Xuất xứ điển tích độc – lạ: Đừng “đánh trống lảng” nữa!

Google News

(Kiến Thức) - Điển tích “đánh trống lảng” xuất phát từ một câu chuyện đàn ca có xuất xứ từ Trung Quốc.

Điển tích “đánh trống lảng” xuất phát từ một câu chuyện đàn ca có xuất xứ từ Trung Quốc.
Anh nghệ sĩ vụng chèo
"Đánh trống lảng" là một thành ngữ gồm ba âm tiết, khá quen thuộc trong tiếng Việt. Khi muốn nói về hành động của ai đó cố tình nói lảng, nói tránh đi sang một chuyện khác mà chính người đó đang rơi vào một tình huống khó nói hoặc không muốn nói. Ví dụ: "Vừa nghe ông Khản nói đến chuyện cô Lạt tơ tình này nọ, Hoàn liền lấy điếu cày hút một hơi dài rồi cười cười nói nói, cố tình đánh trống lảng, tránh cặp mắt của mọi người" (Tổng tập Văn học Việt Nam); hoặc "Thôi đừng đánh trống lảng nữa. Chuyện rõ như ban ngày thì chối làm gì"... Anh chàng nào đó mà có hành động cố tình lơ đi chuyện bất lợi có liên quan đến mình thì đều có thể sử dụng thành ngữ "đánh trống lảng" này để ám chỉ.
"Trống" là một loại nhạc khí rỗng, thường có hình trụ, thân bằng gỗ hay bằng kim loại, có một hoặc hai mặt được bịt da căng, khi đánh dùng dùi hay tay đập vào mặt da này để tạo ra âm thanh to và vang. Còn "lảng" là "bỏ đi, tránh đi chỗ khác một cách lặng lẽ, không muốn cho người khác nhận thấy" hoặc "chuyển sang chuyện khác, nhằm tránh vấn đề nào đó". 
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, xuất xứ của thành ngữ này dựa trên câu chuyện dân gian sưu tầm ở vùng Liễu Đôi (Hà Nam, Trung Quốc). Có một anh chàng tên là Điển, được tham gia vào phường bát âm (dàn nhạc có 8 nhạc khí) trong một gánh hát. Anh ta chơi đàn nhị. Nhưng trong một buổi diễn xướng tại một chiếu chèo, anh  kéo nhị thế nào sai phách sai tông hết cả. Bị nhắc nhở, lẽ ra anh ta phải sửa sai chơi cho đúng nhạc, đằng này anh ta lại vớ ngay cái trống bên cạnh rồi cứ thế vỗ liên hồi kỳ trận. Kết quả là tạo nên một mớ âm thanh hỗn tạp, không ra thể thống gì cả. Nhị không ra nhị, trống chẳng ra trống. Đúng là "quân hồi vô phèng". Chàng Điển năm xưa quả là người giấu dốt, thiếu tinh thần cầu thị. Có lẽ từ chuyện này mà hình thành nên thành ngữ "đánh trống lảng" mà dân gian quen dùng cho đến ngày nay: Nhị kia thì bỏ một nơi/Trống thì lại đánh vô hồi, buồn thay...
Xuat xu dien tich doc – la: Dung “danh trong lang” nua!
 Ảnh minh họa.
Bước nhanh chậm trong lễ tế
Một cách lý giải khác về điển tích “đánh trống lảng” cũng được nhiều người công nhận là xuất phát từ trong các buổi tế lễ. TS Đinh Đức Thành, Viện Hán Nôm cho rằng, khi tiến rượu, các tế viên (ông mạnh, ông bồi) phải đi khoan thai, từng bước một, theo điệu nhạc và nhịp trống từ ngoài sân vào trong cung. Khi ở trong cung trở ra, các tế viên phải bước rất nhanh theo nhịp trống dồn nhập gọi là trống lảng (tiếng giục để lảng ra cho nhanh). Sự trái ngược của các hồi trống vào – ra khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một người mượn cái này để “lờ” đi cái kia. Sau này, thành ngữ đánh trống lảng được dùng với nghĩa: Một người nào đó đang nghe chuyện này thì nói lảng ra chuyện khác, hoặc lảng ra chỗ khác để tránh điều bất lợi cho mình.
Điệu trống lảng trong các cuộc tế lễ rất phổ biến, loạt trống khi các quan tế đi ra được gọi là trống lảng, ý là lảng ra cho mau mau chóng chóng. Cách hiểu “lái sang chuyện khác một cách cố ý, lờ đi chuyện không muốn nói đến” thể hiện cách vận dụng linh hoạt, hình ảnh ví von gần gũi của dân gian chê bai, lên án kẻ lái đi câu chuyện để tránh đi sự bất lợi cho mình. Cũng có thể do dân gian ghép từ “lảng tránh” vào đó để tạo nên từ “đánh trống lảng” cho nó có vần có điệu với nhau. Ví dụ như “dốt đặc cán mai” không có nghĩa là cái mai dốt. Cách ghép thành ngữ này khá phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam. “Lảng tránh” là tránh đi không muốn gặp, tránh đi không muốn nói đến. 
Trong văn hóa làng xã Việt Nam, những buổi tế lễ thường thu hút cả cộng đồng dân cư tham dự, hình thức cúng tế, trống chiêng là những hình ảnh thân quen, nên việc sử dụng sự ví von này tạo ra sự thân thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ.
Một trò chơi
Đánh trống lảng còn là một trò chơi phản ứng ngược rèn luyện tư duy, trí nhớ. Người điều khiển trò chơi hỏi trực tiếp một người chơi nào đó mà nội dung câu trả lời “có” hoặc “không” thì người được hỏi phải trả lời đúng câu hỏi bằng động tác lắc hoặc gật nhưng ngược với câu trả lời đúng, có thì lắc đầu, không thì gật đầu. Khi người điều khiển hỏi câu không có từ “có” hoặc “không” thì người chơi phải tìm câu trả lời không ăn nhập với câu hỏi (đánh trống lảng) để trả lời người điều khiển. Ví dụ, khi người điều khiển nói: “Hôm nay trời nắng nhỉ” thì trả lời “tôi mệt quá”. Cứ như vậy, người điều khiển thay đổi câu hỏi và người được hỏi phải thực hiện đúng yêu cầu quy định, ai trả lời sai sẽ bị phạt. Bản chất của trò chơi này cũng giống như từ đánh trống lảng, lái sang câu chuyện khác. Đây là một trò chơi tập thể khá phổ biến. 
Có một số ý kiến cho rằng, “lảng” là tên của một loại trống, một làng làm trống hoặc một nghề đánh trống là không đúng và không có cơ sở. Trong văn hóa dân gian, có nhiều cách để lý giải nguồn gốc một câu chuyện, một phong tục, một thành ngữ, không có cách lý giải nào là duy nhất đúng. Tùy vào quan niệm, sự hiểu biết của từng người mà chấp nhận cách lý giải nào. Dù vào cách nhìn nhận thế nào, được sử dụng trong văn cảnh nào thì ngữ nghĩa của thành ngữ vẫn không thay đổi và được chấp nhận.
Ngoài “đánh trống lảng” còn có “đánh trống lấp”. Trong lễ tế thần, khi đọc văn tế, vì kiêng tên húy của thần nên người đọc văn chỉ đọc lẩm nhẩm trong miệng. Tuy vậy, vẫn sợ người ngoài biết tên húy nên khi đọc đến tên và chức tước của thần, người đánh trống còn điểm mấy tiếng trống để làm lấp tiếng người đọc. Đánh trống lúc đó gọi là trống lấp. Ngày nay, thành ngữ này thường dùng để chỉ việc kể lể lôi thôi nhằm lấp liếm câu chuyện chính hoặc che đậy lỗi lầm của mình.
Phong Lâm

>> xem thêm

Bình luận(0)