Cộng đồng người chỉ thích “hôn nhân một đêm”

Google News

Hôn nhân gần như không tồn tại trong văn hóa của người Mosuo (Trung Quốc). Họ thích có bạn tình, nhưng không kết hôn.

Chỉ cần khều nhẹ vào lòng bàn tay đối tượng, một cô gái có thể ngủ với bất kỳ chàng trai nào cô muốn. Những người đàn ông không bao giờ dám chắc đứa trẻ mà vợ hay người tình của mình đẻ ra là con mình và đối với họ, điều này cũng chẳng có gì là ghê gớm. Ở cộng đồng người Mosuo chưa từng có khái niệm “hôn nhân” hay “vợ chồng”.

Thích có bạn tình, nhưng không kết hôn

Hôn nhân gần như không tồn tại trong văn hóa của người Mosuo: Họ thích có bạn tình, nhưng không kết hôn. Đối với người Mosuo, khái niệm “hôn nhân” hay “vợ - chồng” chưa bao giờ tồn tại theo đúng nghĩa vốn có của nó. Năm 12 tuổi, các cô gái trải qua một lễ trưởng thành và sau khi dậy thì, được tự do đón bạn tình.

 Họ chỉ thích làm người tình, chứ không muốn kết hôn.

Khi một đứa con gái đến tuổi cập kê, cô được bố trí phòng nằm cuối dãy buồng ngủ đàn bà, để tiện đưa người tình của mình về mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Những cô gái đó tự do lựa chọn bạn tình và ngay cả cách thức chiếm được người tình cũng thật đơn giản. Chỉ cần khều nhẹ vào lòng bàn tay đối tượng, một cô gái Mosuo có thể ngủ với bất kỳ chàng trai nào cô muốn. Anh chàng có thể qua đêm trong phòng của cô, nhưng sáng hôm sau sẽ quay về nhà mẹ đẻ và tiếp tục các nghĩa vụ với gia đình mình.

Những chàng trai ở đây đã quá quen với cuộc sống mà phụ nữ có thể chọn tình nhân bất cứ khi nào cần. Dù người phụ nữ có thể gặp người đàn ông không chỉ một mà vài lần và thậm chí có mang, nhưng nàng không phải là vợ cũng như chàng không phải là chồng. Chàng không bao giờ được sống chung với nàng và chỉ được phép ngủ với nàng một tuần vài lần cho đến khi nàng chán chê và chọn người khác. Những ngày còn lại trong tuần hay trong tháng, chàng sống với gia đình mình. 

Họ có thể sinh con sau những lần chung đụng xác thịt, song không một người đàn ông nào được trở thành cha của những đứa trẻ mà họ sinh ra. Nam giới ở Mosuo không có quyền làm cha. Quan hệ tình ái chung chạ với đàn ông chưa bao giờ bị coi là điều đáng xấu hổ trong xã hội của người Mosuo. 

Cha là ai? Không quan trọng!

Đứa trẻ sinh ra trong những cuộc tình một đêm ấy lẽ đương nhiên là sống với mẹ. Người chịu trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ với tư cách đàn ông là anh trai hoặc em trai của người mẹ, chứ không phải là cha của chúng. Trẻ con của bộ tộc Mosuo sống cùng vài người cậu hoặc bác. Những người đàn ông này cùng đảm nhiệm vai trò của người cha trong gia đình gồm nhiều thế hệ. Thậm chí, có không ít đứa trẻ biết cha mình là ai, nhưng cũng chỉ sơ sài với nghĩa “biết để biết” mà thôi.

 Phụ nữ Mosuo.

Chuyện nhận cha - con không bao giờ được xem là một sự kiện to tát. Mặc dù quan hệ giữa họ là thân thiết thì điều đó không có nghĩa là người đàn ông kia có nghĩa vụ về mặt xã hội cũng như kinh tế. Chính vì vậy, trong xã hội của người Mosuo, những người đàn ông chỉ dám chắc anh mình, chị mình, em mình mới là thân thích thật sự - vì cùng một mẹ sinh ra.

Người tình đến nhanh, bất chợt thì sự “biến mất” của họ cũng tương tự như thế. Khi người đàn bà chán người đàn ông “chăn gối” trong mấy ngày hoặc vài tuần thì dễ dàng có thể kết thúc quan hệ tình ái bất cứ lúc nào. Để thông báo mình đã thay lòng đổi dạ, người đàn bà đó chỉ cần không mở cửa mỗi khi người đàn ông đấy đến. Thế là kết thúc một cuộc tình ngẫu hứng. Trên thực tế, phụ nữ Mosuo không thay đổi người tình quá thường xuyên. Họ cũng hiếm khi quan hệ với hai người đàn ông trở lên cùng lúc. Nhiều phụ nữ nói rằng, họ chỉ có một hoặc hai người tình trong suốt cuộc đời.

Việc phụ nữ Mosuo không kết hôn và những đứa trẻ không có cha có thể khiến nhiều người nghĩ rằng bộ tộc này không coi trọng cuộc sống gia đình; song, điều này không đúng. Trên thực tế, người Mosuo coi gia đình là thứ quan trọng hơn mọi mối quan hệ khác. Những gia đình mở rộng của họ - gồm nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà - có cuộc sống tình cảm cực kỳ ổn định, bền vững. Do không có hôn nhân nên người Mosuo không có khái niệm “ly dị” hay “ly thân”.

Ở làng Luoshui, A Long (30 tuổi) có một nhà nghỉ nhỏ. Gia đình anh gồm mẹ, bà, em trai, em gái và đứa con 2 tuổi của em gái. Tối tối, A Long thoải mái đi ra khỏi nhà với một túi đồ cá nhân, sáng hôm sau anh trở về nhà tiếp tục công việc thường nhật. “Ở nhà tôi, tất cả đều là mẹ đứa bé, kiếm tiền nuôi nó. Điều hay nhất là không có xung đột nào giữa anh chị em trong nhà. Nếu cặp đôi cảm thấy thoải mái, họ tiếp tục quan hệ, không thì đường ai nấy đi. Giữa họ không tồn tại khái niệm hận thù, ghen tuông” - A Long chia sẻ . 

A Long nói rằng anh từng có nhiều bạn tình, nhưng anh giờ bắt đầu quan hệ nghiêm túc và lâu dài với một cô gái khi cô sinh đứa con đầu tiên. Và lẽ dĩ nhiên, anh cũng không biết đứa con đó có phải là con ruột của mình ra hay không? Dù sao điều đó anh cũng không mấy bận tâm.

Ge Ze A Che là người đứng đầu Luoshui - làng có số dân hơn 200 người, đa số là người Mosuo - tự hào giãi bày: “Tôi là người đứng đầu làng này, tính đến thời điểm hiện nay cũng được 5 năm rồi. Thật đáng tự hào. Ở làng này rất hiếm xảy ra trộm cắp, cãi cọ hay hãm hiếp. Hôn nhân bạn bè có nhiều yếu tố tích cực hơn hệ thống một vợ - một chồng, vì quy mô gia đình lớn hơn, tính cộng đồng gắn kết chặt chẽ, mọi người tương trợ nhau và chúng tôi chẳng e sợ điều gì”.

Tây vương nữ quốc

Không như đại đa số vùng ở Trung Quốc, việc sinh con trai chẳng hề mang nghĩa đại phúc hay may mắn tại làng Mosuo. Tuy nhiên, ngay khi chào đời, sự phân biệt đối xử đã thể hiện. Thằng bé sơ sinh bị bắt ngủ trên tấm thảm gần lò sưởi, trong khi bé gái ngủ trên giường trong buồng mẹ. Tất cả bọn trẻ đều có phòng riêng khi chúng đến tuổi trưởng thành. Dù vậy, những thiếu nữ này chỉ được phép quan hệ tình dục khi đủ 18 tuổi. 

Những phụ nữ trong xã hội theo chế độ mẫu hệ này không bao giờ kết hôn. Họ và con cái sống trong những ngôi nhà gồm nhiều thế hệ, song những đứa trẻ ấy không có cha trên tất cả giấy tờ tùy thân. Đây là một nơi không có đám cưới trong suốt hàng nghìn năm qua, song các bà mẹ vẫn đảm đương tốt trong việc nuôi dạy con cái như mọi nơi khác. Họ vừa là một người mẹ, vừa là một người cha tốt.

Chính phủ Trung Quốc từng cố áp đặt chế độ một vợ - một chồng và luật hôn nhân tại làng Mosuo vào thập niên 1950, nhưng đã thất bại. Vào thập niên 1970, chính phủ nới lỏng, xem phong tục này như một trong những di sản văn hoá, nhưng quy định thêm rằng, các cô chỉ được quyền tự do luyến ái cho đến khi mang thai. Nhưng trong thực tế, các cô vẫn tự do chọn bạn tình ngay cả khi đã có con. 

“Trong giai đoạn cuộc cách mạng văn hóa diễn ra, lãnh đạo tỉnh Vân Nam đến làng của người Mosuo và nói chúng tôi sống như bầy thú, sinh ra lẫn lộn, không cha. Hồi ấy, mọi người Mosuo phải kết hôn và theo chế độ một vợ - một chồng. Ai không tuân thủ sẽ bị cắt phiếu lương thực” - A Che kể. Sau cách mạng văn hóa, mọi việc trở lại như cũ.  

Khi được hỏi ý kiến của ông về sự thay đổi của làng Mosuo trong tương lai, A Che nói: “Ở một mức độ nào đó, du lịch đã thay đổi cuộc sống ở đây. Bọn trẻ giờ thích mặc quần áo của người Hán, nói tiếng phổ thông, hát bằng tiếng phổ thông. Chắc là về sau họ sẽ không giữ được nhiều tập quán của cha ông. Chúng sẽ tiếp cận được nhiều điều văn minh hơn. Nhưng còn “hôn nhân một đêm”, có lẽ đến một lúc nào đó nó cũng sẽ thay đổi, nhưng còn lâu, lâu lắm!”.

Những chàng trai ở đây đã quá quen với cuộc sống mà phụ nữ có thể chọn tình nhân bất cứ khi nào cần. Dù người phụ nữ có thể gặp người đàn ông không chỉ một mà vài lần và thậm chí có mang, nhưng nàng không phải là vợ cũng như chàng không phải là chồng. Chàng không bao giờ được sống chung với nàng và chỉ được phép ngủ với nàng một tuần vài lần cho đến khi nàng chán chê và chọn người khác. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Lao Động

Bình luận(0)