Lý do thực sự khiến Triều Tiên tăng tốc thử hạt nhân?

Google News

(Kiến Thức) - Một cuộc chạy đua vũ trang đang bùng phát ở Đông Bắc Á, với việc Hàn Quốc phóng tên lửa Naro "ép" Triều Tiên tăng tốc thử hạt nhân lần thứ ba. 

 Hàn Quốc phóng thành công tên lửa Naro đưa vệ tinh vào quĩ đạo.

Vốn lên án Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) “xâm phạm thô bạo chủ quyền” của  CHDCND Triều Tiên, sau vụ Hàn Quốc phóng thành công  tên lửa Naro, Bình Nhưỡng càng có lý do để lên án HĐBA LHQ “lá mặt, lá trái” trong việc tăng cường các biện pháp trừng phạt nước này, sau vụ phóng tên lửa Unha-3 hồi tháng 12/2012.

Vụ phóng tên lửa Naro càng kích động ban lãnh đạo Triều Tiên tăng tốc thử hạt nhân lần thứ 3.

"Con gà tức nhau tiếng gáy"

Tên lửa KSLV-I, còn được gọi là Naro, đã được phóng lên lúc 4 giờ chiều 30/1 (giờ địa phương) từ Trung tâm vũ trụ Naro ở bờ biển phía nam Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul khoảng 480km về phía nam.

Tên lửa Naro, với tầng thứ nhất do Nga và tầng 2 do Hàn Quốc chế tạo, mất 8 phút để đưa vệ tinh vào quĩ đạo.

 Tên lửa Naro có tầng thứ nhất do Nga và tầng 2 do Hàn Quốc chế tạo.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời các quan chức nói vụ phóng tên lửa đã thành công và diễn ra theo đúng kế hoạch. Vụ phóng thành công tên lửa Naro, sau các nỗ lực phóng thất bại liên tiếp vào năm 2009 và 2010,  có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai chương trình vũ trụ của Hàn Quốc và hiện thực hoá tham vọng gia nhập “Câu lạc bộ các cường quốc vũ trụ” của Seoul.

Vụ phóng ngày 30/1 diễn ra chỉ 3 tuần sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa 3 tầng do nước này tự chế tạo nhằm đưa một vệ tinh vào quỹ đạo và gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Áp lực thành công đè nặng lên vụ phóng tên lửa Naro lần này càng gia tăng kể từ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng trước. Sau vụ phóng, Triều Tiên lại công bố kế hoạch thử hạt nhân “cấp độ cao” và tiếp tục phóng tên lửa tầm xa.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ thị toàn bộ lực lượng quân đội ở vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Bình Nhưỡng sắp tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba trong tương lai gần. Các nguồn tin quân sự và tình báo Hàn Quốc cho biết đã có dấu hiệu gia tăng hoạt động tại điểm thử hạt nhân ở Đông Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok nói với các nhà báo ở Seoul rằng Triều Tiên đã sẵn sàng và có thể thử hạt nhân “vào bất cứ lúc nào”.

Về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân, ngày 29/1, phát biểu trên đài phát thanh địa phương, hạ nghị sỹ Park Jie-won thuộc đảng Dân chủ Thống nhất (DUP) đối lập ở Hàn Quốc nói rằng rất có thể thời điểm mà Triều Tiên lựa chọn là trùng với các sự kiện lớn sắp tới như sinh nhật cố lãnh đạo Kim Jong-Il (16/2) hay lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun Hye (25/2).

Theo ước tính của nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker của Đại học Stanford (Mỹ), Triều Tiên hiện có trong tay lượng plutonium đủ để chế tạo 8 quả bom nguyên tử.

Chạy đua vũ trụ hay chạy đua vũ trang?


Mặc dù Mỹ và Nga vẫn chi đang chi phối lĩnh vực chinh phục vũ trụ, nhưng sau vụ Hàn Quốc phóng thành công tên lửa Naro mang vệ tinh, châu Á đang trở thành tâm điểm của cuộc chạy đua vào vũ trụ trong thế kỷ 21.

 Triều Tiên đã gia nhập “CLB các cường quốc vũ trụ”, với việc phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 đưa một vệ tinh lên quĩ đạo.

Trong sáu tháng cuối năm 2013, Trung Quốc có kế hoạch đưa một xe nghiên cứu tự hành lên Mặt trăng. Ấn Độ dự kiến phóng một vệ tinh bay xung quanh Sao Hỏa. Nhật Bản vừa phóng lên quĩ đạo các vệ tinh do thám… và hồi tháng 12/2102, Triều Tiên đã gia nhập “CLB các cường quốc vũ trụ”, với việc phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 đưa một vệ tinh lên quĩ đạo.  Với việc phóng thành công tên lửa Naro mang vệ tinh, Hàn Quốc trở thành nước thứ 5 ở châu Á gia nhập “CLB vũ trụ” hiện chỉ mới có 13 nước thành viên này.

Giới phân tích cho rằng cuộc chạy đua vào vũ trụ hiện nay đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Cuộc chạy đua này đã được khởi động và điều nguy hiểm hơn là nó sẽ đẩy tỷ lệ ngân sách quốc phòng –GDP ngày càng leo cao, chứ không còn duy trì ở mức dưới 1% GDP của Nhật Bản hay 2,5% của Hàn Quốc như trước đây.

Tên lửa đẩy hai tầng Naro có tầm bắn ít nhất là 800km khiến cho khu vực trở nên bất ổn hơn vì nó có thể vươn tới phần lớn khu vực Đông Bắc Á. Tên lửa đạn đạo Hàn Quốc có thể bắn tới hầu hết các thành phố ven biển của Trung Quốc - trong đó có Thượng Hải, Thiên Tân, Thanh Đảo và thủ đô Bắc Kinh.

Không những thế, vụ phóng tên lửa Naro có thể là một cái cớ để Triều Tiên lên án Nghị quyết 2087 của HĐBA LHQ là “lá mặt, lá trái” trong vấn đề tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên. Ban lãnh đạo Triều Tiên sẽ còn tức tối hơn, khi Trung Quốc không có phản ứng mạnh mẽ trước vụ phóng tên lửa Naro của Hàn Quốc (vì vụ phóng tên lửa Naro là khá minh bạch và tầng 1 của tên lửa này do Nga thiết kế, chế tạo).

Cái lý của Triều Tiên trong việc phóng tên lửa, thử hạt nhân

Chắc chắn, việc Hàn Quốc phóng tên lửa Naro càng củng cố lý lẽ của ban lãnh đạo Triều Tiên về sức mạnh “răn đe” của tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Kể từ những năm 1960, Bình Nhưỡng đã tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân để làm nhụt chí kẻ thù xâm lược, đặc biệt là những kẻ thù vốn đang ở trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên như Mỹ và Hàn Quốc. Khát vọng này trở nên mãnh liệt hơn sau khi đàm phán 6 bên bị sụp đổ trrong năm 2008.
 
Không những thế, Bình Nhưỡng còn rút ra bài học xương máu của chế độ Libya, nước đã bỏ chương trình hạt nhân và hợp tác với phương Tây chống khủng bố, nhưng rốt cuộc vẫn bị phương Tây lật đổ và nhà lãnh đạo Gaddafi bị sát hại một cách dã man.
Việc HĐBA LHQ (trong đó có Trung Quốc) nhất trí thông qua Nghị quyết 2087 lên án Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh càng khiến cho Bình Nhưỡng phẫn nộ.

Tháng 4/2012, Triều Tiên đã sửa đổi hiến pháp trong đó tuyên bố nước này là “cường quốc hạt nhân” và cực lực bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt của LHQ, khẳng định quyền phóng tên lửa mang vệ tinh trong chương trình vũ trụ hòa bình của nước này. Các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân nhằm phô trương thành tựu kỹ thuật và củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.  

Các nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên đang chuyển hướng sang chế tạo vũ khí hạt nhân từ uranium. Nếu thành công, Bình Nhưỡng có thể mỗi năm chế tạo được thêm 2 vũ khí hạt nhân. Không những thế, Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân “cấp độ cao hơn”, chứ không chỉ dừng ở mức 1-2 kiloton như các vụ thử năm 2006 và 2009.

Vụ thử hạt nhân sắp tới cùng nhằm chế tạo đầu đạn hạt nhân có kích thước nhỏ gọn hơn để có thể lắp vào tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn trên 10.000km.

Có một thực tế hiển nhiên là nếu Triều Tiên quyết tâm thử hạt nhân lần thứ 3, cộng đồng thế giới khó có thể ngăn cản và Trung Quốc càng bị mất mặt hơn nữa. Cái mà nước này có thể làm với người anh em “cứng đầu cứng cổ” Triều Tiên là cắt giảm viện trợ, điều mà Hoàn cầu Thời báo (một nhánh của Nhân dân Nhật báo – Cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc)  từng đe dọa trong một bài xã luận. 

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:



Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)