Giới hạn nào cho người tu trên mạng xã hội?

Google News

Kienthuc.net.vn) – Bên cạnh nhiều tu sĩ sử dụng mạng xã hội làm phương tiện hoằng pháp độ sinh thì còn nhiều tu sĩ lại đăng thông tin, hình ảnh không mấy thiện cảm lên đó. 

Vậy đâu là giới hạn cho người tu sĩ trên mạng xã hội?

Như chúng ta biết mạng xã hội có thể coi là một trong những phương tiện truyền bá Phật pháp khá hữu ích trong thời đại này. Bởi hiện nay, phần đông người có tín tâm và muốn tìm hiểu về đạo Phật vì bận rộn công việc gia đình, cơ quan, xã hội... nên không có thời gian đi chùa, tụng kinh, ngồi thiền, nghe pháp được.

Nhờ vào trang thông tin trên mạng xã hội họ sẽ được nghe và đọc thêm nhiều Kinh điển, kiến thức Phật pháp trong thời gian nghỉ ngơi ở mọi lúc, mọi nơi. Khi đó, những bài thuyết giảng của người tu sĩ đăng lên mạng xã hội sẽ rất lợi lạc cho mọi người.

Trang thông Vườn hoa Phật giáo chứa đựng nhiều thông tin và tài liệu Phật giáo.
Trang Vườn hoa Phật giáo chứa đựng nhiều thông tin và tài liệu Phật giáo.

Riêng với giới trẻ khi mà họ ý thức được quay về nương tựa Tam bảo, dù online thì đó cũng là nơi họ cảm thấy bình an và là tìm lại được chính mình. Và coi mạng xã hội, chứa đựng tin Phật giáo như ngôi chùa online. Do đó, đây sẽ là phương tiện truyền bá chánh pháp hữu ích mà người tu sĩ nên thực hiện trong giai đoạn này.

Hiện nay ở nước ta đã có khoảng hơn 100 trang thông tin về Phật giáo có lượng truy cập khá nhiều, đó là chưa kể các webiste riêng của các chùa, các tự viện. Điều này khiến internet sẽ trở thành công cụ to lớn để đưa Phật pháp đến với con người một cách tiện lợi và người tu sĩ đã trở thành những người thầy “trực tuyến”.

Như vậy, theo đó vô hình chung người tu sĩ với mạng xã hội có thể được coi là một sự “kết hợp mới lạ”. Do vậy, với mục đích đem ánh sáng và lợi lạc của đạo Phật đến với mọi đối tượng thông qua mạng xã hội, người tu sĩ đã và đang đưa Phật pháp đi xa, đi sâu vào đời sống nhân sinh.

Nhưng bên cạnh nhiều tu sĩ sử dụng mạng xã hội làm phương tiện hoằng pháp độ sinh thì có những tu sĩ lại  đăng thông tin, hình ảnh không mấy thiện cảm. Vậy giới hạn nào cho người tu sĩ trên mạng xã hội?

Trên thực tế, cái gì cũng có hai mặt rõ rệt, nếu mình biết sử dụng hợp lý và đúng đắn thì đó là mặt mạnh, mặt ưu, bằng không thì ngược lại. Thời gian qua, có nhiều tu sĩ đã lạm dụng mạng xã hội để đưa lên những hình ảnh nghịch ngợm, trêu chọc, đùa giỡn...nên đã xảy ra những điều đáng tiếc như báo chí đã đăng tải.

Đơn cử như những hình ảnh nhà sư “hộ tống” người đẹp đi thi hoa hậu Việt, chú tiểu cầm dao đùa giỡn, nhà sư uống bia với một nhóm người tại gia. Gần đây vụ việc nhà sư Pháp Định theo như báo chí gọi là “khóa môi” ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng trở nên…nhức nhối.

Hình ảnh các chú tiểu đùa giỡn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Hình ảnh các chú tiểu đùa giỡn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.

Do vậy, đối với người tu sĩ không nên chia sẻ quá nhiều về vấn đề nằm ngoài sự tu học như viết những status (câu nói – PV) mang đầy tâm trạng phiền não, u sầu…Bên cạnh đó, giờ giấc cũng là một yếu tố khá quan trọng, vì nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng tới giờ giấc tu học của người tu sĩ. Bởi có nhiều tu sĩ đã dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội. Nếu như sử dụng mạng xã hội để làm phương tiện hoằng pháp thì rất đáng mừng, còn ngược lại thì…không nên.

Vấn đề đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội cũng vậy. Đây là vấn đề khá tế nhị, do đó nếu đăng ảnh thì phải biết lựa chọn những bức ảnh có lợi lạc như hình ảnh tu học, từ thiện, thư pháp, tượng Phật, cảnh chùa…Tránh đăng những hình ảnh phản cảm và mang tính chất cá nhân như ăn uống, đi chơi, đùa giỡn…

Bởi mạng xã hội giống như mình đứng trước đám đông trong xã hội. Vì vậy những hình ảnh riêng tư hoặc vui chơi thì tốt nhất là nên để ở trong máy tính, coi như tạo một không gian riêng cho mình vậy.

Xác định mục đích việc dùng mạng xã hội là công cụ để người tu sĩ trao truyền năng lượng cho mọi người thì người tu sĩ chỉ cần có vậy thôi. Chứ không nhất thiết mạng xã hội phải là nơi để người tu sĩ giới thiệu về bản thân nhiều quá.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa người tu sĩ không có quyền dùng mạng xã hội. Song người tu sĩ nên nhận thức được việc họ đang phải làm. Là truyền bá chính pháp tới cộng đồng chứ không phải dùng mạng xã hội để tán ngẫu hay làm những việc trái với giới luật.

Thực sự thì mạng xã hội cũng là biến thể của những cái xung quanh mình. Có một thiền sư nổi tiếng đã từng có lời khuyên rằng: internet là một khu vực khổng lồ, nơi đó có điểm sáng và điểm tối nên phải biết lựa chọn.

Người tu sĩ nên đăng trên mạng xã hội những hình ảnh mang lợi lạc đến mọi người như Phật sự, thư pháp…
Người tu sĩ nên đăng trên mạng xã hội những hình ảnh mang lợi lạc đến mọi người như Phật sự, thư pháp…

Theo đó, điểm sáng là sự kết nối chia sẻ, còn điểm tối đôi khi đơn giản là sự thúc giục mình truy cập mình phải nên làm chủ, đừng để mạng xã hội làm chủ. Do vậy, bên cạnh dùng mạng xã hội để làm phương tiện hoằng pháp độ sinh thì người tu sĩ nên dùng mạng xã hội để quan sát thôi.

Tức là người tu sĩ có thể chia sẻ, giải đáp thắc mắc cũng như tháo gỡ khó khăn cho nhiều người tại gia. Song mình phải có đủ sự tĩnh lặng, không nên bị vướng mắc hoặc bị cuốn theo những bình luận trong bài viết.

Nếu bị cuốn theo sẽ khiến mình mất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu việc này không đồng nghĩa với việc có hay không mở rộng chia sẻ với mọi người.

Bùi Hiền

TIN LIÊN QUAN

Bình luận(0)