Có vợ biết kiếm tiền là vui rồi

Google News

Đó là lời chia sẻ của anh Vừ Sánh Chá ở xã biên giới Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang.

- "Mình làm không ra tiền thì mình để cho vợ đi kiếm. Với lại, đã là vợ chồng thì ai kiếm hơn ai cũng không quan trọng đâu. Miễn sao đến tối vợ mình về nhà, có cơm ăn và cùng bế con nhỏ là vui lắm rồi!" - Đó là lời chia sẻ của anh Vừ Sánh Chá ở xã biên giới Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang.

"Vì vợ nó giỏi hơn mình"

[links(left)]Khi chúng tôi có mặt tại nhà của anh Vừ Sánh Chá, một ông chồng người dân tộc Mông ở xã Phố Cáo, đã gần trưa mà ngôi nhà trình tường vẫn im phăng phắc. Phải một lúc sau mới thấy anh Chá địu con đi về, trên tay cầm một túi gạo để nấu cơm trưa.

Bên bếp lửa ở gian cạnh ngôi nhà nhỏ, Vừ Sánh Chá tâm sự: "Ở đây chẳng có việc gì làm đâu, toàn có đá thôi, mình chỉ trồng được cây ngô hay cây sắn nên không có tiền. Mình lấy vợ được 4 năm rồi, cũng đã có hai mặt con. Vợ hơn mình 5 tuổi, nó tên là Thào Thị Xiu cũng là người Mông".

Theo anh Chá, ở xã Phố Cáo ngoài việc sang biên giới vác hàng hay đi làm thuê ở thị trấn Đồng Văn thì chẳng có gì để kiếm ra tiền. Ruộng nương thì toàn đá, chỉ trồng được cây ngô lấy cái hạt nghiền nhỏ làm mèn mén. Diện tích đất để trồng lúa thì dường như không có nên việc kiếm tiền rất khó với người bản địa.

Vừ Sánh Chá "bắt" Thào Thị Xiu về làm vợ từ cuối năm 2008, Xiu hơn Chá những 5 tuổi nên việc kiếm tiền lo kinh tế gia đình đều do một tay chị Xiu vun vén. Hằng ngày, chị Xiu cùng mấy chị em sang phía bên kia biên giới làm thuê cho người Trung Quốc, đến tối lại trở về nhà.

Công việc mà Xiu và các chị em trong bản làm không có gì khó nhọc nhưng cần phải khéo tay. Họ được thuê để thêu thùa thổ cẩm hoặc đan lát. Thỉnh thoảng, có người thuê vác hàng qua biên giới thì họ làm thêm kiếm thu nhập. Mỗi tháng, chị Xiu cũng kiếm được từ 2 - 3 triệu đồng.

Anh Vừ Sánh Chá bảo: "Vì vợ nó giỏi hơn mình nên nó kiếm được nhiều tiền. Mình không kiếm được tiền thì mình ở nhà chăm con, trồng nương rẫy và nuôi con trâu con lợn cho nó nhanh lớn. Vợ chồng mình cũng không bao giờ chê hay khen ai kiếm tiền giỏi hơn".

Anh Chá cho biết, đàn ông khi làm nội trợ cũng rất vất vả. Có lúc con đói, trâu bò lại sổng chuồng nên mọi việc cứ rối như tơ vò, không biết nên làm việc gì trước, việc gì sau. Ở miền núi, việc nội trợ có nhiều thứ lặt vặt. Có khi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới đến được chợ để mua những thứ cần thiết.

Vừ Sánh Chá hạnh phúc khi làm nội trợ.
Vừ Sánh Chá hạnh phúc khi làm nội trợ.

Chăm con cũng khổ lắm!

Việc chăm con mới thực sự là nỗi khó nhọc của người chồng nội trợ như Vừ Sánh Chá. Một nách hai con nhỏ khiến Chá nhiều lúc như phát điên. Anh thật thà: "Mình là đàn ông dù gì thì cũng không thể khéo tay hay quán xuyến giỏi được như phụ nữ. Thế nên nhiều lúc, mình bảo vợ ở nhà nội trợ để chồng kiếm tiền".

Thế nhưng, thực tế thì ở xã Phố Cáo, đàn ông rất khó tìm việc. Nếu muốn có việc làm thuê thì phải sang Trung Quốc hoặc xuống thị xã, trị trấn mới mong kiếm được chút tiền mua gạo. Sau bao lần xoay chuyển đủ thứ việc ở nhiều nơi khác nhau, Chá đành chịu phận nội trợ để vợ kiếm tiền.

Nhiều bữa cơm thiếu vắng bóng mẹ, hai đứa trẻ không chịu ăn cơm khiến Chá phát cáu. Có lần, đứa con nhỏ bị sốt khá nặng, Chá không biết phải làm thế nào nên đành giao con cho hàng xóm trông giúp rồi chạy một mạch sang biên giới tìm vợ về.

Thế nhưng sau những lo lắng, Chá lại nở những nụ cười hạnh phúc. Chá bảo: "Có được người vợ biết kiếm tiền như thế là vui rồi. Vợ mình lại không khinh mình nên dù có làm nội trợ cả đời thì mình vẫn vui. Tất nhiên cũng phải đến lúc đứng dậy lo kinh tế gia đình, vì người đàn ông luôn là trụ cột. Còn bây giờ thì mình cứ nội trợ cho tốt cái đã".
 
Trần Hòa

Bình luận(0)