Tình hữu nghị Việt-Nga ngày càng sâu đậm

Google News

(Kiến Thức) - Quan hệ ngoại giao Việt-Nga được thiết lập từ ngày 30/1/1950 và tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng gắn bó qua các chuyến thăm lẫn nhau.

Liên bang Nga có diện tích rộng nhất thế giới (17.075.400km2), dân số 142,9 triệu người với trên 180 dân tộc. Liên bang Nga có nhiều dạng khí hậu, tuy nhiên phần lớn lãnh thổ có khí hậu lục địa với chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng rất lớn.

Liên bang Nga là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới với GDP năm 2011 đạt 1.885 tỷ USD (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF); cơ cấu GDP năm 2011 là nông nghiệp chiếm 4,2%, công nghiệp 37%, dịch vụ gần 59%. Liên bang Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên Nhóm G8, G20, Nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (BRICS) và nhiều tổ chức đa phương.

 Tình hữu nghị Việt-Nga ngày càng được thắt chặt hơn qua các chuyến thăm lẫn nhau.

Tiến hành chính sách đối ngoại đa phương, ban lãnh đạo Việt nam luôn khẳng định rằng, việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga vẫn là một trong những hướng ưu tiên.

Các mối giao tiếp chính trị đang phát triển tích cực. Năm 1994 tại đã ký Hiệp định về những nguyên tắc cơ bản của các mối quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga," đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới..

Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược”. Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Liên bang Nga ra "Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện."

Quan hệ chính trị Việt Nam–Liên bang Nga không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm Liên bang Nga tháng 10/2002 và tháng 7/2010; Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm tháng 5/2004; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm tháng 8/2008, dự Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phátxít tại Moscow và thăm các địa phương của Nga vào tháng 5/2010; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm tháng 9/2007, tháng 12/2009; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm tháng 1/2003; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm tháng 4/2009; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm tháng 7/2012.

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) hội đàm với Thủ tướng Dmitry Medvedev trong chuyến thăm chính thức Nga năm 2012.

Lãnh đạo cấp cao Liên bang Nga thăm Việt Nam có: Tổng thống Nga Vladimir Putin (tháng 3/2001 và tháng 11/2006); Tổng thống  D. Medvedev (tháng 10/2010); Thủ tướng M. Kasianov (tháng 3/2002); Thủ tướng Nga M. Fradcov (tháng 2/2006); Chủ tịch Hội đồng Liên bang S. Mironov (tháng 1/2005). Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A Medvedev (tháng 7/11/2012).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) cùng Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev tham gia buổi lễ kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2012) tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức của ông Medvedev. 

Hai nước đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ARF... ; đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Nga. Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ hai đã diễn ra thành công tại Hà Nội tháng 10/2010. Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào ASEM tháng 10/2010 và tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2011.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại tiếp tục được đẩy mạnh. Kim ngạch thương mại năm 2011 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2010. Chín tháng năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 1,77 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 1,13 tỷ USD, nhập khẩu 640 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Liên bang Nga gồm điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại...; các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại...

Đầu tư của Việt Nam sang Nga vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD năm 2008, hiện đạt 776 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại...

Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Liên bang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Moscow.

Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam .

Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Liên bang Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực; năm 2011 tiếp tục cấp cho Việt Nam 345 suất học bổng đại học và sau đại học tại các trường của Liên bang Nga.

Năm 2012, Liên bang Nga cấp cho Việt Nam 476 học bổng đào tạo đại học và sau đại học. Hiện có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga. Hai bên thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam .

Các hoạt động giao lưu văn hóa được hai nước tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam–Liên bang Nga.

Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Nga. Từ 1/1/2009 Việt Nam đã áp dụng chế độ miễn thị thực cho công dấn Nga đến Việt Nam thời hạn 15 ngày với bất kỳ mục đích nào.

Liên bang Nga luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Từ năm 1991 đến nay, hai nước đã có trên 60 văn kiện hợp tác được ký kết thuộc các lĩnh vực như: dầu khí, điện hạt nhân, kinh tế-thương mại, giáo dục-đào tạo, văn hóa-khoa học...

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Vietnam Plus, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam

Bình luận(0)