Có tình yêu, dù nghèo vẫn... sướng

Google News

(Kiến Thức) - Đó là khẳng định của một anh chồng người dân tộc Dao ở Hà Giang. Dù gia đình anh còn nghèo, kiếm cái ăn qua ngày còn khó nhưng nhờ tình yêu, gia đình họ vẫn đầy ắp tiếng cười, niềm vui và sự tin tưởng của "trái tim vàng".

Vượt qua cấm đoán

Anh là Cháng A Nhã sinh năm 1985 ở xã Ngam La (Yên Minh, Hà Giang), vợ Nhã là chị Cháng Thị Họp là người xã bên cạnh. Họ yêu nhau từ khi 16 tuổi nhưng cũng từ ngày yêu nhau, cả hai chịu sự cấm đoán quyết liệt từ phía hai gia đình.

Cả anh Nhã và chị Họp đều là người dân tộc Dao, cả hai đều chưa học hết cấp I nhưng ở vùng núi đá tai mèo như Hà Giang, đọc được cái chữ tính được con số đã là một kỳ tích. Thế nên, anh Nhã luôn là niềm tự hào lẫn những tin tưởng từ phía gia đình, rằng sẽ có ngày Nhã thành công khi xuống thành phố lập nghiệp.

Ngược lại, gia đình nhà chị Họp rất nghèo. Tuy gia đình có đồi chè rộng lớn nhưng cái nghèo cứ bám riết. Chị Họp cũng là người nhan sắc, biết đối nhân xử thế nhưng vì gia đình bên nhà anh Nhã phản đối mối quan hệ yêu đương của đôi bạn trẻ nên gia đình chị Họp để giữ thể diện cho con gái, cũng ra sức phản đối Họp yêu Nhã.

Một bên vì chê nhà gái nghèo, một bên để giữ thể diện nên vô tình tạo một bức tường ngăn cách hai bạn trẻ đến với nhau. Tình yêu đẹp như mơ giữa vùng núi đá bỗng nhiên trở thành nước mắt. Nhưng để được gần nhau, Nhã đã rủ Họp xuống thành phố Hà Giang lập nghiệp.

Ở thành phố được hai năm, hai bạn trẻ khi đã tích cóp đủ số tiền, họ quyết định tổ chức đám cưới mà không có mặt gia đình. Anh Nhã bảo: "Bên tình bên hiếu, bên nào cũng nặng như nhau. Nhưng để được sống hạnh phúc thì cần thiết phải vượt qua những cấm đoán vô lý để đến với nhau. Sống hạnh phúc cũng là cách để thuyết phục gia đình mình".

Vợ chồng anh Nhã quan niệm, có tình yêu là có hạnh phúc. 

Sống vì nhau hơn là chết vì nhau

Khi vợ chồng trẻ có với nhau một đứa con thì gia đình hai bên mới biết. Lúc này, Nhã và Họp dắt díu nhau về xã Ngam La để thưa chuyện. Gia đình nhà chồng cương quyết không nhận chị Họp là con dâu. Gia đình chị Họp cũng cương quyết không nhận anh Nhã là con rể.

Vợ chồng họ nhìn đứa con nhỏ mà tủi thân tủi phận. Họ bàn với nhau sẽ bỏ quê xuống phố lập nghiệp và quyết định không bao giờ trở lại mảnh đất này. Thế nhưng, đêm trước ngày ra đi, chị Họp trắng đêm suy nghĩ. Chị bảo chồng: Nếu bỏ quê đi thì cũng không là cách tốt. Hay là cứ ở đây làm thuê làm mướn may ra gia đình hai bên nghĩ lại.

Chẳng suy nghĩ nhiều, anh Nhã gật đầu đồng ý. Vợ chồng họ ra khai hoang ở những mảnh đất hoang bên sườn núi. Nhờ sức mạnh của tình yêu, chỉ trong vòng hai năm sau vợ chồng họ đã có trong tay hai hecta trồng chè và các loại cây ăn quả. Anh Nhã bảo: "Ở vùng núi khó kiếm tiền nhưng nếu giàu cũng chẳng giải quyết được gì. Có tình yêu thì dù nghèo cũng vẫn sướng hơn là giàu mà không hạnh phúc".

Thế nên, vợ chồng họ đến nay đã có với nhau 2 mặt con, cả gia đình sống với nhau trong một ngôi nhà sàn nhỏ ven đồi, nhưng trong ngôi nhà ấy lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Gia đình hai bên thấy anh chị sống hạnh phúc thì cũng không cấm đoán gì nữa, họ dần hiểu ra một điều: Tình yêu không phải là thứ để cấm đoán, mà cần phải có sự vun vén tạo dựng để phát triển.

Ngồi bên ngôi nhà sàn nhìn ra đồi chè, anh Nhã bảo: "Tình yêu cũng giống như cây chè ấy. Nếu thực sự yêu nhau thì dù bị ngăn cách cấm đoán cũng là vô ích, cây chè tốt sống trong núi đá thì vẫn thơm vẫn ngọt. Trước đây, vợ tôi có lần định ăn lá ngón tự tử vì bị ngăn cấm. Nhưng tôi bảo vợ, sống vì nhau hơn là chết vì nhau. Mình cứ sống, cứ yêu nhau để mọi người nhận ra rằng họ đã sai lầm. Vì người ta ép thịt ép mỡ chứ ai lỡ ép duyên".
Trần Hoà

Bình luận(0)