Tại sao bố không yêu con?

Google News

Một ngày chồng tôi đi làm vội quá không ôm con trai 2 tuổi rưỡi khi con chìa tay ra, thằng bé nói một câu khiến anh khựng lại ở cầu thang...

- Một ngày chồng tôi đi làm vội quá không ôm con trai 2 tuổi rưỡi khi con chìa tay ra, thằng bé nói một câu khiến anh khựng lại ở cầu thang: Bố ơi, tại sao bố không yêu con? Câu nói này, cả tôi và chồng đều không hề dạy cho con.

Làm giàu ngôn ngữ cho trẻ

Chồng tôi nghĩ rằng tôi đã nói điều gì đó với con khiến con nghĩ rằng bố không yêu mình. Thực ra, tôi chỉ thường đọc cho con nghe cuốn “Bố ơi, tại sao bố yêu con?” (Bộ sách Triết gia nhí, NXB Kim Đồng) cho con nghe. Tôi cũng hay nói với con: “Mẹ yêu Khôi. Mẹ ôm Khôi cái nào!”. Có lẽ Khôi đã kết nối hai câu chuyện lại với nhau, cho rằng “không ôm” là “không yêu” nên đã hỏi bố một câu khiến bố mẹ ngỡ ngàng.

Thi thoảng buổi chiều cuối tuần, tôi thường dẫn Khôi đi dạo xung quanh khu nhà, nơi có nhiều cây hoàng lan mùa thu thơm mát. Hai mẹ con thường dừng lại, đứng dưới tán cây, con học theo mẹ, chun mũi ngửi rồi trầm trồ: “Thơm quá!”. Một ngày con thốt lên: “Thơm quá, hoa ngọc lan thơm phức”. Mẹ chưa từng dạy cho con rằng hoa thơm phức, con đã “bê” từ này trong câu chuyện Thạch hoa quả thơm phức để tả những bông hoa.

Một lần khác, bước ra đường giữa trưa nắng chang chang, Khôi nhìn lên trời, “phán” một câu khiến bố mẹ bò lăn ra cười: “Mẹ ơi, trăng sáng vằng vặc”. Con nghĩ ông mặt trời cũng tròn tròn, sáng sáng như vầng trăng trong truyện Rùa con đưa thư mà hai mẹ con cùng đọc.

Những trải nghiệm này khiến một người không làm giáo dục như tôi cũng ý thức hơn về việc dạy ngôn ngữ cho con. Mỗi lần đọc sách cho con nghe, thay vì đọc từ đầu đến cuối như trước, tôi thường dừng lại ở các phong cảnh, nhân vật, mô tả hoặc trao đổi với con về chúng. Chẳng hạn như: Con sông nước trong xanh, mát lạnh, trôi lững lờ hay chảy mạnh; ông mặt trời đỏ au, rực rỡ, ánh nắng chói chang, gay gắt; quả mít vỏ gai góc, múi vàng ươm, mùi thơm lừng....

Mỗi lần mẹ mô tả, Khôi lại đọc theo. Sau vài ba lần như vậy, đến hình ảnh đó, mẹ không tả nữa, mà hỏi con “dòng sông thế nào nhỉ?” , “bà gió thổi ra sao?”, con sẽ hào hứng nói từng chi tiết.

Đây là một cách dạy thật đơn giản mà vô vàn hứng thú, bạn sẽ thấy kết quả từng ngày, bởi trẻ em lứa tuổi này học ngôn ngữ cực nhanh. Khi bà nội ở quê ra chơi, mang cho Khôi một quả mít, Khôi chạy ngay tới, nói như đọc thơ: Bà ơi bổ mít/Vỏ gai góc/Múi vàng ươm/Mùi thơm lừng.

Sau khoảng nửa năm nghe mẹ đọc sách, bây giờ Khôi đã thuộc lòng hầu hết cuốn truyện mình có. Mở sách ra, cậu nhóc tinh quái giở giở, kể vanh vách như thể đang đọc thực sự vậy.

Cháu Nguyễn Đình Nguyên Khôi.
Cháu Nguyễn Đình Nguyên Khôi.

Kết nối sách với niềm vui

Thực ra vợ chồng tôi đều không hay đọc sách. Chuyển nhà được 1 năm, đống sách ít ỏi từ hồi sinh viên vẫn nằm im phủ bụi trong hộp các tông. Buổi tối hai vợ chồng vẫn cắm đầu vào ti vi, máy tính xách tay. Thế mà con trai tôi, mới bé xíu đã có một ngăn đầy sách, tối nào mẹ mải xem ti vi là cu cậu hét vang bên: “Mẹ ơi, đọc sách cho Khôi nghe”.

Đơn giản là vì vào sinh nhật 2 tuổi, Khôi được tặng cơ man nào là sách và thẻ chữ các loại. Mỗi tối, đọc sách cho con nghe, tôi nhận ra rằng, thật dễ dàng để khiến một cậu nhóc như thế này cười phá lên, phấn khích, say mê với những câu chuyện. Đọc đến sư tử, bạn hãy quay ra con làm điệu bộ vồ mồi, gầm rú. Đọc đến những chú chim, hai mẹ con hứng lên giang tay bay lượn khắp phòng. Đọc đồng dao Dung dăng dung dẻ thì con kéo áo mẹ, vừa đi vừa hát.... Chỉ có thế mà tối nào cả nhà cũng hò hét, ầm ĩ.

Con nghĩ rằng đọc sách là vui, đọc sách là chơi đùa. Con đã kết nối sách với niềm vui. Và thế là con yêu thích sách, say mê đọc, cho dù bố mẹ chẳng phải tín đồ của sách.
 
Hãy để con kết nối sách với niềm vui, trẻ sẽ yêu sách một cách tự nhiên, chẳng cần bạn nỗ lực nhiều.
Trần Thị Thanh Huyền (Ngân hàng MB, chi nhánh Thanh Xuân, 475 Nguyễn Trãi, Hà Nội)
[links()]

Bình luận(0)