Cô giám đốc 9X trồng nấm tạo vô số việc làm

Google News

Chị Phạm Thị Ân (30 tuổi, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã khởi nghiệp với các loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao, tạo được chuỗi hệ sinh thái các loại nấm.

"Mối lương duyên" với nấm

Là một trong những người trẻ tuổi có mô hình khởi nghiệp tại Lâm Đồng được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật, chị Phạm Thị Ân đang là cái tên nổi lên trong những năm gần đây. Mô hình trồng nấm của chị Ân đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Co giam doc 9X trong nam tao vo so viec lam

Mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả của chị Phạm Thị Ân được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao và đưa cán bộ, hội viên, nông dân đến tham quan, học tập.

Có mặt tại trang trại trồng nấm của chị Phạm Thị Ân chia sẻ, với phóng viên Dân Việt, bản thân chị trước đây tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Huế. Trong thời gian học tập trên ghế nhà trường (2012-2016) chị Ân đã cùng một số giảng viên của trường và sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu về nấm linh chi và các loại nấm có giá trị dược liệu, dinh dưỡng cao. Từ đây cũng đã nhen nhóm ngọn lửa đam mê với nấm của nữ giám đốc 9X.

Co giam doc 9X trong nam tao vo so viec lam-Hinh-2

Chị Phạm Thị Ân bên trong trang trại trồng nấm của mình.

"Trong quá trình học đại học, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và trồng thử nấm linh chi và đạt kết quả khá tốt. Từ thành công bước đầu, tôi đã nghĩ ra và thực hiện ý tưởng làm bonsai từ nấm linh chi, bán ra thị trường với giá 250 ngàn đồng/tác phẩm. Đây cũng là tiền đề, sự hỗ trợ về tài chính để tôi tốt nghiệp đại học và mối lương duyên với nấm của tôi cũng bắt đầu.

Sau khi ra trường, tôi đã cùng 3 cộng sự khác thành lập công ty "Công ty Cổ phần Ứng dụng Khoa học công nghệ Sinh học Hồng Ân" tại Huế. Sau đó, tôi tiếp tục đến huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để làm việc cho các công ty như Công ty trồng rau hữu cơ Biogarter, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phát triển nông nghiệp VinEco. Cho đến đầu năm 2018, tôi đã ra Huế và thực hiện các thủ tục để đưa công ty của mình vào thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng và đổi tên công ty thành Công ty TNHH SXTM Hồng Ân như hiện tại", chị Ân nhớ lại.

Co giam doc 9X trong nam tao vo so viec lam-Hinh-3

Thương hiệu nấm Gaco đã được chị Ân xây dựng và có chỗ đứng trên thị trường sau nhiều năm.

Đến nay, sau 4 năm hoạt động tại huyện Đức Trọng, chị Ân đã xây dựng được thương hiệu nấm Gaco của riêng mình. Không những thế, những người dân liên kết, làm việc cùng chị Ân cũng được "hưởng lợi" từ thương hiệu này. Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ vốn và kỹ thuật để chị Ân phát triển thương hiệu, nâng cao kỹ thuật trồng các loại nấm tại địa phương. Việc hỗ trợ này đang phát huy hiệu quả và được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao.

Cùng người dân vươn lên nhờ nấm

Dẫn phóng viên tham quan trang trại trồng nấm của mình tại xã Ninh Gia, chị Phạm Thị Ân cho biết, cơ sở của chị chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm nấm linh chi thảo dược, rượu nấm, phôi nấm, nấm tươi, nấm khô và nấm chế biến. Bên cạnh đó, các loại nấm bào ngư xám, bào ngư trắng, nấm hương, nấm kim châm, nấm đùi gà, linh chi trắng, linh chi nâu, nấm đông trùng, hồng ngọc, hoàng kim, nataky, nấm mèo...cơ sở của chị cũng đều sản xuất được.

Co giam doc 9X trong nam tao vo so viec lam-Hinh-4

Trong năm 2023, sản lượng nấm trong toàn hệ thống của chị Ân đã đạt 900 tấn các loại, doanh thu vượt 300% so với năm 2022.

Trong năm 2023, công ty của chị Ân đã cung cấp ra thị trường hơn 900 tấn nấm các loại. Doanh thu từ trồng nấm trong năm 2023 của chị Ân đã tăng và vượt 300% so với doanh thu so với năm 2022. Chính vì thế, chị Ân đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, hình thành được chuỗi liên kết cung cấp phôi nấm và hợp tác bao tiêu sản phẩm cho người dân sử dụng phôi nấm của mình. Hiện, chị Ân đang cung cấp khoảng 50% sản lượng nấm tươi cho các siêu thị tại nhiều tỉnh thành.

"Hiện tại, các loại nấm trong trang trại của tôi được trồng an toàn, không sử dụng các loại hóa chất, chất bảo quản cũng như chất kích thích. Với việc liên kết với người dân cũng như sản xuất trong trang trại của tôi, chúng tôi đã tạo ra được sản phẩm nấm an toàn, có chỗ đứng trên thị trường và đặc biệt là giúp người dân địa phương làm giàu, phát triển kinh tế tại địa phương. Một số sản phẩm nấm của chúng tôi như nấm linh chi, nấm sò notaly, nấm bào ngư xám cũng mới đạt chứng nhận OCOP 4 sao do tỉnh Lâm Đồng cấp", chị Phạm Thị Ân cho hay.

Co giam doc 9X trong nam tao vo so viec lam-Hinh-5

Nấm hương được trồng trong trang trại của chị Ân.

Với cách là hay, dám nghĩ dám làm của mình, chị Ân đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2021. Chị Ân còn được trao giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng với Dự án Phát triển chuỗi giá trị cho nấm linh chi Việt Hàn và tạo sinh kế cho Đoàn Thanh niên địa phương.

Co giam doc 9X trong nam tao vo so viec lam-Hinh-6

Chị Ân (giữa) nhận chứng nhận sản phẩm nấm OCOP 4 sao của Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng.

Nói về mô hình và cách làm của chị Ân, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá, cơ sở trồng nấm của chị Ân là đơn vị được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất trong năm 2023. Hiện nay, hoạt động sản xuất các loại nấm của chị Ân đang rất tốt, theo đúng hướng và yêu cầu đề ra của hội nông dân khi hỗ trợ cơ sở. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập mô hình trồng nấm của chị Ân để có thể liên kết, mở rộng mô hình tại tỉnh Lâm Đồng.

Theo Văn Long/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)