Càn Long sai người vẽ chân dung vua Quang Trung...giả

Google News

Trong các sách Mãn Châu cổ họa có in bức chân dung vua Quang Trung được vua Càn Long nhà Thanh sai người vẽ.

- Trong các sách Mãn Châu cổ họa có in bức chân dung vua Quang Trung được vua Càn Long nhà Thanh sai người vẽ. Về sau các sách của ta cũng theo đó in lại. Tuy lịch sử sau này đã làm sáng tỏ đó là vua Quang Trung giả, nhưng qua đó có thể phần nào hình dung ra dung mạo của vua Quang Trung thật.

Bức họa vua Quang Trung.
Bức họa vua Quang Trung.
Các họa sĩ nhà Thanh đã để lại bức họa về Quang Trung rất đẹp. Trong bức họa này, Quang Trung cưỡi trên mình ngựa, đầu đội mũ trụ, mình khoác nhung phục, trong tư thế của một võ tướng oai phong. Như chúng ta đã biết năm 1790, vua Càn Long nhà Thanh tổ chức mừng thọ "bát tuần vạn thọ" (sinh nhật 80 tuổi), có yêu cầu đích thân quốc vương An Nam đến Yên Kinh triều kiến để tăng thêm phần trọng thể. Tất nhiên, Quang Trung không thể thỏa mãn đòi hỏi đó, bởi vì:

Một là, nước ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc ở phía Bắc. Trong Nam, mấy lần Nguyễn Ánh lăm le trở lại đứng chân ở Gia Định. Người đứng đầu nhà nước có bao nhiêu công việc cần kíp phải giải quyết, làm sao có thì giờ để đi sang Trung Hoa, mà nhanh nhất cũng mất 7 - 8 tháng (trong thực tế, đoàn của quốc vương giả xuất phát từ Phú Xuân ngày 29/3, đến Yên Kinh, khi trở về tới biên giới Việt - Trung đã là 29/11, tức đúng 8 tháng).

Hai là, năm trước (1789) Quang Trung vừa tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh. Ai có thể lường trước được những mưu mô xảo quyệt, những hiểm họa bất ngờ từ phía vua nhà Thanh hay thân nhân của những tướng sĩ vừa chết trận một khi Quang Trung lưu lại lâu trên đất Trung Hoa?

Chính vì vậy mà Quang Trung nhất quyết không đi; Còn Càn Long thì đòi cho bằng được. Việc đó đặt các viên quan lại thừa hành vào tình thế rất nan giải. Để giải quyết bế tắc, Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng (mới được thay Tôn Sỹ Nghị) bèn gợi ý với ta là cần phải có một Quang Trung giả.

Đây là một giải pháp tình thế, không kém phần mạo hiểm nhưng không còn cách nào khác. Bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ làm công việc bị bại lộ thì sẽ ảnh hưởng khôn lường đến quan hệ bang giao giữa hai nước, đến tính mạng của cả đoàn sứ bộ của ta, cũng như ngay mạng sống của Phúc Khang An.

Chính vì vậy mà đoàn sứ bộ phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, các thành viên trong đoàn sẽ phải là những tay đóng kịch giỏi. Những vai kịch đó không phải chỉ diễn mấy giờ trên sân khấu mà là cả mấy tháng trời trên đất Trung Hoa, mà vai kịch khó khăn nhất sẽ là Quang Trung giả, bởi vì tất cả mọi sự chú ý đều hướng vào ông.

Ngoài việc đóng kịch giỏi thì ông còn phải là người thông minh, nhạy bén, ứng đối nhanh và nhất là phải có ngoại hình giống Quang Trung, không giống được 100% thì cũng phải đến 80 - 90% rồi hóa trang thêm. Bởi vì Quang Trung là một người nổi tiếng, sẽ có rất nhiều người biết ông. Đây lại là một sự kiện ngoại giao quan trọng nên rất nhiều người chú ý đến, trong đó có không ít sự tò mò, thóc mách (không loại trừ có cả điệp viên dò la tình hình trong vai những người phục dịch).

Thế nhưng, sứ đoàn của ta đã hoàn thành xuất sắc chuyến đi, vở kịch được đóng khéo đến mức cả triều đình nhà Thanh và Càn Long không mảy may nghi ngờ. Trước khi đoàn ta ra về, Càn Long đã cho mời họa sĩ đến để vẽ chân dung cho Quang Trung. Bức vẽ đó được lưu giữ trong kho tàng cổ họa Trung Hoa, sau đó được in trong sách Mãn Châu cổ họa, các sách báo của ta đã in lại từ sách này.

Đây là chân dung Quang Trung giả, nhưng như chúng tôi đã phân tích ở trên, ít nhất thì cũng có đến 80 - 90% giống Quang Trung thật. Nó là một bức họa quý giúp chúng ta hình dung được diện mạo của Quang Trung.    
(còn nữa)
Phan Duy Kha
[links()]

Bình luận(0)