Báo TQ bàn về “cặp đôi” quyến rũ nhất Việt Nam

Google News

Trong bài viết đăng tải trên thời báo Hoàn Cầu, tác giả Li Ying ví Hà Nội và Sài Gòn như một cặp đôi đầy quyến rũ của Việt Nam.

- Trong bài viết đăng tải trên thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, tác giả Li Ying ví Hà Nội và Sài Gòn như một cặp đôi đầy quyến rũ của Việt Nam.

TP HCM và Hà Nội là hai điểm bắt buộc phải dừng chân cho bất cứ du khách nào muốn có một chuyến du lịch trọn vẹn đến Việt Nam. Hai thành phố này là nơi du khách có rất nhiều điều để khám phá.

"Sài Gòn, Sài Gòn"

Trước khi đến TP Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, hình ảnh của thành phố này trong tâm trí tôi là một Sài Gòn của thời kỳ thuộc Pháp trong thế kỷ 20, đến từ những mô tả trong tác phẩm “Người tình” của nữ tác giả người Pháp Marguerite Duras (1914-1966), người sinh ra và lớn lên ở thành phố này.

Đó là một buổi trưa mùa hè nóng nực, khi cô bé Duras 15 tuổi lần đầu tiên đối diện với người mình yêu tại một bến tàu đông đúc ồn ào, bên bờ sông Cửu Long bùn lầy. Chàng trai người Hoa đã đưa Duras một hộp thuốc lá với bàn tay run rẩy và rụt rè hỏi cô có thích hút thuốc hay không…

Đối với vị khách du lịch, câu chuyện tình yêu này đã phủ lên sông Cửu Long một vầng hào quang của sự lãng mạn và hoài cổ. Vào chiều ngày đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi đã không thể chờ đợi để được ngắm nhìn dòng sông bằng chính đôi mắt mình.

Từ trung tâm thành phố, tôi mất 2 giờ để đến bến tàu ở thành phố Mỹ Tho. Khi đó, mặt trời đang dần khuất bóng sau đường chân trời, để lại trên mặt nước những vệt màu úa tàn. Tôi như nín thở khi ngắm nhìn khung cảnh ấy.

Tôi lên một con thuyền để đi ra những cù lao nằm ở giữa dòng sông. Tại đây, tôi ngồi trên thuyền gỗ nhỏ để bồng bềnh qua các khe nước, khám phá những khu rừng um tùm của xứ sở nhiệt đới.

Cái nhìn vào cuộc sống của các cư dân bên dòng sông Cửu Long, dù chỉ thoáng qua, đã để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc. Trong nhiều thập kỷ qua, những con người sống bên bờ sông đã làm đủ mọi việc để mưu sinh, từ đánh bắt cá, trồng cây ăn quả, cho đến chèo thuyền phục vụ khách du lịch.

"Những người chèo thuyền thực sự nghèo và khoản tiền bồi dưỡng của bạn sẽ giúp họ rất nhiều", tài liệu hướng dẫn du lịch nhắc nhở trước khi tôi rời thuyền. Trên thuyền có hai người chèo thuyền, họ thấp, gầy và nhìn già như thể trạc ngũ tuần. Họ không nói gì trong chuyến đi, mà chỉ âm thầm chèo thuyền. Khi tôi lấy máy ảnh để chụp ảnh họ, họ nở nụ cười thân thiện như một phản xạ. Có lẽ, phía sau nụ cười ấy là cả một cuộc sống nhọc nhằn.

Sau khi thăm thú sông nước, tôi lại quay về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng được mệnh danh là Paris của phương Đông, nổi tiếng với cảnh quan mang phong cách của cả phương Tây và Á Đông. Tôi đã đi bộ qua các con phố cũ để cảm nhận không gian kiến trúc Pháp, một lời nhắc nhở về thời kỳ thuộc địa mà thành phố đã phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ.

Bên trong Bưu điện thành phố.
Bên trong Bưu điện thành phố.

Một cuốn sách hướng dẫn sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các địa điểm thăm quan của thành phố, đáng chú ý nhất là Dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tòa nhà UBND Thành phố.

Nếu bạn muốn gửi bưu thiếp cho bạn bè và các thành viên trong gia đình, hãy đến tòa nhà Bưu điện thành phố, một công trình rất đẹp được xây dựng vào thế kỷ 19. Đây là nơi có vô số tùy chọn cho các loại bưu thiếp.

Hà Nội quay cuồng

Một chuyến bay kéo dài hai giờ đã đưa tôi đi từ những hoài niệm quá khứ của Sài Gòn đến cuộc sống sôi động của Hà Nội. Đây là thành phố lớn thứ hai và là trung tâm chính trị của đất nước.

Một góc Hà Nội.
Một góc Hà Nội.
Khi tôi đứng ở một ngã tư tại trung tâm Hà Nội, tôi có thể cảm nhận được sự năng động của thành phố này. Ở phía trước của trung tâm mua sắm, được bao quanh bởi các tòa nhà văn phòng mới, tôi đã chứng kiến những làn sóng ngoạn mục của vô số xe máy, được các nam nữ thanh niên điều khiển, tràn lên ào ạt mỗi khi có đèn xanh. Khi có đèn đỏ, tất cả lại lắng dịu như thủy triều rút xuống vậy.

Khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm là tâm điểm của thành phố. Hồ còn được gọi là Hồ Gươm, gắn với huyền thoại về việc thần Kim Quy dưới hồ nhận lại thanh kiếm thần mà vua Lê Thái Tổ đã sử dụng trong cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Minh từ năm 1368-1644.

Một niềm vui gắn liền với sự hỗn độn của Hà Nội là việc dừng lại để thưởng thức một tách cà phê Việt Nam tại quán cà phê nhỏ gần bờ hồ, nơi bạn có thể cảm nhận những hình ảnh tương phản của thành phố.

Bạn có thể trải nghiệm sự yên tĩnh trong buổi sáng sớm, khi người dân thực hiện các bài tập thể dục buổi sáng của họ, hoặc niềm đam mê của các cặp tình nhân trẻ vi vu xe máy để tận hưởng một buổi tối lãng mạn.

Hà Nội cũng là điểm đến số một để tìm hiểu về lịch sử cách mạng của Việt Nam. Quảng trường Ba Đình là địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 và nay là nơi gìn giữ thi hài của Người trong Lăng.

Ngoài những điểm hấp dẫn kể trên, còn có một lý do quan trọng khác khiến Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng, đó là giá cả hợp lý. Theo một cuộc khảo sát gần đây, Hà Nội là thành phố rẻ nhất thế giới dành cho một kỳ nghỉ trong khách sạn bốn sao, cũng như các loại thực phẩm, đồ uống ngon và cước phí taxi thấp.
 
Thanh Bình (theo Global Times)
 

Bình luận(0)