Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN,ông hoàn toàn không đồng ý với kết luận cũng như thông báo xử phạt của Cục ATTP với công ty Traphaco trước những sai phạm liên quan tới TPCN Antot-IQ.
Ông và Hiệp hội TPCN sẵn sàng tranh luận một các khách quan, khoa học với các chuyên gia và Cục ATTP về vấn đề này vì quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Đáng cũng tiếp tục đặc biệt nhấn mạnh sự nguy hiểm của như nguy cơ gây ngộ độc mãn tính khi trẻ sử dụng TPCN Antot-IQ.
Trẻ bị cường phó giao cảm sử dụng Antot-IQ có nguy cơ ngộ độc cao
“Không phải tất cả trẻ uống Antot-IQ đều bị ngộ độc mà thực tế chỉ những trẻ bị cường phó giao cảm mới đặc biệt mẫn cảm với TPCN này. Cứ 100 đứa trẻ thì có 50% bị cường phó giao cảm và 50% bị cường giao cảm. Cường giao cảm thì không có vấn đề gì, nhưng với những trẻ bị cường phó giao cảm và mẫn cảm dị ứng thì phải chú ý vì nguy cơ ngộ độc với những trẻ này rất cao.
Các bà mẹ cho con sử dụng TPCN Antot-IQ nếu không có trình độ chuyên môn thì khó mà phát hiện được con mình bị ngộ độc. Thường khi trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng thì các bậc cha mẹ mới tìm tới những sản phẩm này với mong muốn con khỏe mạnh, ăn tốt… Tuy nhiên chính những triệu chứng ban đầu đó làm họ càng khó nhận diện hơn dấu hiệu ngộ độc của con”. PGS.TS Trần Đáng cho biết
Phân tích của PGS.TS Trần Đáng trong thành phần của TPCN Antot- IQ thì choline là thành phần cần được chú ý nhất.
Kết luận và thông báo xử phạt công ty Traphaco của Cục ATTP công ty này đã ghi thừa chữ acid trước và công bố choline nhầm thành acid amin. Tuy nhiên ông Đáng không đồng tình với lý giả của công ty này là ghi nhầm dẫn đến thừa chữ, mà ông Đáng cho rằng: “Công ty Traphaco cố tình ghi chữ đó vào tờ hướng dẫn cũng như nhãn sản phẩm, vì nếu choline là một acid amin thì bổ sung nó vào TPCN là hoàn toàn bình thường”.
Uống Antot-IQ thường xuyên tăng nguy cơ ngộ độc mãn tính
Để bảo vệ quan điểm của mình ông Đáng đưa ra rất nhiều bằng chứng tài liệu khoa học liên quan tới choline.
Choline được sử dụng chủ yếu làm thuốc điều trị dưới dạng: Choline chororide, choline bitartrat, choline magnesium trisalicylat, choline salysilate, choline theophyllinate (Thuốc bệnh và cách sử dụng của Phạm Thiệp và Vũ Ngọc Thúy – NXB Hà Nội, 2006; Dược điển Mỹ - 2008).
Trong đó Choline chloride: chỉ định điều trị bệnh gan (Botkin, viêm gan, xơ gan), mục đích để tăng tiết mật. Thời gian điều trị 7-10 ngày.
Cholin bitartrat: chỉ định điều trị như Betaine (người giảm HCl và giảm nguy cơ do Homocysteine).
Cholin magnesium trisalycylat (điều trị viêm đau khớp và các bệnh xơ cứng khác).
Choline salicylate: chỉ định: chống viêm, giảm đau, hạ sốt (quy định liều dùng theo tuổi).
Choline theophyllinat: chỉ định: chống hen phế quản, khí thũng.
Choline alfoscerat: chỉ định: suy giảm trí nhớ người tổn thương não, người già, lú lẫn, Alzheimer. Chống chỉ định: người mẫn cảm với các thành phần thuốc và phụ nữ có thai.
TheoPGS.TS Trần Đáng
Theo ông Đáng: “Vai trò của choline đã được Dược điển Mỹ và các tài liệu khoa học ở Việt Nam ghi là: Chất chuyển nhóm CH3. Khi vào cơ thể choline chuyển gốc CH3 cho Betain, Betain chuyển gốc CH3 cho Homocysteine và tạo ra Demethylglycine và Methionin. Choline và Betain tham gia tổng hợp Creatin nhờ phản ứng Methyl - hóa Glycociamin. Choline là nguyên liệu tổng hợp Acetylcholine, là một chất dẫn truyền thần kinh. Cholin còn tham gia hàng loạt phản ứng Methyl - hóa khác. Choline hỗ trợ tăng cường trí nhớ nhưng là ở người già khi bị lão hóa suy giảm dẫn truyền thần kinh, người Alzheimer.
Còn trong Dược thư quốc gia Việt Nam (Bộ Y tế - 2002) và Dược thư quốc gia cho tuyến cơ sở (Bộ Y tế - 2006) không thấy ghi thuốc có choline và dẫn xuất. Qua đó thấy rằng choline không phải là thuốc thông thường, phổ biến dùng cho cộng đồng. Đồng thời, trong thuốc, cũng chưa thấy nêu choline và dẫn xuất choline có tác dụng tăng khả năng tập trung và ghi nhớ, phát triển não bộ của thai nhi và trẻ sơ sinh.
“Vì thế, nếu cho trẻ em dùng Antot-IQ, không phân biệt độ tuổi, mỗi ngày 2 ống tức là đã đưa vào cơ thể 100mg choline. Liều lượng này với trẻ từ 1-3 tuổi sẽ gây thừa và là nguy cơ gây kích thích Cholinergic, nặng có thể co giật, hôn mê, liệt cơ và tử vong. Nhẹ, gây nôn, chảy nước bọt, đổ mồ hôi, kích thích đường tiêu hóa, co cơ Detrusor của bàng quang, co thắt tiểu phế quản, đồng tử.
Còn đối với phụ nữ mang thai nếu sử dụng 4 ống/ngày tức là bổ sung 200mg choline/ngày có nguy cơ gây cường cholinergic ảnh hưởng dẫn tới ảnh hưởng thai nhi?
Thực tế quốc tế đã cảnh báo choline (cholin alfoscerat) chống chỉ định với phụ nữ mang thai và có thể gây ra khiếm khuyết não bộ của trẻ trong bào thai. Phụ nữ có thai bổ sung choline liên tục, liều thấp sẽ gây nguy cơ cho thai nhi về chức năng trí nhớ, thay đổi gen …
Hơn nữa nếu bổ sung cholin liên tục sẽ là nguyên liệu làm tăng acetycholine gây ngộ độc. Choline là nguyên liệu tổng hợp Acetylcholine, là một chất dẫn truyền thần kinh.
Triệu chứng ngộ độc do Acetylcholine: Tùy theo mức độ, các triệu chứng ngộ độc có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm: Hệ phó giao cảm sẽ bị hưng phấn. Dẫn tới đồng tử co nhỏ, cận thị, đau nhức mắt.Cơ Ressetsen co thắt, gây khó thở kiểu hen. Cơ trơn niêm mạc ruột: hưng phấn, gây nôn, ỉa chảy, đau bụng …Tim đập chậm, giảm huyết áp. Gây tăng tiết nước bọt: sùi bọt mép, tuyến lệ, tuyến nhầy, mồ hôi tăng. Vì thế việc liên tục dùng Antot-IQ trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ gây ngộ độc mãn tính” PGS.TS Trần Đáng phân tích.