắc lực và ít rủi ro hơn rất nhiều so với việc sử dụng tàu chiến nhưng cũng theo Stratfor, chính 5 lực lượng hùng hậu này của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực tự động xích lại gần nhau để cùng chống lại “con rồng tham lam” này.

Không giống như nhiều nước khác, Trung Quốc hiện đang có 5 cơ quan phụ trách vấn đề biển đảo độc lập với khoảng 40.000 nhân viên. Đơn vị lớn nhất là Cục An toàn hàng hải với khoảng 20.000 người có nhiệm vụ thực thi luật biển. Cơ quan thứ hai là Lực lượng cảnh sát biển hay còn gọi là tuần duyên, trực thuộc Cục Kiểm soát biên giới. Trên lý thuyết, đây là lực lượng duy nhất được phép trang bị vũ khí vì vậy nó có nhiệm vụ tăng cường cho các lực lượng khác.

Hai đơn vị tiếp theo là Cục Hải quan (chịu trách nhiệm chống buôn lậu trên biển) và Lực lượng thực thi luật đánh bắt cá, phụ trách giải quyết các vấn đề đánh bắt thủy sản trong vùng biển tranh chấp. Lực lượng thứ 5 là Cục Hải dương Quốc gia với khoảng 6.000 – 8.000 và đây cũng chính là cái lò “đẻ” ra lực lượng Hải giám Trung Quốc – cơ quan có nhiệm vụ giám sát khu vực đặc quyền kinh tế và thường xuyên đi đầu trong các cuộc đụng độ với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trong những năm gần đây.

Do không có một đơn vị nào được coi là chủ lực hay chủ đạo trong công tác bảo vệ bờ biển nên cả 5 đơn vị này của Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp hoạt động và thường “dẫm chân lên nhau” về pháp lý. Để được cấp kinh phí nhiều hơn và có nguồn lực hoạt động tốt hơn, các đơn vị này thường tỏ ra rất “tích cực” trong các hoạt động gây hấn trên biển với tàu cá và tàu buôn của các nước láng giềng trên biển với lý do “xâm phạm chủ quyền” biển của Trung Quốc nhằm “tâng công” với chính phủ.

Tại một cuộc họp củaViện Hải quân Mỹ vừa được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, một quan chức cao cấp thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương khẳng định: “Các tàu Hải giám của Trung Quốc chẳng có nhiệm vụ nào khác ngoài việc uy hiếp các quốc gia láng giềng phải chấp nhận những tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc”. Điều này dễ dàng nhận thấy khi Bắc Kinh thường xuyên bố trí lực lượng Hải giám ở các khu vực mà nước này tuyên bố “có chủ quyền” để củng cố khái niệm rằng khu vực lãnh hải này thuộc về Trung Quốc và ngăn cản, hăm dọa các tàu nước khác đi vào đó.

Đáng chú ý là trong đợt cải tổ chính phủ được cho là lớn nhất kể từ năm 1998, có việc tái cơ cấu và nâng cấp Cục Hải dương Quốc gia - đặt các lực lượng thực thi pháp luật biển dưới sự quản lý thống nhất của cơ quan này, thay vì do nhiều bộ quản lý. Sự thay đổi tập trung lực lượng này diễn ra trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á vẫn căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và trên Biển Đông.

Sử dụng công cụ hàng hải dân sự hay đột lốt dân sự là chiêu bài ngoại giao chiến lược của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên các quốc gia nhỏ hơn mà không làm tăng nguy cơ xung đột.

Nhưng “vỏ quýt dày,móng tay nhọn”. Nếu Trung Quốc biết cách dùng các lực lượng dân sự để tăng cường sức mạnh ở các khu vực có tranh chấp thì các nước khác cũng có thể và thậm chí còn làm tốt hơn. Nhật Bản là một ví dụ. Dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và nhiều đơn vị quân đội khác bị cắt giảm ngân sách nhưng Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản vẫn liên tục được phê chuẩn các khoản chi ngày càng lớn hơn để mua tàu, máy bay. Với Nhật Bản, dù lực lượng bảo vệ bờ biển có quy mô nhỏ hơn nhiều so với 5 lực lượng của Trung Quốc nhưng lại có nhiều kinh nghiệm hơn, hoạt động hiệu quả hơn và đó cũng chính là một trong những lý do khiến đến nay Trung Quốc hay Đài Loan vẫn liên tục bị đánh bật ra khỏi khu vực quần đảo Senkaku.

Bên cạnh đó, để đối phó với chiến thuật “lấy thịt đè người” của Trung Quốc, Nhật Bản đã chủ động bắt tay với Philippines để cùng xây dựng lực lượng phòng vệ bờ biển. Nhật báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 11/2 đưa tin chính phủ Nhật Bản dự kiến tặng cho Philippines một số tàu tuần tra mới đóng, trị giá trên 1 tỷ yên (khoảng 11 triệu USD) mỗi chiếc, góp thêm các nỗ lực khu vực để giám sát hoạt động trên biển của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Theo Infonet

Bình luận(0)