Học sinh bị nghi trộm tiền: Một câu chuyện, hai cách hành xử

Google News

(Kiến Thức) - Dù nhà trường sẽ đứng ra xin lỗi học sinh về sai lầm của mình, thì ai sẽ xóa được cảm giác tổn thương trong lòng em đây?

Là một người mẹ có con nhỏ, tôi cảm thấy đau xót trong lòng khi hình dung cảnh một em học sinh lớp 2 bị giáo viên đưa ra đồn công an hỏi cung vì một món tiền em không lấy. Cho dù, nhà trường sẽ đứng ra xin lỗi học sinh về sai lầm của mình, thì ai sẽ xóa được cảm giác tổn thương trong lòng em đây?

Ông cha ta từng nói “một mất mười ngờ” để nhấn mạnh về sự thận trọng trước tình huống bị mất cắp. Đổ lỗi cho ai đó khi không tận mắt chứng kiến sự việc là sự xúc phạm nặng nề đối với nhân phẩm của người khác.

Gia đình tôi đã từng thuê nhiều osin, và việc mất mát đôi khi cũng thường xảy đến. Khi trong nhà bạn có một người lạ ở cùng, khi mất tiền nong, vật dụng, mọi nghi vấn dễ đổ dồn lên người giúp việc. Có lần, sau khi kết luận chắc chắn osin trộm tiền, tôi lại tìm thấy tiền trong túi áo. Dù chưa có hành động gì thể hiện nghi ngờ hay xúc phạm người giúp việc, tôi vẫn cảm thấy áy náy và cắn rứt khi nghi oan cho một người vô tội.

    Trường tiểu học Trung Lập Thượng - nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Với người lớn mình đã cần thận trọng như vậy, với trẻ con còn cần cẩn trọng gấp ngàn lần. Bởi vì các em rất non nớt và chưa thể va chạm cuộc đời nhiều như người lớn để biết cách ứng xử với hiểu lầm, với bất công, với oan uổng. Bởi vì hơn bất kỳ ai, các em cần biết đến cuộc đời này như một nơi an toàn, chân thành, yêu thương và tin cậy. Và bởi vì, mọi cách ứng xử, phản hồi của người lớn đều có tác động giáo dục mạnh mẽ tới trẻ con, hoặc khiến các em đau đớn, nản lòng, tiếp tục trượt dài trên vết xe đổ, hoặc làm các em tự tin, khao khát phục thiện và làm những điều tốt đẹp.

Nhưng ở chính nhà trường, ngôi nhà thứ hai của trẻ, học sinh đã bị đối xử như thế nào khi bị nghi trộm tiền? Số tiền hơn 1 triệu là lớn, nhưng làm sao có thể so được với lòng tự trọng non nớt của con bị tổn thương? Con sẽ học được gì từ hành xử đó? Rằng nếu mình đã ăn trộm một lần, thì thể nào lần tới bị mất đồ, người ta cũng sẽ cho mình là người lấy. Rằng nếu đã ăn trộm một lần, người ta sẽ dán mãi cái nhãn thành kiến đó lên tên mình. Rằng nếu bị nghi oan, thì phải nhận tội cho nhanh, kể cả nói dối, nếu không muốn bị giam mãi ở đồn công an.

Đó là bài học “phản giáo dục”mà giáo viên, nhà trường đã dạy trẻ, qua hành xử thực tế của mình.

Tôi không bao giờ quên một cách ứng xử khác của giáo viên, trước việc học sinh ăn trộm đồ ở siêu thị đã từng đọc trên báo cách đây ít lâu.

Đây là câu chuyện của một người mẹ Việt ở Nhật Bản, có con trai “nhặt” mấy đồ chơi nhỏ ở siêu thị vào ngày nghỉ mà không trả tiền. Giáo viên “nghe lỏm” được sự tình khi nghe các em nói chuyện vào giờ giải lao, ngay lập tức thông báo cho phụ huynh để cùng giải quyết triệt để, để các em không bao giờ tái phạm nữa. Không chỉ phân tích cho học sinh thấy rõ lỗi lầm của mình, nhà trường còn trao đổi với phụ huynh về cách xử sự nghiêm khắc mà không làm tổn thương các con.

19h tối mùa đông lạnh giá, nhiệt độ ngoài trời là 9 độ C, thay vì được về nhà, nghỉ ngơi cùng gia đình, thầy hiệu phó cùng các giáo viên đến tận 4 cửa hàng nơi học sinh của mình lấy đồ không trả tiền, nhận trách nhiệm, cúi gập người xin lỗi.

Bà mẹ Việt này đã lặng người đi trước cảnh đó, cảm nhận sâu sắc tình cảm và sự tận tụy của các thầy cô, tự thấy mình phải có trách nhiệm, giám sát con kỹ hơn. Với các em học sinh, cách ứng xử của thầy cô, người lớn thực sự là bài học thực tế mà các em có thể nghe, nhìn, cảm thấy được, chứ không phải là lý thuyết suông, sách vở.

Để làm được như thế, cần đến kiến thức, kỹ năng, và hơn hết là một tấm lòng!

Nguyễn Mai Chi

(Tầng 10, Nhà N3, Phố Trần Quý Kiên, Cầu Giấy)


 

Bình luận(0)