Khó khăn của Tổng thống Obama khi chọn “đội hình” mới

Google News

Báo Độc lập (Nga) ngày 14/1 bình luận về việc ông Obama chính thức nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai ngày 21/1  và những khó khăn của ông trong việc lựa chọn "bộ sậu" mới.

 Tổng thống Mỹ Obama giới thiệu đề cử nhân sự Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ mới là Thượng nghị sỹ John Kerry (phải).

Bài báo cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính-kinh tế trong nước như hiện nay, nhiều khả năng lễ nhậm chức của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ diễn ra một cách "ngắn gọn."
 
Bên cạnh khủng hoảng kinh tế, lễ nhậm chức của ông Obama còn bị tác động bởi cuộc đấu đá chính trị khốc liệt trong giới chóp bu ở Wasington. Một số nhà phân tích thậm chí còn nhận định, đời sống chính trị Mỹ dường như chưa có dấu hiệu lắng xuống ngay cả khi các chiến dịch vận động tranh cử đã lùi xa.
 
Hai phe cánh tranh giành ảnh hưởng quyền lực hiện là những người Dân chủ thân ông Obama, có xu hướng bảo thủ và những người Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện. Nhờ các thỏa thuận mới đạt được "ngay sát phút giao thừa 2013" mà nước Mỹ tránh được cú rơi thẳng từ bờ vực tài chính, sau khi thống nhất được phương án nâng mức trần nợ công và tìm ra biện pháp cắt giảm các nguồn chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hai đảng giải quyết dứt điểm được vấn đề "đồng sàng dị mộng."
 
Các tranh cãi mới đây về tính hợp lý của việc hạn chế sở hữu vũ khí cá nhân là một trong những bất đồng lớn hiện nay. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Obama quyết định thành lập một ủy ban mới, bổ nhiệm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, hay còn gọi là "các cơ cấu đảm bảo an ninh quốc gia" cũng còn gây nhiều tranh cãi.
 
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ hiện hành, Thượng viện nước này có quyền đưa ra cho Tổng thống lời khuyến nghị và sự đồng thuận đối với các quyết định bổ nhiệm này. Hiện, những người Cộng hòa chưa thể hiện sự ủng hộ. Dù chỉ chiếm thiểu số trong Thượng viện, song thủ tục hiện nay cho phép họ gây trở ngại đáng kể đối với bộ máy chính quyền ông Obama.

Cụ thể là nhóm các nghị sỹ từ đảng Cộng hòa (Lindsey Graham, John McCain và Kelly Award) đã thành công trong việc ngăn cản ý định của ông Obama bổ nhiệm bà Susan Rice, Đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc làm ngoại trưởng khi gây áp lực khiến bà Rice phải tự rút khỏi vụ đề cử này và ông Obama phải đề cử ông John Kerry, một nghị sỹ nổi tiếng từ Đảng Dân chủ, năm 2004 từng tranh cử Tổng thống, giữ chức vụ này. Ông Kerry là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ, vì thế, giới thân cận của ông Obama dù muốn cũng không thể tác động để thay đổi tình hình.
 
Một trong những bất đồng sâu sắc nữa giữa hai đảng là tranh cãi xung quanh ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, nghị sĩ nổi tiếng thuộc Đảng Cộng hòa. Giống như ông Kerry, ứng cử viên Chuck Hagel cũng là cựu binh trong cuộc chiến tại Việt Nam, là người chống can thiệp quân sự ra bên ngoài, cho rằng hành động này là hệ quả của "thất bại ngoại giao."
 
Ông Hagel cũng từng mạnh mẽ phản đối các hành động đơn phương của Mỹ chống Iran, ủng hộ đối thoại với lãnh đạo quốc gia này. Các quan điểm của ông bị những người Dân chủ bảo thủ cực lực phê phán. Trên báo chí, các đại diện của đảng Dân chủ cho rằng Nhà Trắng đang tạo ra "đội hình bồ câu kiểu Obama."
 
Trong bối cảnh như vậy, Nhà Trắng chưa thể hiện dấu hiệu bị gây áp lực và có thể sẽ có hình thức đáp trả những người bảo thủ xung quanh các bổ nhiệm cấp cao này. Tuy nhiên, tranh giành ảnh hưởng trong bộ máy quyền lực mới của ông Obama cho thấy Wasington từ lâu đã không còn đi theo "lời di huấn" của các bậc tiền bối là không để xảy ra đấu đá nội bộ trong các cơ cấu quốc phòng và ngoại giao.

Diễn biến tiếp theo của tình hình chủ yếu phụ thuộc vào khả năng của Nhà Trắng chống lại ảnh hưởng của giới bảo thủ đối với chính sách ngoại giao tương lai của nước Mỹ. Nếu làm được điều này, ông Obama có thể để lại dấu ấn rõ nét trong lịch sử Mỹ hiện đại.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:


Theo Vietnam Plus

Bình luận(0)