Bán bằng mọi giá, chứng khoán Việt mất 14 tỷ USD trong một tuần

Google News

Phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Vn-Index tiếp tục mất trên 30 điểm. Tính trong một tuần qua, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán đã bị thổi bay 14,4 tỷ USD sau những phiên giảm liên tục.

Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch đầu tuần (28/5) chứng kiến sắc đỏ bao trùm suốt từ đầu tới cuối phiên. Càng về cuối phiên chiều, áp lực bán càng xuất hiện mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn chuyển từ giá xanh xuống giá đỏ. Nhóm ngân hàng và chứng khoán tiếp tục trở thành tâm điểm bị "bán bằng mọi giá" với hàng loạt đại diện giảm sàn.
Trong nhóm 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ duy nhất VIC (Vingroup) ngược dòng tăng 3,74%, giao dịch ở mức 111.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại 9 “ông lớn” cùng giảm mạnh với GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) và CTG (Vietinbank) giảm kịch biên độ 7%.
Nhiều đại gia khác thoát giá sàn nhưng cũng giảm rất mạnh như VCB (Vietcombank) giảm 6,4% còn 46.800 đồng/cổ phiếu; MSN (Masan) giảm 4,19% còn giá 80.000 đồng…
 Bảng giá đóng cửa 16 cổ phiếu ngân hàng hôm nay (28/5).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với sức ảnh hưởng lớn tới VN-Index tiếp tục là đầu tàu kéo chỉ số chung của thị trường đi xuống, khi 15/16 đại diện lớn nhỏ đều giảm rất mạnh trong phiên hôm nay.
Cụ thể, có tới 5 mã giảm sàn gồm CTG (Vietinbank); BID (BIDV); VPB (VPBank); HDB (HDBank) và STB (Sacombank), chỉ duy nhất NVB (Ngân hàng Quốc dân) giữ được giá tham chiếu. Còn lại toàn bộ đều giảm rất sâu như ACB (Ngân hàng Á Châu) mất 9,5%; VIB (Ngân hàng Quốc tế) mất 11,9%; SHB (Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội) mất 7,9%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán rơi vào tình trạng bị bán tháo tương tự, với 5 mã giảm kịch biên độ gồm HCM (Chứng khoán TP.HCM); VCI (Chứng khoán Bản Việt); VND (Chứng khoán Vndirect); MBS (Chứng khoán MB) và ORS (Chứng khoán Phương Đông). Trong khi đó, SSI (Chứng khoán Sài Gòn) và SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) cũng giảm lần lượt 6,8% và 9,2% giá trị.
Đà giảm của những cổ phiếu này là nguyên nhân lớn nhất khiến VN-Index lao dốc mạnh, đóng cửa tại ngưỡng 931,75 điểm, mất 32,15 (3,34%) điểm so với phiên giao dịch cuối tuần trước. VN30-Index cũng mất 38,32 (4,09%) về ngưỡng 898 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này từ đầu năm đến nay.
 VN-Index đã mất hơn 22% giá trị từ đỉnh tháng 4 đến nay. Nguồn: VNDirect.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại ngưỡng 107,37 điểm, giảm 7,11 (6,21%) so với phiên trước. Mức giảm điểm kỷ lục của chỉ số sàn chứng khoán này từ nhiều năm nay. UPCoM-Index hôm nay cũng mất 2,04 điểm, tương đương 4,09% giá trị và đóng cửa tại mức 51,1.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có thêm một phiên bán ròng trên HoSE, với khối lượng hơn 5,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường đã tăng đáng kể so với tuần trước. Có tổng cộng gần 288 triệu đơn vị được giao dịch trong hôm nay, tăng hơn 40%, giá trị giao dịch trong phiên cũng đạt gần 7.100 tỷ đồng.
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt hiện chỉ còn 2,996 triệu tỷ đồng, tương đương 132 tỷ USD. Giảm hơn 320.000 tỷ đồng chỉ sau một tuần (xấp xỉ 14,4 tỷ USD).
 
Sau những biến động rất mạnh của thị trường gần đây, trong bản tin nhận định thị trường, Công ty Chứng khoán TP.HCM cho biết giá một số cổ phiếu chủ chốt như VCB; BID và SSI đã giảm xuống dưới đường MA 200 ngày trong phiên cuối tuần trước, và trong tuần này có thể sẽ có thêm các mã khác rơi vào tình trạng tương tự.
Công ty chứng khoán này cho biết sau ngưỡng hỗ trợ 940 bị chọc thủng sẽ là vùng hỗ trợ mạnh 890-900. "Nếu có thêm một đợt giảm nữa trong xu hướng điều chỉnh hiện tại, thì theo kỳ vọng của HSC đây là đợt giảm thứ 3 và là cuối cùng", công ty này nhận định.
Công ty Chứng khoán SHS cũng cho rằng việc bên bán tiếp tục hạ giá trong khi bên mua vẫn chưa có dấu hiệu muốn quay lại thị trường khiến cho rủi ro tăng cao. Công ty này khuyến cáo quyết định bắt đáy vào lúc này vẫn khá rủi ro và dự báo, trong tuần này, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu test thành công lực cầu trong vùng hỗ trợ 940-960 điểm.
Theo Hoàng Thanh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)