Cụ thể, sau khi tiến hành ký hợp đồng, đặt cọc mua Honda CR-V đại hạ giá, bất ngờ vài ngày sau khách mua xe được đại lý thông báo hết hàng, hoặc hết phiên bản 2.0 hoặc đề nghị nâng lên bản 2.4 TG (bản cao nhất) và yêu cầu lấy lại tiền đặt cọc.
Nhiều khách hàng vì muốn nhanh chóng sở hữu Honda CR-V đã phải vay "nóng" ngân hàng, vì thế việc "bội tín" của các đại lý Honda khiến họ hụt hẫng và bức xúc.
"... Để nhanh chóng mua được xe CR-V giảm giá, tôi đã phải bán chiếc Vios cũ với giá 400 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để nhanh chân đăng ký mua xe. Ấy vậy mà phía Honda Long Biên lại lật kèo. Đến giờ xe không có nhưng hàng tháng tôi vẫn phải trả 7% tiền lãi ngân hàng, vậy ai trả cho tôi", anh Nguyễn Hoài Nam (33 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) từng phản ánh.
Trong khi đó, trả lời Kiến Thức về sự cố "vỡ trận" CR-V đại hạ giá cũng như trách nhiệm các bên trong thương vụ này, Honda Việt Nam cho rằng, đã khuyến cáo các đại lý chỉ nên nhận đơn hàng dựa theo số lượng xe đã được Honda Việt Nam phân bổ nhưng do nhu cầu quá lớn, các đại lý tiếp tục nhận đơn đặt hàng mới của khách hàng dẫn đến tình trạng trên.
Như vậy, việc ký hợp đồng đặt cọc giữa khách hàng và đại lý là thỏa thuận hai bên và là hợp đồng dân sự nên quyền lợi, trách nhiệm do hai bên thỏa thuận, thực hiện. Honda Việt Nam sẽ không có trách nhiệm gì khi hợp đồng bị hủy mà trách nhiệm thuộc về các đại lý của Honda Việt Nam.
|
Đại lý Honda phải bồi thường cho khách hàng trong vụ việc đồng loạt hủy cọc với khách hàng mua Honda CR-V đại hạ giá. |
Câu trả lời này khiến nhiều khách hàng không hài lòng. Họ cho rằng, Honda Việt Nam công bố thông tin khuyến mãi mập mờ và khi xảy ra sự cố thì phủi trách nhiệm, đùn đẩy cho đại lý.
Để làm rõ hơn trách nhiệm của các bên trong thương vụ Honda CR-V đại hạ giá, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Theo Luật sư Hòe, Honda luôn là một trong những dòng xe được người tiêu dùng Việt lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, việc các đại lý Honda Việt Nam đồng loạt "bội tín" với khách hàng khi đặt cọc mua Honda CR-V vừa qua đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cả đại lý và hãng Honda trong những giao dịch mua bán này.
"Sự việc này hoàn toàn có thể làm mất uy tín của một thương hiệu xe vốn đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam hiện nay", ông Hòe nói.
“Phía phải chịu trách nhiệm trực tiếp chính là các đại lý Honda Việt Nam tại Hà Nội vì là bên trực tiếp ký hợp đồng đối với khách hàng. Ngoài ra, phía hãng xe Honda cũng phải liên đới chịu một phần trách nhiệm vì chưa có sự liên kết chặt chẽ, cũng như việc quản lý đảm bảo chất lượng bán hàng và dịch vụ của đại lý”, Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về việc đặt cọc, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nhưng bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, do bên đại lý Honda đã tự ý hủy hợp đồng khi không có xe để giao cho khách hàng thì ngoài việc phải hoàn trả lại tiền đặt cọc, đại lý Honda còn phải bồi thường với một khoản tiền tương đương giá trị đã đặt cọc.
Mặt khác, trong vụ việc “Honda bội tín”, người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp là những khách hàng đã ký hợp đồng mua xe, không chỉ chịu bức xúc khi bị hủy hợp đồng mua bán, mà theo như một số thông tin nhiều khách hàng vì muốn nhanh chóng sở hữu được Honda CR-V nên đã vay ngân hàng, việc bị hủy hợp đồng đã khiến khách hàng gặp thiệt hại khi vẫn phải là người chịu trách nhiệm trong việc trả tiền lãi cho ngân hàng.
“Phía khách hàng có thể yêu cầu bồi thường khoản tiền cọc như đã nói ở trên. Tuy nhiên, việc bồi thường khoản tiền đặt cọc cho khách hàng vẫn chưa thể giải quyết được phần nào thiệt hại vì nhiều khách hàng vẫn phải chịu khoản tiền lãi khi vay tiền của ngân hàng để mua xe”, Luật sư Trương Quốc Hòe nói.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo Luật sư Trương Quốc Hòe, phía khách hàng có thể yêu cầu buộc phía Honda phải thực hiện đúng theo hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và phải chịu chi phí phát sinh theo quy định tại Điều 297 Luật Thương mại.