Muốn sống gần họ hàng khi nghỉ hưu

Google News

Tôi năm nay gần 60 tuổi, sống độc thân. Trước đây vì mải lo cho công việc, nên tôi ít quan tâm đến anh chị em, các cháu trong nội tộc...

- Tôi năm nay gần 60 tuổi, sống độc thân. Trước đây vì mải lo cho công việc, nên tôi ít quan tâm đến anh chị em, các cháu trong nội tộc, phần vì ở xa, phần vì mặc cảm không có gia đình nữa. Bây giờ nghỉ công tác, tôi muốn về quê sinh sống  gần họ hàng nhưng tôi rất lo, không biết mình có hòa đồng được với anh chị em trong nhà không? Xin hãy cho tôi lời khuyên.
Bà Nguyễn Thị Nền (Tam Nông, Phú Thọ).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Bác Nền kính mến! Với hoàn cảnh của bác việc quyết định về quê để sinh sống là hợp lý, bởi nơi đó có anh em, con cháu, họ hàng và những người bạn cũ. Điều mà bác lo lắng liệu mọi người ở quê có chấp nhận cho mình hòa nhập sau bao nhiêu năm dài xa cách, do mải mưu sinh mà bác ít dành sự quan tâm cho mọi người.
 
Người Việt Nam, đặc biệt ở các làng quê thường sống trọng tình cảm mà tình cảm chỉ có được qua giao tiếp, tiếp xúc, con người ta có những ấn tượng, những xúc cảm tốt đẹp về nhau. Vậy nên, càng sớm càng tốt, bác hãy tập trung chăm sóc cho cái cây tình cảm được ăn sâu bám rễ ở quê hương mình, ở anh em, họ hàng, làng xóm láng giềng.
 
Tất nhiên việc bắt đầu sẽ không dễ dàng, sẽ có những ngần ngại, e dè, những xì xào to nhỏ. Nhưng thời gian sẽ giúp bác vượt qua khó khăn ban đầu. Hãy bắt đầu bằng những món quà nhỏ khi bác từ thành phố trở về quê. Đó có thể là lời mời chào vào uống nước khi anh em hàng xóm qua nhà hoặc vài lời hỏi thăm gặp gỡ. Khi họ hàng, làng xóm có ai đau yếu hoặc có việc vui buồn, bác tới chơi, động viên chia sẻ. Nếu có điều kiện bác có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn.
 
Ngoài ra, bác nên tích cực tham gia vào các hoạt động của làng xóm và của họ tộc. Chính thông qua những lần tiếp xúc gặp gỡ, mọi người sẽ hiểu bác và gần gũi thân thiết hơn, đồng thời bác cũng hiểu về mọi người nhiều hơn. Với tấm lòng chân thành, sự cởi mở, thân thiện và lòng tốt bác sẽ sớm hòa nhập được với anh em họ hàng, láng xóm của mình.

Giảng viên Tâm lý học Trần Thơm
 
Bài đọc nhiều:
[links()]

Bình luận(0)