Sửng sốt “nhân chứng” lịch sử bị... siêu thoát

Google News

Givral hôm nay khá lạ quá, trong khi ký ức, văn hóa, hay lịch sử vẫn phải được tiếp nối, chứ không phải bị ngắt quãng, xóa mờ...

Givral hôm nay có thể dành cho một thế hệ khác - trẻ , năng động, trong hòa bình. Nhưng ký ức, văn hóa, hay lịch sử, vẫn phải được tiếp nối, chứ không phải bị ngắt quãng, hay xóa mờ, bởi cảnh quan không có khả năng khơi gợi những dấu ấn đã từng có.

LTS: Vào dịp 30/4/2010, trong cuộc "Hội ngộ Sài Gòn" của các cựu phóng viên chiến trường Mỹ và phương Tây, một chủ đề hay được họ nhắc tới, thậm chí có lúc xôn xao, là sự kiện quán cà phê Givral (nằm trên góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi ở trung tâm quận 1, Tp.HCM) sẽ bị đập đi cùng với toà nhà Eden. Không ít người trong số họ đã tranh thủ tới ghi lại những hình ảnh cuối cùng về một Givral "lịch sử và huyền thoại".

Trong những năm của cuộc chiến tranh Việt Nam, họ, cũng như các đồng nghiệp người Việt của họ, đã chọn địa điểm này để nhâm nhi, quan sát và thu thập tin tức báo chí mỗi ngày. Muốn gặp nhau thường khi khỏi phải hẹn trước...

Nhà báo và tình báo Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn từng chọn Givral làm chỗ ngồi thường xuyên.

Không chỉ có họ. Nhiều cư dân của Sài Gòn cũ cũng có tâm trạng tương tự. Bởi, thật dễ hiểu, nơi này vừa là địa điểm văn hoá, vừa là những địa chỉ có thật trong bước đi của lịch sử.

Trong số đó có Đỗ Trung Quân, người trong giai đoạn lịch sử đó còn là một cậu bé từng được bà mẹ dẫn tay đi qua góc phố có quán cà phê này, chỉ để ngó thôi. Khi đi làm, có đủ tiền để đĩnh đạc bước vào ngồi ở Givral, thì mẹ không còn nữa, Quân ngậm ngùi kể.

Vào những ngày Givral chuẩn bị lên "máy chém", Quân đã viết:

"Tôi thường ra kéo ghế ngồi một mình, ngẩn ngơ không tin cái chuyện dự án xoá sổ Givral chung với toàn bộ khu thương xá Eden là chuyện có thật. Quy hoạch một thành phố, chỉnh trang một thành phố, phát triển một thành phố tất nhiên là việc cần thiết.

Nhưng người ta hoàn toàn không được tự cho phép làm những công việc ấy với một tầm nhìn thiếu sâu sắc, chỉ tính đến đường đi của một thứ lịch sử bị ép mỏng không quá một thế kỷ mà quên mất công việc bảo tồn những cái cần bảo tồn, là những nơi chốn có thể được coi là trở thành di sản tinh thần."

Khoảng hai năm rưỡi sau, vào cái ngày Givral được khai trương lại (1010.2012), Quân lại viết...

Givral trước ngày "lên máy chém". Ảnh: Poly/ SGTT
Givral trước ngày "lên máy chém". Ảnh: Poly/ SGTT

Givral khai trương đồng thời với tòa nhà Vincom Center. Nó vẫn nằm ở vị trí cũ. Nhưng tất nhiên, nó không còn như cũ.

Một Givral mới với một lịch sử đi qua quá sâu đậm với người Sài Gòn. Những ai nặng hoài niệm một không gian ấm cúng kiểu Tây hẳn sẽ hoàn toàn lạ lẫm với Givral hôm nay, kiến trúc tổng thể của khối nhà Vincom pha trộn kiến trúc Á - Âu, nó phảng phất đường nét của kiến trúc đâu đó trên đảo quốc Singapore. Givral mới cũng xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ của nó. Giờ đây, dù lộng lẫy, nó chỉ như một quán cà phê hộp có bán bánh ngọt. Thế thôi!

Hóa ra muốn làm văn hóa, hay tìm lại một không gian mà lịch sử tình cờ để lại nơi đây, không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi những người tiếp quản, và tiếp tục nó cần nhiều điều hơn chỉ là nơi "xơi bánh ngọt - uống cà phê".
 
Cái hồn của văn hoá - lịch sử không thể tồn tại chỉ qua những bức ảnh. Ảnh: VnExpress
Cái hồn của văn hoá - lịch sử không thể tồn tại chỉ qua những bức ảnh. Ảnh: VnExpress

Cái  lãng phí quan trọng nhất với nội thất hôm nay của Givral, mà dự đoán dễ nhất là không được khác với tổng thể khối nhà Vincom, chính là cái "view" cực quan trọng để nhìn toàn cảnh Nhà hát thành phố [Hạ Viện cũ và Khách sạn Caravelle] đã bị chặn lại bằng một bức tường sử dụng cho ...dãy tủ bánh ngọt. Cái góc ngày xưa của Tim Page, phóng viên chiến trường của UPI và Paris Match, hay Horst Faas, người nhận hai giải Pulitzer bằng hình ảnh của chiến trường Việt Nam..., là góc đó. Ông Phạm Xuân Ẩn cũng chỉ chọn góc ngồi này.

Nhiều nhân vật báo chí, văn nghệ của Sài Gòn, chia nhau từng góc của Givral. Nhìn sang Continental là Trịnh Công Sơn, là Đinh Cường. Góc nhìn qua trung tâm báo chí nay là tòa nhà Louis Vuitton là của nhóm Trình Bày Diễm Châu , Hoàng Ngọc Biên, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Thái,  hay của các thi sĩ Nguyên Sa , Trần Dạ Từ ..., và vô vàn những nhân vật không thể kể hết tên, từ khi Givral khởi đầu năm 1950. Nếu La Pagode là nơi của giới nghệ thuật, thì Givral là nơi của báo giới trong và ngoài nước 1975.

Biết là thế, nhưng Givral vẫn cứ "chẳng là thế", với một nội thất xa lạ, vô hồn với lịch sử từng có của nó. Dù trong thông cáo báo chí của Givral, ai đó đã viết một câu nghe rất ý nghĩa: "Không còn ký ức, đô thị tồn tại thế nào đây?"

Givral mới với bức tường bên trái phá mặt tiền toàn cửa kính của cafe Givral và che tầm nhìn thẳng sang Nhà hát Thành phố và KS Caravelle. Ảnh: Dân trí
Givral mới với bức tường bên trái phá mặt tiền toàn cửa kính của cafe Givral và che tầm nhìn thẳng sang Nhà hát Thành phố và KS Caravelle. Ảnh: Dân trí

Tất nhiên, một đô thị sống động không chỉ sống bằng ký ức, hay hoài niệm. Bởi lẽ, đô thị không phải là di tích. Nó là một cơ thể sống. Givral hôm nay có thể dành cho một thế hệ khác - trẻ , năng động, trong hòa bình.

Những thế hệ nghệ sĩ, nhà báo hôm nay sẽ lại đến ngồi đây để nhìn dòng đời chảy qua thành phố. Nhưng ký ức, văn hóa, hay lịch sử, vẫn phải được tiếp nối, chứ không phải bị ngắt quãng, hay xóa mờ, bởi cảnh quan không có khả năng khơi gợi những dấu ấn đã từng có. Chỉ những bức tranh trên tường chưa đủ để tái tạo cái linh hồn Givral, nếu cảnh quan và hình ảnh xa lạ với nhau.

Dù Givral đã trở lại, khi La Pagode, hay Brodard, không còn cơ hội đó, thì cũng đành phải cứ tiếc nuối rằng, đồng ý cái xác có thể thay đổi, nhưng cái hồn, cái dấu ấn văn hóa và lịch sử 60 năm của nó, phải còn phảng phất đâu đó. Trên một mảng tường, một chiếc bàn, hay một góc ngồi, chứ không chỉ bằng vài dòng "vinh danh trên giấy".

Cái linh hồn ấy phải không được cho "siêu thoát"!
 
Nguồn: Tuần VN
 
 
[links()]

Bình luận(0)