Coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ

Google News

Đó là bí quyết duy nhất cho sự chung sống hòa hợp suốt 12 năm cùng bố mẹ vợ của anh  Đào Nhật Cơ (Cửa Lò, Nghệ An).

- "Coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ của mình", đó là bí quyết duy nhất cho sự chung sống hòa hợp suốt 12 năm cùng bố mẹ vợ của anh  Đào Nhật Cơ (Cửa Lò, Nghệ An). Lấy cái "tình" làm gốc, mọi chướng ngại với anh chẳng có nghĩa lý gì.

Đừng đặt nặng chuyện bố mẹ của ai

Khi tôi hỏi thăm nhà, chị Vinh, chủ một ky ốt bán hàng ở chợ Cửa Lò, Nghệ An sốt sắng chỉ đường. Chị bảo, hỏi "Cơ ở rể" ở đây nhiều người biết. Bởi quê chị quan niệm chuyện này vẫn còn nặng nề lắm. "Anh Cơ là bác sĩ. Công danh đàng hoàng mà lại chịu "lép vế" ở cùng với nhà bố mẹ vợ như vậy thì chúng tôi thấy lạ và cũng hay bàn tán".

Tôi đem chuyện này thuật lại cho anh Cơ nghe, anh cười bảo: "Tôi nghe nhiều rồi. Nhưng nói thật tôi chẳng quan tâm. Bởi tôi nghĩ việc tôi ở chung hay riêng chẳng ảnh hưởng gì đến khí phách, sĩ diện hay bản lĩnh đàn ông như nhiều người nói. Tôi có công việc tốt, thu nhập ổn định, sống không phải phụ thuộc vào ai, vậy việc tôi lựa chọn ở với ai có ảnh hưởng gì đâu".

Đặc biệt, theo anh Cơ, điều quan trọng nhất là: "Tôi không bao giờ đặt nặng chuyện bố mẹ của ai. Mà coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ của mình. Có nghĩ như vậy thì sẽ thấy tất cả mọi thứ trở nên dễ dàng. Những bất đồng, mâu thuẫn nho nhỏ trong cuộc sống ai chẳng có, ngay cả với bố mẹ đẻ. Nhưng với bố mẹ đẻ thì sao lại có thể bỏ qua? Đó là do cái tình cảm giữa những người thân. Vậy giờ cứ coi bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ của mình thì cũng sẽ sống thoải mái, bỏ qua được hết".

Nhờ có ông bà ngoại chăm sóc, các con anh Cơ đều bụ bẫm, ngoan ngoãn.
Nhờ có ông bà ngoại chăm sóc, các con anh Cơ đều bụ bẫm, ngoan ngoãn.

Biết cho đi để mà nhận lại

Anh Cơ cho biết, nhiều người cho rằng, làm được điều đó sẽ chẳng đơn giản như việc nói, nhưng theo anh, cứ cố gắng thì sẽ làm được hết. Và điều đầu tiên, là phải vượt qua được tâm lý của người "ở rể" đã.

"Tôi với vợ tôi học với nhau từ ngày lớp 1, cùng ở trong Hà Tĩnh. Đến khi chúng tôi vào đại học thì gia đình cô ấy chuyển vào đây. Khi yêu nhau, vợ tôi đã nói trước với tôi, nếu yêu cô ấy tôi phải chấp nhận ở rể, vì bố mẹ chỉ có một mình cô ấy. Tôi nghĩ, việc ở rể của tôi là vì ý nguyện của vợ, làm cho vợ vui, thì thay vì xấu hổ, ngại ngùng, mình nên hãnh diện mới phải".

Ở với bố mẹ vợ, anh Cơ thấy mình "được" rất nhiều thứ. Công việc hai vợ chồng anh đi làm từ sáng đến tối, hai đứa con anh đều được ông bà đưa đón đi học, chăm bẵm cẩn thận. Những ngày nghỉ cuối tuần, ông bà lại chỉ dạy, truyền đạt cho anh những bí quyết kinh doanh chuỗi nhà hàng, khách sạn của gia đình.

Điều may mắn nữa là bố mẹ vợ anh cũng là người hiểu biết, cư xử với các con có tình, gần gũi nhưng hết sức tế nhị. "Đôi lúc tôi có hơi quá chén với bạn bè một chút thì bố nhắc nhở rất nhẹ nhàng, có khi lại mượn lời một cậu bạn thân nào đó "bắn tin". Tôi biết đó là bố mẹ tôn trọng mình nên mới thế".

Tuy nhiên, để "nhận" được những điều đó, theo anh Cơ cần phải biết "cho đi". "Tôi không nề hà việc gì, từ việc to đến việc nhỏ, bất cứ khi nào bố mẹ cần là tôi giúp đỡ. Cái gì sai, bố mẹ góp ý là mình sửa liền, chứ không giận dỗi hay để bụng. Trong cách cư xử hằng ngày cũng thế, tôi luôn chú ý, mình đối với bố mẹ mình ở nhà thế nào, thì trong tình huống đó cũng đối xử với bố mẹ vợ như thế, không có sự phân biệt", anh Cơ tâm sự.

Mai Loan
[links()]

Bình luận(0)