Cách xua đuổi hiệu quả rắn lục xanh đuôi đỏ

Google News

(Kiến Thức) - Phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo, trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh... là những biện pháp đuổi rắn hiệu quả nhất.

Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ oanh tạc khu dân cư ở các tỉnh miền trung, miền nam, tấn công nhiều người dân, ngày 12/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký ban hành Quyết định về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn.
 Rắn lục đuôi đỏ oanh tạc khu dân cư. Ảnh: NLĐ. 
Theo đó, bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn cần được sơ cứu thích hợp, vận chuyển nhanh chóng và an toàn tới các khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Khi sơ cứu, bệnh nhân có thể có biểu hiện chóng mặt, lo lắng, cần trấn an và giảm lo lắng cho bệnh nhân; nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc, rửa vết thương. Nên băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, không garô động mạch. Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp.
Các bệnh nhân có chảy máu hoặc có xét nghiệm đông máu 20 phút tại giường dương tính phải được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục hoặc truyền máu và các chế phẩm máu.
Bộ Y tế cũng bày cách xua đuổi loài động vật nguy hiểm này. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà, trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn có thể và nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mắc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.
Rắn lục xanh đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae) giống Cryptelytrops. Họ Rắn lục có nhiều giống và loài khác nhau nhưng có chung độc tính là gây rối loạn đông máu, chảy máu. Rắn Cryptelytrops albolabris (Tên cũ: Trimesurus albolabris) có tên Việt Nam là Rắn lục xanh đuôi đỏ, phân bố trên cả nước, thường sống trên cây. 
Minh Khuê

Bình luận(0)