Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của 10 ngân hàng lớn Việt Nam bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Sacombank và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý I đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng đầu trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là Sacombank với con số lên tới 4,89% tổng dư nợ, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm. Kế đến là VPBank - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai với mức 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm.
Quý I/2017, nợ xấu chiếm 2,86% tổng dư nợ
Cụ thể, theo báo cáo riêng của ngân hàng tại ngày 31/3/2017 cho thấy, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm và chiếm 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý I đang ở mức 3,5% trên tổng dư nợ, so với mức 2,91% hồi đầu năm.
Thông tin đăng tải trên BizLIVE cũng cho hay, quý I/2017, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục - 1.924 tỷ đồng, tăng trưởng tới 85,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, hơn nửa số lợi nhuận này của ngân hàng không đến từ ngân hàng mẹ mà đến từ các công ty con, chủ yếu là đến từ Công ty tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - FE Credit.
Theo báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ, thu nhập lãi thuần trong kỳ chỉ đạt 2.179 tỷ đồng, tương đương 45,1% con số hợp nhất. Trong khi đó, nhờ giảm chi phí dự phòng 28,9% so với cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế đạt 814 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ và chiếm 42,3% lợi nhuận hợp nhất.
Được coi là “gà đẻ trứng vàng”, tạo ra nguồn lợi nhuận lớn cho VPBank nhưng FE Credit cũng chính là nguyên nhân làm tăng mạnh nợ xấu của ngân hàng này.
|
Ảnh: Internet. |
Năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,69% lên 3,08%
Trước đó, theo thông tin đăng tải trên Soha ngày 5/11/2016, trích nguồn theo CafeF, tính đến ngày 30/9/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 205 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ của VPBank được nâng lên 9.181 tỷ đồng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,07%.
Cho vay khách hàng đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12%, trong số này cho vay qua công ty tài chính FE Credit chiếm 22%. Tiền gửi của khách hàng đạt 126 nghìn tỷ đồng, âm 3% so với thời điểm đầu năm. Trước đó, báo cáo nửa đầu năm, VPBank cũng cho biết ngân hàng tăng trưởng âm huy động vốn. Điều này cho thấy VPBank đang giảm đột ngột tốc độ huy động vốn trong lúc tín dụng tăng trưởng chậm lại.
Nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Và đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tại công ty con của VPBank – công ty tài chính FE Credit chiếm 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu. Tính chung, tổng quy mô tổng nợ xấu của VPBank hợp nhất ở mức hơn 4.012 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,09%. Xét về kết quả hợp nhất thì đây là ngân hàng thứ hai sau Eximbank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số hơn chục nhà băng đã công bố minh bạch số liệu.
Năm 2015, VPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu 2.7%
Ngoài ra, thông tin đăng tải ngày 29/3/2016 trên vietstock.vn cho biết, năm 2015 là năm VPBank quyết định rút ra khỏi hoạt động chứng khoán (dịch vụ ngân hàng đầu tư), theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Vinh – TGĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank, đây là hoạt động không nằm trong lĩnh vực cốt lõi của ngân hàng.
Đến cuối năm 2015, VPBank chính thức chỉ còn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và 2 công ty thành viên là Công ty Tài chính VPBank FC (chuyên về hoạt động tín dụng tiêu dùng) và Công ty AMC (liên quan đến việc quản lý tài sản và chuyên môn hóa trong xử lý nợ), sở hữu tại CTCK Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) giảm xuống chỉ còn 11%.
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của VPBank đạt 193,876 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 152,131 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch; dư nợ cấp tín dụng bao gồm cho vay và trái phiếu đạt 131,000 tỷ, vượt kế hoạch hơn 10%.
Liên quan đến những thông tin về việc VPBank tăng trưởng nóng về tín dụng, ông Vinh cho rằng mức tăng trưởng này là hợp lý trong bối cảnh ngân hàng trải qua 3 năm cải thiện bộ máy, công nghệ. Đi sâu vào phân tích, tăng trưởng tín dụng tập trung vào phân khúc khách hàng chiến lược của VPBank, trong đó đứng đầu về tốc độ tăng trưởng là tín dụng tiêu dùng, sau đó tín dụng bán lẻ (tổng dư nợ hiện tại là 33,000 tỷ đồng), SME (hơn 24,000 tỷ đồng), tổng mức tăng trưởng của nhóm khách hàng thuộc phân khúc này đạt hơn 70% trong khi mảng doanh nghiệp lớn mặc dù có sự tăng trưởng nhưng chỉ đạt trên dưới 30%.
Với mức tăng trưởng như vậy, VPBank duy trì tỷ lệ nợ xấu 2.7% tại thời điểm kết thúc năm 2015, tăng nhẹ so với 2014. Lý giải vấn đề này, ông Vinh cho biết, lý do bởi VPBank đã tham gia vào một số phân khúc cho vay có độ rủi ro cao hơn như tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp, hay cho vay một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên cũng theo ông Vinh, VPBank đã có hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro để đảm bảo tỷ lệ này dưới phạm vi cho phép là 3%.
Kết thúc năm 2015, mặc dù chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2015 gần 3,300 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với 2014 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận lãi trước thuế gần 3,100 tỷ, tăng 92% chủ yếu do tổng thu nhập thuần tăng mạnh lên hơn 12,000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là dù ghi nhận lợi nhuận trong năm 2015 tăng mạnh nhưng HĐQT VPBank lại đề xuất là không chia cổ tức bằng tiền mà chỉ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13.07%. Theo ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch VPBank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank tăng vốn điều lệ, qua đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của NHNN.
Theo chia sẻ của ông Vinh tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 tổ chức chiều ngày 28/3/2016, lý do nợ xấu năm 2015 của ngân hàng tăng so với năm 2014 bởi VPBank đã tham gia vào một số phân khúc cho vay có độ rủi ro cao hơn như tín dụng tiêu dùng, cho vay tín chấp, hay cho vay một số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các năm trước đó, liên tục nâng chỉ tiêu nợ xấu
Bên cạnh đó, theo thông tin đăng tải ngày 7/6/2014 trên Thời báo ngân hàng, tại Đại hội cổ đông năm 2012, cổ đông chiến lược là Ngân hàng Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) đã rất lo ngại khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng VPBank nâng chỉ tiêu nợ xấu lên mức "kiềm chế dưới 3%". Chỉ tiêu này được đánh giá là quá cao so với tỷ lệ 1,82% của năm 2011.
Khi ấy, lãnh đạo VPBank giải thích ngắn gọn rằng hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn cũng là xu hướng chung của hệ thống ngân hàng và nợ xấu bình quân của ngành tăng cao nên cần điều chỉnh tăng tỷ lệ nợ xấu của năm 2012. Thế nhưng, giải thích này cùng diễn biến nợ xấu sau đó đã chẳng thể "xoa dịu" cổ đông.
Đến cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 3 - 5 của VPbank bất ngờ tăng vọt lên mức 2,71% tổng dư nợ, tương ứng 1.003 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5, có nguy cơ mất vốn, vẫn còn khá khiêm tốn là 191 tỷ đồng.
Năm 2013, nợ xấu của VPbank đáng ngại hơn khi tiếp tục tăng lên, đạt hơn 1.474 tỷ đồng, chiếm gần 2,81% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi so với cuối năm 2012, lên mức 405 tỷ đồng. Điều này đã khiến ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng thêm 129,7 tỷ đồng, lên mức 386,2 tỷ đồng (cuối năm 2013).
Theo báo cáo tài chính quý I/2014, nợ xấu đã nhích lên mức 1.573 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ.