“Mẹ muốn vào trại dưỡng lão”

Google News

Cái định kiến "không chăm sóc được cha mẹ, cho vào trại" dần mất đi trong đời sống hiện đại.

Đối với người Việt Nam, quan điểm "tứ đại đồng đường" cùng sống chung dưới một mái nhà vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng có một thực tế là khi ông bà, cha mẹ già đi, con cháu lo mưu sinh nên ít có thời gian trò chuyện, chăm sóc họ. Nhiều cụ rơi vào cảnh cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Và trại dưỡng lão, nơi nhiều cụ đến sống đã thực sự là nơi... yên thân. Cái định kiến "không chăm sóc được cha mẹ, cho vào trại" dần mất đi trong đời sống hiện đại.

Vào trại dưỡng lão để... yên thân

Một thời, họ từng đi khắp thế gian "chọc trời khuấy nước", từng là những chiến sĩ vệ quốc quân ôm súng đánh đuổi giặc xâm lăng. Họ "có một thời để nhớ, để nói" thật oai hùng đầy bi tráng. Cũng có cụ, "một thời để nhớ" là cuộc sống đầy những lo toan, chật vật kiếm ăn từng bữa, nay đây, mai đó... Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận từ nhiều ngã rẽ đến lúc cuối đời, họ tìm về bên nhau sẻ chia trong yêu thương, cùng tâm sự trong một mái nhà chung.
1
Những khi rảnh rỗi, bà Liên tìm niềm vui bằng việc đọc báo.

Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TP. HCM) nằm nép mình phía sau những trụ sở làm việc nhộn nhịp của các cơ quan. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc 72 cụ trong diện chính sách và dịch vụ. Chị nhân viên tên Hương, dẫn tôi lội bì bõm trên con đường lát xi măng vừa qua một trận mưa to kéo dài. Những ngôi nhà thiết kế theo kiểu kiến trúc nhà vườn luôn tỏa ra sự mát mẻ mà ấm cúng. Căn phòng của bà Lâm Thị Bích Liên, 74 tuổi trở nên ấm áp hơn khi có người vào thăm. Trong phòng, mọi vật dụng đều được "gia chủ" xếp ngay ngắn, ngăn nắp.

Bà Liên tiền thân là một người lính tham gia chiến đấu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1968, bà bị thương nặng được đưa ra Bắc điều trị, sau hòa bình, bà trở vào Sài Gòn làm một công chức bình thường. Bà Liên chỉ có một người con gái duy nhất, đã có gia đình riêng. Theo bà Liên kể thì cuộc sống gia đình của con gái bà không mấy khá giả. Năm 1997, theo diện chính sách, bà được đưa vào trung tâm dưỡng lão.

“Con gái cũng không muốn xa mẹ nhưng tôi đã nói, mẹ muốn vào trại dưỡng lão để yên tuổi già, để đỡ đần con cái. Con không phải suy nghĩ gì... Rồi tôi cũng được yên thân ở đây", bà Liên cho biết. Thế là cuộc sống của bà Liên (thương binh ¼) cứ trôi đi êm đềm. Bà tìm thấy niềm vui ở những người bạn già ngày ngày sang thăm, tâm tình với mình. 

Trên chiếc xe lăn, cứ mỗi buổi chiều, bà Liên được những người bạn của mình đẩy đi tập thể dục, hóng mát. Hình ảnh một cụ già lọm khọm, chân bước khấp khiểng trong gió chiều đang ra sức đẩy chiếc xe lăn có người bạn thương binh của mình ngồi trên đó đẹp giản dị, thể hiện sự  thanh thản đến yên bình của người già. Thỉnh thoảng, bà Liên tiếp đón gia đình của cô con gái vào thăm. Dường như thấu hiểu được hoàn cảnh của mình nên bà Liên không một lời oán than con cháu.

Bà tâm sự: "Đời tôi được như thế này là hạnh phúc hơn bao nhiều người già cô đơn, bất hạnh khác rồi. Con cháu có cuộc sống riêng. Chúng còn khó khăn nên tôi không muốn là gánh nặng của con. Ở đây, tôi tìm thấy niềm vui, lòng nhân ái của tất cả mọi người. Như thế đối với tôi là đủ".

Cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 93 tuổi nhưng còn minh mẫn và vẫn xem ti vi, đọc báo mỗi ngày. Thấy người vào thăm, sự mừng vui hiện rõ trên từng nếp da nhăn nheo trên khuôn mặt của cụ. Cuộc đời cụ Tuyết gắn liền với nhiều kỷ niệm đau thương trong 2 cuộc chiến đấu để thu non sông về một mối. Cụ còn nhớ như in cái thời thực dân Pháp chiếm đóng nước ta. Cụ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia chiến đấu ở vùng Long An ngày nay. Cụ lấy chồng từ tuổi đôi mươi, rồi chồng hy sinh khi chưa có lấy một mụn con.

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, cụ không hề nghĩ đến chuyện tái giá mặc dù ngày đó, nhan sắc mặn mòi của cô gái miền Tây luôn làm điêu đứng biết bao chàng trai hào hoa, lãng tử. Hai cuộc chiến qua đi, cụ ở vậy đơn côi một mình rồi cụ vào trung tâm dưỡng lão với hy vọng phần đời còn lại của mình được vui vẻ bên những người bạn già.

Không cần biết chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu đến, cụ Tuyết giơ hai tay ra đón chúng tôi vào lòng, ôm ôm nựng nựng. Cụ bảo: “Con cháu của tôi đây chứ cần gì đứa con nào”. Cụ cười, nụ cười đôn hậu, mãn nguyện của người đã trải qua quá nhiều thăng trầm của lịch sử, của đời mình.

Chuyện hỷ, nộ cuối đời

Ảnh minh họa
Thực chất, đến trung tâm dưỡng lão, ngoài vấn đề cuộc sống thì nhiều người già thể hiện mong muốn tìm kiếm cho mình những người bạn tâm giao hoặc nếu phát triển hơn thì đó là những mối tình xuất phát từ những rung động của trái tim.
 
Những rung động cuối đời của trái tim già bao giờ cũng thật và mãnh liệt - một cán bộ trung tâm nhận xét. Hầu hết các cụ khi vào trung tâm đều còn khỏe và minh mẫn nên thời gian đầu, có thể do chưa thích nghi  với môi trường sống mới, các cụ cảm thấy buồn phiền. Song, chỉ một thời gian ngắn, từ những câu chuyện ngày xửa ngày xưa bên ghế đá, các cụ trở thành những người bạn tâm giao, hợp ý, hợp lòng.

Từ những câu chuyện mang tính chất "già làng, trưởng bản" như thế, nỗi cô đơn trong các cụ dần được xóa đi. Sự trống vắng thay bằng những người bạn "hàng xóm" thân thiện, cởi mở làm nhiều cụ không muốn về nhà, dù con cháu đến năn nỉ, xin, thậm chí khóc lóc. Có cụ, vì chiều lòng con, về nhà được mấy ngày nhớ bạn bè ở trung tâm quá, lại bắt con đưa đến trung tâm bằng được. Có cụ con cháu ngăn cản đã trốn đi và dọa nếu bắt về sẽ tuyệt thực.

Những câu chuyện như thế, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt. Thấy chúng tôi chụp ảnh, có cụ lớn tiếng nói: "Tôi không đồng ý chụp hình, tôi đã trốn nhà vào đây, giờ chụp hình đưa lên con cháu, hàng xóm nhìn thấy, tôi biết làm sao? Ảnh hưởng đến con cháu tôi, anh có đền được không?".

Cụ Nguyễn Hữu Ái, 87 tuổi hiện đang ở viện dưỡng lão Ba Thương (huyện Củ Chi, TP.HCM) lại có suy nghĩ khác. Cụ có 5 người con gái cùng vợ đều định cư ở Mỹ nhưng không hiểu vì lý do gì cụ nhất định không đi Mỹ. Cụ Ái khẳng định: "Vợ và các con thừa khả năng để đưa tôi sang Mỹ chăm sóc. Thế nhưng, suốt nhiều năm, tôi vẫn thích sống trong căn nhà vườn rộng rãi ở Cai Lậy (Tiền Giang). Cuộc sống ở chốn làng quê thanh bình, yên ả vô cùng. Khi tuổi cao, sức yếu, tôi đã vào trung tâm để an hưởng tuổi già và có bạn tâm giao".

Cụ Ái ở căn phòng khang trang có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Hàng ngày, cụ vẫn chạy xe máy ra chợ cách trung tâm vài cây số mua đồ dùng. Cụ Ái bảo: " Giờ tôi có thể lái ô tô được vài trăm cây số nhưng đi bộ thì không được vì cái đầu gối mỏi lắm. Tôi định ở trung tâm một thời gian cho khuây khỏa rồi về nhưng tình cảm "hàng xóm" láng giềng của những bạn già cứ níu chân. Tôi dự định sẽ ở đây luôn chứ không về nhà nữa".

Thực chất, trung tâm dưỡng lão là một xã hội thu nhỏ mà ở đó, công dân là những bậc "lão niên". Họ gửi gắm cuộc đời còn lại của mình ở chốn này như một sự chọn lựa cuối cùng cho cuộc đời mình. Một cán bộ tại trung tâm cho biết thêm: "Các cụ tuy già nhưng tình cảm vẫn dạt dào, cũng nhớ thương, lưu luyến ghê lắm. Trung tâm luôn lưu ý về vấn đề này để kịp thời đưa ra giải pháp giải quyết các tình huống phát sinh, tránh làm tổn thương các cụ".

Rời "nhà" của những "cây cao bóng cả", chúng tôi không khỏi bịn rịn vì những cái nắm tay không nỡ buông ra, những ánh mắt hồn hậu cứ ánh lên sự lưu luyến. Người già thèm được nói chuyện, nỗi niềm ấy thể hiện rõ trên khuôn mặt, đôi mắt. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu tâm sự của cả đời bươn chải, làm việc... các cụ như muốn truyền lại hết cho thế hệ sau... 
 
Theo NĐT
 
[links()]

Bình luận(0)