Những đặc sản đắt đỏ ngày Tết, muốn mua phải đặt trước cả tháng

Google News

Những đặc sản này dù có giá khá đắt đỏ nhưng mỗi dịp Tết đến, người mua nếu không đặt hàng trước thì dù sẵn sàng chi thêm tiền cũng chưa chắc có hàng.

Gà Đông Tảo – đặc sản đắt có tiếng

Gà Đông Tảo là giống gà quý hiếm thuần chúng của Việt Nam. Thời xưa, chúng được dùng để tiến vua. Ngày nay, đây là giống gà đắt đỏ chỉ dành cho người giàu có.

Gà Đông Tảo có vóc dáng cao, to, bệ vệ, đôi chân to gấp 2 đến 3 lần giống gà bình thường. Ngón chân "dày" xòe ra trông khá bắt mắt cùng bộ lông dày và mượt mà.

Nhung dac san dat do ngay Tet, muon mua phai dat truoc ca thang

 

Gà Đông Tảo còn được ưa chuộng bởi hương vị thịt thơm đặc biệt mà không loại gà nào khác có được.

Chính bởi yếu tố này, cộng thêm sự quý hiếm khi nhân giống nên gà Đông Tảo ngày càng có giá cao, từ 1,5 - 3 triệu đồng/kg. Thậm chí, một con gà với hình thức đẹp, đôi chân to, có thể được chào bán với giá 2.000 USD (hơn 46 triệu đồng).

Gà 9 cựa

Không có bàn chân đặc biệt hay trọng lượng khủng như gà Đông Tảo, nhưng gà 9 cựa (Phú Thọ) cũng là một đặc sản được “săn” nhiều vào dịp Tết. Giống gà này có kích cỡ nhỏ, chỉ chừng 1,5 - 2 kg/con, mào đỏ tươi như máu, đuôi cong tựa cầu vồng và rất mảnh. Loại gà này có nhiều cựa, mọc nối theo hàng, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như nanh lợn độc.

Nhung dac san dat do ngay Tet, muon mua phai dat truoc ca thang-Hinh-2

Gà 9 cựa thuộc giống gà quý hiếm, có giá đắt đỏ

Gà có đầy đủ 9 cựa thì hiếm vô cùng, nhưng ở một xã vùng núi heo hút của tỉnh Phú Thọ, gà từ 6 cựa trở lên không thiếu. Gà càng nhiều cựa, giá bán càng cao. Những con gà có từ 4 – 8 cựa sẽ được bán theo hình thức cân trọng lượng. Một chú gà 4 - 6 cựa sẽ có giá từ 400.000 đến 800.000 đồng/kg, gà 7 – 8 cựa khá hiếm nên được bán với giá từ 3 – 4 triệu đồng/kg.

Riêng gà có 9 cựa thuộc dạng cực kỳ hiếm có, nên nếu nhà nào may mắn nuôi được một chú gà như vậy, xem như năm đó ôm vàng ròng trong tay. Được biết, có đại gia đã chi 100 triệu đồng để mua được một chú gà 9 cựa từ vùng đất này để về cúng Tết nguyên đán.

Sá sùng

Người xưa xếp sá sùng vào một trong những loại đặc sản nức tiếng của vùng đất Quảng Ninh. Sá sùng có thể dùng để thay thế cho bột ngọt. Nếu dùng sá sùng để nấu các món có nước lèo như phở, bún...thì nước dùng sẽ đặc biệt ngọt thanh.

Sá sùng có giá thành khá cao. Thậm chí, trong một vài thời điểm, giá 1kg thành phẩm của loại “sâu biển” này tương đương với một chỉ vàng. Sá sùng có thể chế biến món ăn khi còn tươi hay đã phơi khô. Tùy phương pháp chế biến, song với mỗi món ăn, loại nguyên liệu sánh với vàng này điều làm thực khách hài lòng.

Nồi cá kho bạc triệu ở làng Vũ Đại

Món cá kho làng Vũ Đại trước đây vốn là một món ăn thường ngày của những người dân nghèo nơi đồng chiêm trũng này. Giờ đây, cá kho Vũ Đại đang trở thành một món ăn đặc sản hút khách dịp tết. Mỗi nồi cá kho có giá thấp nhất là từ 500 -700 nghìn đồng, đắt nhất là 1 - 1,2 triệu.

Nhung dac san dat do ngay Tet, muon mua phai dat truoc ca thang-Hinh-3

Cá kho làng Vũ Đại là đặc sản nổi tiếng tại tỉnh Hà Nam

Cơ sở cá kho của gia đình ông Trần Huy Thỏa (ở xóm 2, xã Nhân Hậu) là một trong những gia đình có thâm niên làm cá kho lâu nhất trong xã Nhân Hậu. Ông cho biết cá kho Đại Hoàng phải là loại cá trắm đen từ 3kg trở lên, cùng những gia vị để kho cá như: riềng, sườn lợn, kẹo đắng, nước cốt chanh… Làm thịt cá cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật.

Cá kho Đại Hoàng còn có một thứ gia vị rất đặc biệt đó là nước cốt tương cua. Đây là một trong những gia vị làm cho món cá kho Đại Hoàng trở nên đặc biệt như vậy. Ngoài ra, trước khi kho cá, niêu phải được rửa sạch, luộc nước sôi tăng độ bền.

Hơn 60 triệu/kg, cà phê chồn vẫn hút khách

Cũng thuộc loại đặc sản “sang chảnh” được giới giàu có săn lùng mỗi khi Tết về, cà phê chồn (do một công ty cà phê của Việt Nam sản xuất) có giá khoảng 3.000 USD/kg (hơn 60 triệu đồng).

Nhung dac san dat do ngay Tet, muon mua phai dat truoc ca thang-Hinh-4

Mỗi cân cà phê chồn có giá tới 60 triệu

Cà phê chồn là loại thức uống siêu cao cấp và cực kỳ đắt đỏ, nổi danh khắp thế giới. Sở dĩ loại cà phê này đặc biệt bởi chúng được sản xuất từ nguyên liệu hảo hạng do con chồn “sản xuất”. Trong môi trường thiên nhiên, chồn thường chọn ăn các quả cà phê ngon lành, chín mọng nhất. Sau đó, chúng “thải” ra hạt cà phê. Được “tẩm ướp” một số chất có trong đường tiêu hóa của con chồn đã tạo ra hương vị đặc biệt của loại cà phê này. Sau khi thu mua được nguyên liệu thô có giá từ 1 - 10 triệu đồng/kg, loại cà phê này được chế biến bằng một quy trình sản xuất cầu kỳ và hoàn toàn thủ công.

Mỗi năm, công ty này chỉ sản xuất được từ 40 - 50 kg café chồn thành phẩm, nên dù nhiều người có tiền khao khát, sản phẩm này chỉ được bán theo đơn đặt hàng của các khách hàng "VIP".

Cá chìa vôi

Do mỏ cá có hình ống rất dài và đầu miệng loe ra như miệng cái bình vôi nên ngư dân đặt tên chìa vôi cho loài cá này.

Cá chìa vôi hay còn gọi là Hải Long, cá phóng lao, da màu đỏ rực, thân thuôn dài giống lươn nhưng không trơn nhớt như lươn. Con trưởng thành chiều dài đến cả mét, nặng trên dưới 1kg. Hiện nay vẫn chưa có thông tin đồng nhất về nguồn gốc của loài cá này. Tuy nhiên, cá chìa vôi sống ở vùng nước xoáy, nơi hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nơi còn gọi là vùng nước “chè” vì có cả dòng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Hiện nay lượng cá chìa vôi tự nhiên trên sông Nhà Bè đã khan hiếm do hoạt động đánh bắt của người dân.

Cá chìa vôi là một đặc sản quý, được giới sành ăn săn đón với mức giá từ 1 - 1,3 triệu đồng. Do đánh bắt nhiều, loại cá này hiện đã trở nên khan hiếm. Chính vì vậy mà giá thành cũng ngày một tăng cao. Nhưng càng khan hiếm, số người sẵn sàng chi tiền để thưởng thức nó càng nhiều.

Thịt trâu, bò, ngựa, lợn Mán gác bếp

Vài năm trở lại đây, các món “gác bếp” của người dân tộc thiểu số Tây Bắc rất được ưa chuộng, nhất là với những người khoái lai rai. Những loại thịt “gác bếp” này có giá không rẻ, dao động từ 900.000 – 1,3 triệu/kg.

Nhung dac san dat do ngay Tet, muon mua phai dat truoc ca thang-Hinh-5

Các món “gác bếp” của người dân tộc thiểu số được ưa dùng ngày tết

Nhìn chung, các món “gác bếp” đều được làm bằng kỹ thuật chế biến gia truyền, tẩm ướp bằng các gia vị, hương liệu địa phương đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng - rồi treo trên giàn bếp, hun bằng khói của củi núi đá… tạo nên sự đặc biệt của món ăn.

Sau khi gác bếp hai tháng liền, khối thịt (có thể là thịt trâu, thịt bò, thịt ngựa, lợn Mán) ám khói đen và khô lại, thấm hết mọi gia vị vào trong. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt. Khi ăn, người ta xé nhỏ dọc theo thớ, chấm với gia vị đặc trưng hoặc tương ớt.

Nem nướng

Những ngày cuối năm, người người, nhà nhà lại nô nức tìm tới Thanh Hóa, tìm mua từng chùm nem mang về làm món ăn giải ngấy cho ngày Tết cổ truyền.

Để làm nem nướng, người dân chọn lấy các phần ngon nhất của thịt lợn quê cùng các nguyên liệu thân thuộc như lá ổi, lá đinh lăng, tỏi, ớt, hạt tiêu và không thể thiếu thính gạo. Nem được cuốn chặt trong lá chuối rừng hoặc chuối hột, để lên men cho thật ngấu rồi nướng vùi trong than hồng.

Khi nướng, hương lá chuối cháy quyện lấy vị nem, lớp bì chảy ra, tỏa ra hương thơm ngào ngạt, béo ngậy. Đến khi bóc bỏ lớp lá chuối, thực khách càng bị quyến rũ hơn gấp bội. Tuy lớp vỏ nem cháy sém nhưng bên trong lại vẫn còn chút hồng hào. Gắp lấy một miếng nem, cuốn trong lá sung, chấm cùng chút tương ớt là thấy đủ vị chua, cay, ngọt bùi, ăn hoài không ngán. Mỗi nắm nem có giá dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/nắm.

Giò bê

Giò bê hay giò me là một món ăn đặc sản của người Nghệ An. Nguyên liệu chính làm nên món này là thịt bê nguyên tảng và bì bê xay nhuyễn đem cuộn và hấp cách thủy. Giò bê thành phẩm nhìn khá giống món giăm bông thịt bê nên nhiều người còn gọi nó là giăm bông.

Giò bê có màu sắc cực bắt mắt, màu hồng hồng từ thịt bê và màu vàng của mỡ giò bao xung quanh. Khi ăn, giò bê có hương vị vô cùng đậm đà và thơm ngon. Khi ăn thay vì thái miếng dày như các loại giò khác, người ta thái rất mỏng rồi chấm với tương ớt. Đây là món ăn chơi rất được ưa thích trong mâm cỗ Tết. Mỗi 1 kg giò me có giá trung bình từ 250.000- 300.000 đồng/kg.

Nhung dac san dat do ngay Tet, muon mua phai dat truoc ca thang-Hinh-6

Tung lò mò – đặc sản An Giang

Từ một món ăn chỉ giới hạn trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm tỉnh An Giang, tung lò mò (lạp xưởng bò) với hương vị đặc trưng không nơi nào có được, đã trở thành một đặc sản ở An Giang, được đông đảo thực khách gần xa chọn mua về làm quà du lịch, đặc biệt là trong dịp Tết.

Tung lò mò có hai loại là loại chua và không chua, nhưng phổ biến là loại không có vị chua. Món ăn này có thể ăn kèm với nhiều món khác bằng cách nướng, chiên hoặc hấp, nhưng ăn theo cách nướng trên than hồng được xem là ngon nhất. Khi tung lò mò được nướng chín sẽ chảy mỡ và rất thơm, chấm với tương ớt, tạo nên vị ngọt bùi của thịt mỡ cùng vị thơm cay của gia vị đặc trưng. Đặc sản này hiện có giá trung bình 300.000 đồng/kg. 

Theo Theo Quỳnh Chi/24 giờ

>> xem thêm

Bình luận(0)