Chân dung 4 lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Đến ngày 15/3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã bầu ra 4 chức vụ cao nhất nước này.

 Ra mắt Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bầu là Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).

Cũng tại phiên họp này, ông Lý Nguyên Triều đã được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Ông Lý Nguyên Triều, sinh năm 1950, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Trương Đức Giang đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12. Ông Trương Đức Giang hiện là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó, ngày 13/3, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh đã được bầu làm Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) .

Ngày 15/3, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCS TQ cũng được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện.

Sau đây là tóm tắt thân thế và sự nghiệp của 4 nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc:

1. Chủ tịch nước Tập Cận Bình

 Tổng Bí thư ĐCS kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. Ông hiện là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tập Cận Bình thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5, sau thế hệ Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo.

Tập Cận Bình sinh ngày 1/6/1953 tại Bắc Kinh và là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân. Ông tốt nghiệp Cử nhân Chính trị Học viện Khoa học Xã hội, Đại học Thanh Hoa, Kỹ sư Hóa chất, Thạc sỹ, Tiến sỹ Luật. Tháng 1/1974, Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1979 đến 1982, Tập Cận Bình làm Thư ký Văn phòng Quốc vụ viện và Thư ký Văn phòng Quân ủy Trung ương. Năm 1982-1983, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc. Từ năm 1983 đến năm 2007, ông đã trải qua các chức vụ như: Bí thư Huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc (1983-1985); Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến (1999-2002); Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Chiết Giang (2003-2007); Bí thư  Thành ủy Thượng Hải (2007).

Ông Tập Cận Bình là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 15, Ủy viên chính thức BCH Trung ương đảng các khoá 16, 17. Tháng 10 năm 2007, tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương và được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.

Ngày 15/3/2008, ông được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngày 18/10/2010, Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, khóa 17, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu Tập Cận Bình giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ngày 15/11/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên sau Đại hội lần thứ 18 và quyết định bầu ông Tập Cận Bình làm làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Ngày 14/3/2013, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cựu thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu, từng nhận xét: “ Tập Cận Bình là một người thận trọng, từng trải qua rất nhiều gian nan, khổ cực... một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của bản thân tác động đến các quyết định đưa ra”.
    
Vợ của Tập Cận Bình là ca sĩ Bành Lệ Viện, một ca sĩ mang hàm Thiếu tướng trong lực lượng văn công Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Hai ông bà có một con gái là Tập Minh Trạch.

2. Thủ tướng Lý Khắc Cường

 Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường.

Trước khi được bầu làm Thủ tướng, ông  Lý Khắc Cường (sinh 1955) là Phó Thủ tướng thường trực Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là nhân vật đứng thứ 2 trong Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc

Là người thay thế Thủ tướng tiền nhiệm Ôn Gia Bảo, ông Lý Khắc Cường có thế mạnh về phát triển kinh tế, kiểm soát giá, tài chính, biến đổi khí hậu và quản lý kinh tế vĩ mô. Ông đã tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế học Học viện Kinh tế Đại học Bắc Kinh và là Tiến sĩ kinh tế học.

Lý Khắc Cường đã trải qua 4 năm lao động chân tay tại Tập đoàn sản xuất Đông Lăng  tỉnh An Huy. Vào năm 1978, ông vào Đại học Bắc Kinh, nơi ông tốt nghiệp đại học Luật và Kinh tế.

Vào những năm 1980 và 90, Lý Khắc Cường làm Bí thư Liên hiệp sinh viên Toàn trung Quốc, sau đó làm công tác đảng tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản. Vào năm 1999, ông được bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh Hà Nam và sau đó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam. Ông vào Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2007.

Ông Lý Khắc Cường được cho là thân cận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Phong thái bình dân của ông khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu ông có đủ mạnh mẽ để đương đầu với các nhóm lợi ích đang thống lĩnh kinh tế Trung Quốc hay không.

Lý Khắc Cường chủ trương gia tăng việc làm, phát triển cân đối vùng miền và thúc đẩy cải cách công nghệ năng lượng sạch. Ông được tiếng là quan tâm tới người nghèo. Ông được cho là có công lớn trong việc vực dậy nền kinh tế của tỉnh Hà Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tỉnh Liêu Ninh, một tỉnh bị ảnh hưởng mạnh của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước

3. Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang

 Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang.

Trương Đức Giang là nhân vật đứng thứ 3 trong Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, một trong 7 người nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông vừa được bầu làm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc nước CHND Trung Hoa, đứng đầu Quốc hội Trung Quốc.

Sinh tháng 11/1946, tại tỉnh Liêu Ninh, ông Trương Đức Giang được xem là một “hoàng tử đỏ”. Cha ông  là Trương Chí Nhất, một Thiếu tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và từng là Phó tư lệnh pháo binh tại Quân khu Quảng Châu.
Sự nghiệp chính trị

Cũng như Tập Cận Bình, thời thanh niên, Trương từng được điều về nông thôn để lao động. Hồi đầu những năm 1970, Trương Đức Giang làm việc tại phòng tuyên truyền huyện trước khi đi học tiếng Triều Tiên tại Đại học Yanbian. Sau đó, ông làm Bí thư Đoàn tại Liêu Ninh trước khi học kinh tế 2 năm tại Đại học Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng.

Ông lần lượt giữ các chức vụ trong đảng tại Tứ Liên cho đến khi chuyển tới Chiết Giang để trở thành Bí thư Tỉnh ủy.

Năm 2002, ông vào Bộ Chính trị và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Năm 2008, ông Trương Đức Giang được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Thủ tướng, chuyên trách năng lượng, viễn thông và giao thông. Năm 2012, kiêm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh  thay Bạc Hy Lai.

Trương được xem như là một chuyên gia về Triều Tiên và cũng được cho là thành viên của nhóm ủng hộ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

4. Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh

 Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh.

Du Chính Thanh hiện là nhân vật đứng thứ 4 trong Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong 7 người nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông hiện là Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) .

Ông Du Chính Thanh tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật quân sự Harbin, chuyên về điều khiển tên lửa đạn đạo.

Ông từng là Thị trưởng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông rồi làm Bộ trưởng Xây dựng vào năm 1997. Năm 2007, ông làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, thành phố lớn nhất về tài chính và kinh doanh tại Trung Quốc. Trước đó ông là Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2002.

Ông Du Chính Thanh là con trai của Du Kỳ Vĩ, cựu Thị trưởng Thiên Tân và là chồng đầu tiên của Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông.

Du Chính Thanh được Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đỡ đầu. Ông còn làm việc dưới quyền Giang Trạch Dân, khi làm Bộ Trưởng Công nghiệp điện tử. Vợ Du Chính Thanh là con gái một vị tướng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Du Chính Thanh cổ vũ cho khu vực tư nhân, phát triển đô thị, phát triển pháp luật và cải cách xã hội để tạo dựng niềm tin và tin cậy trong xã hội.

Ngày 11/3/2013, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp), thay cho ông Giả Khánh Lâm.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)