Buôn đồ cũ kiếm bộn tiền
Tại Hà Nội, rất nhiều chợ đồ cũ đã được mở ra để phục vụ người dân. Những ngày đầu năm mới, chợ đồ xưa Vạn Phúc, Hà Đông đông vui tấp nập hơn ngày thường. Ông Nguyễn Văn Hồng người làng Vạn Phúc (Hà Đông) chuyên bán đồ xưa cho biết: “Người ta dùng chữ “đồ xưa” để chỉ những món đồ thường khách mua về để sử dụng thì ít mà làm kỷ niệm phần nhiều”. Dịp này, ngày nào cũng có hàng nghìn người khắp nơi đổ về mua bán. Các nhánh chợ mỗi ngày lại được phình rộng trên các ngả đường thuộc khu phân lô của đô thị Vạn Phúc. Hàng nhiều chủng loại hơn các phiên chợ khác: Cây cổ, đồ cũ, đồ mới, đồ xưa, đồ cổ...
|
Những món đồ có tuổi đời vài chục năm... Ảnh: HP |
Chợ thường họp một tháng 6 phiên, 5 ngày/phiên, bắt đầu từ mùng 5 Âm lịch hàng tháng. Khu chợ tạm được mang tên “Trung tâm Giao lưu Sinh vật cảnh - Đồ cổ - Đồ xưa”.
Những món đồ xưa cũ được rải bán trên các khay hàng, trên những tấm bạt bên lề đường với đủ chủng loại, chẳng mặt hàng nào giống nhau. Tưởng như khách tới đây muốn tìm gì cũng có, tuy nhiên theo người trong cuộc thì chợ chỉ bán đồ có giá trị vừa phải. “Ở đây chúng tôi chỉ bày những món đồ thường thường bậc trung thôi, còn đồ rất cổ, rất quý thì chúng tôi không mang ra đây được. Gặp khách chơi đồ cổ thật sự, chúng tôi mời về nhà xem”, anh Trần Thành Công, chủ một cửa hàng đồ cổ cho biết.
Nào bát, đĩa, ấm, chén, thìa, liễn... bằng sành, sứ, gốm theo lời rao bán tận từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến những món đồ đồng như chậu, lư, chuông, bàn là than... từ triều Nguyễn, thời Pháp thuộc; nào tiền giấy Đông Dương, tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành qua các thời kỳ; thậm chí có cả những bộ dụng cụ săn bắt của “người cổ đã có cách đây 2.000 - 2.500 năm”(?); hay chỉ là những tờ bạc 100 đồng...
Ông Hồng cho biết, những món đồ ở đây không hoàn toàn là đồ cổ thật sự, mà có thể là đồ giả cổ hoặc là đồ cũ để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, ngày càng đông số lượng người có đam mê những món đồ cũ kỹ in dấu thời gian, nhưng do tầm hiểu biết và khả năng tài chính không cho phép nên mặc dù rất thích đồ cổ, họ cũng tạm hài lòng với những món đồ giả cổ. Bởi giữa một rừng bát đĩa ấm chén, lư hương, chân nến với mẫu mã màu mè bắt mắt, thì một chiếc bát, cái thìa hay chiếc đèn dầu mang vẻ cũ kỹ, thậm chí hơi sứt mẻ lại có giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần rất cao.
Ông Hồng bật mí, nghề buôn đồ xưa nhìn qua tủn mủn nhưng kiếm bộn tiền. “Một chiếc đồng hồ quả lắc cổ xuất xứ từ Đức nếu mua được trong dân ba cọc ba đồng về đánh bóng, mài dũa cho nó mới lên thì tầm hai chục triệu đồng cũng không thiếu khách muốn mua”, ông Hồng nói.
Sôi động cuối năm
Trước đây, chợ đồ cổ, đồ xưa mọc ra rất nhiều trong lòng Hà Nội không phải để buôn bán nhằm mục đích kinh tế, mà chủ yếu để những người có chung niềm đam mê trao đổi, giao lưu đồ cổ với nhau nhưng nay đã khác. Bây giờ nhờ vào công nghệ quảng cáo qua mạng, rộ lên phong trào mua sắm đồ cũ không chỉ để chơi mà mục đích chính là để kinh doanh. Những ngày đầu năm Dương lịch này, cũng là dịp mua sắp Tết, người hỏi mua đỗ cũ nhiều hơn, theo đó hàng hóa cũng nhiều hơn.
Anh Nguyễn Danh Trường ở CT4B - Khu đô thị Xa La, Hà Đông cho biết, gia đình anh vừa chuyển đến khu chung cư này được vài tháng. Kinh phí còn khá hạn hẹp, anh Trường quyết định “săn” đồ cũ về dùng để cắt giảm chi tiêu và “Tết nhất cũng cần phải sắm thêm đồ dùng trong nhà cho tươm tất hơn”. Anh Trường đã mua được 1 chiếc giường ngủ giá 1,5 triệu đồng và 1 bộ bàn ghế để ở phòng ăn giá 2,6 triệu đồng tại một cửa hàng trên đường Phan Trọng Tuệ. “Giá ở các cửa hàng đồ cũ bằng khoả#ng 40 - 50% so với đồ mới nhưng nếu chịu khó lục lọi trên mạng thì cũng sẽ tìm được đồ dùng gia đình mình đang cần, thậm chí là ưng ý mà giá lại rất tốt”, anh Trường nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ đồ xưa Hà Đông, phố đồ cũ ở Đê La Thành… đồ cũ, hàng thanh lý được bán rất đa dạng về chủng loại từ xe nước mía, tủ bán cà phê, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, tủ bếp… Các mặt hàng có nhiều mức giá khác nhau, một số loại chỉ chưa đến vài chục nghìn đồng như bát, chén, đĩa... Cũng có mặt hàng có giá trị từ 3-5 triệu đồng tùy vào chất lượng và độ cũ, mới.
Theo tìm hiểu của PV, mua sắm đồ cũ thuận tiện nhất là qua Facebook, qua các diễn đàn. Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa “đồ cũ, hàng thanh lý” sẽ có hàng triệu kết quả. Anh Hùng cho biết đây là một thị trường “khổng lồ” và dịp này lượng khách gọi điện đến cửa hàng anh nhiều hơn bình thường. Cơ sở kinh doanh của anh Hùng còn mở trang web, thuê 2 sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa về SEO để tối ưu hoá website cho các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing, Cốc Cốc… Nhiều cơ sở kinh doanh đồ cũ liên tục cập nhật hàng hóa lên internet để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm của mình. “Bán đồ cũ thôi cũng thực sự là cuộc chiến rất lớn trên mạng”, anh Hùng nói.
Website chuyên bán đồ cũ online trưng bày khá bắt mắt hình ảnh các loại bàn, ghế, giường, tủ, máy khoan… giá cả được niêm yết rất rõ ràng. Một bộ bàn, ghế sofa có giá từ 2,8-7 triệu đồng/bộ, ghế quầy bar có giá 170.000 đồng/chiếc, máy khoan giá 950.000 đồng, máy lạnh cũ 1,5hp giá 3,5 triệu đồng…
Việc mua sắm đồ xưa, đồ cũ đã thành một phong trào vào những ngày này. Nhiều người chia sẻ, do công việc bận rộn nên chuyện tìm hiểu và mua hàng hóa đồ cũ online sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và thỏa thú đam mê.