Nam Á trước nguy cơ chiến tranh vì nước ngọt

Google News

Vấn đề  nước được coi là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tại khu vực Nam Á thêm "nóng".

Hôm thứ Năm, 31/1, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững lần thứ 13 đã khai mạc tại Delli. Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Manmohan Singh kêu gọi lãnh đạo của các nước đang phát triển và các chuyên gia đặc biệt chú ý đến vấn đề khan hiếm các nguồn lực (đặc biệt là tài nguyên nước và tài nguyên năng lượng) đang làm suy yếu nỗ lực chống đói nghèo của cộng đồng quốc tế.

Không biết có tình cờ hay không, nhưng trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã có tin tức về kế hoạch xây dựng 3 con đập mới của Trung Quốc trên sông Brahmaputra. Tin này một lần nữa khiến cho cuộc tranh chấp lâu dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ về các vấn đề nước trên sông Brahmaputra thêm trầm trọng. Ấn Độ có lý do để quan ngại rằng việc Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông và chuyển hướng dòng nước phục vụ cho công tác thủy lợi ở Tây Tạng và khu vực Tân Cương sẽ gây ra những thách thức về sử dụng nước của các nước hạ nguồn là Ấn Độ và Bangladesh.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng các công trình cấp nước không liên quan đến nhu cầu dùng nước ở các khu vực khác của đất nước, và Trung Quốc đã tham khảo ý kiến của các nước nằm ở khu vực hạ lưu.

 Nước đang là vấn đề khiến mối quan hệ của các nước Nam Á thêm "nóng".

Các vấn đề quản lý nước, đặc biệt là thay đổi dòng chảy là một trong những vấn đề sắc nét nhất trong nền chính trị quốc tế hiện đại. Ông Boris Volkhonsky, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga cho biết: “Một số chuyên gia cho rằng nước đó sẽ là nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh trong thế kỷ XXI, cũng như dầu mỏ là nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh thế kỷ XX. Đối với Ấn Độ, đây là vấn đề chính trị nội bộ gay cấn: những câu hỏi về quyền sử dụng vùng nước các con sông lớn luôn luôn làm phức tạp mối quan hệ giữa các bang khác nhau của Ấn Độ.”

Trên thế giới không có luật thống nhất quản lý tất cả các khía cạnh của việc sử dụng nước. Có những công ước hiện tại xác định các điều khoản chung nhất, không ràng buộc và trong các quy định hầu như không có giải quyết xung đột. Vì vậy, những vấn đề thường được giải quyết trên cơ sở nhân nhượng song phương cho từng trường hợp. Nhưng trong thực tế, nước "thượng nguồn" nắm quyền kiểm soát phần chảy phía trên của con sông lại thường sử dụng áp lực, xuất phát từ "Học thuyết Harmon" (nguyên tắc might is right) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX bởi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, và tuyên bố chủ quyền tuyệt đối của mỗi quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình.”

Nghịch lý trong trường hợp của Ấn Độ là ở chỗ đối với hầu hết các nước láng giềng thì nước này là quốc gia "thượng nguồn" và nhẽ ra phải áp dụng nguyên tắc might is right, chuyên gia Nga nhận xét. Biểu hiện rõ ràng nhất là vấn đề liên quan đến Pakistan, nơi các vấn đề về nước là nhân tố chính gây ra cuộc xung đột Kashmir.

Nhưng trong trường hợp với Trung Quốc (quốc gia kiểm soát hầu hết các con sông lớn của châu Á, và thực sự độc quyền trong lĩnh vực này) Ấn Độ đã phải hành động như một nước ở hạ nguồn, tức là bên chịu thiệt.

Gần đây, một số quan chức Bangladesh không giấu ác ý nói rằng Trung Quốc đối xử với Ấn Độ giống y như Ấn Độ đối xử với Bangladesh.

Có lẽ tình trạng nước đôi này buộc Ấn Độ phải tìm giải pháp cùng chấp nhận được cho một số quốc gia liên quan. Theo báo "Hindu" cách đây vài ngày, Ấn Độ đã mời Bangladesh tham gia dự án về việc xây dựng một loạt các công trình thủy điện trên sông chung.

Tuy nhiên, động thái này khó mà tác động đến chính phủ Trung Quốc, ông Boris Volkhonsky nói. Trung Quốc vẫn kiên quyết nỗ lực giải quyết các vấn đề trong mỗi trường hợp vì lợi ích của mình, không theo các công ước quốc tế, mà bằng học thuyết Harmon.

ĐANG ĐỌC NHIỀU: TIN LIÊN QUAN:
Theo Tiếng nói nước Nga

Bình luận(0)