Điển tích độc lạ “ăn hại đái nát” bắt nguồn từ đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Mắng một người vô tích sự, chẳng được việc gì, người ta thường dùng câu “ăn hại đái nát”. Nhưng ít ai biết thành ngữ “đái nát” liên quan đến việc đi đòi nợ.

Mắng một người vô tích sự, vô dụng chẳng được việc gì, người ta thường dùng câu “ăn hại đái nát”. Ăn hại thì ai cũng biết, nhưng ít ai biết “đái nát” liên quan đến việc đi đòi nợ.
Mắng người vô tích sự
Trong cuốn Từ điển Bách khoa Tri thức, “ăn hại đái nát” chỉ một người vô tích sự, chỉ biết ăn không biết làm mà lại còn gây ra nhiều điều tệ hại cho người khác. Trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì định nghĩa “đã không làm gì có ích mà lại còn làm hại đến lợi ích của người khác”. 
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, khi chê trách, mắng mỏ một người mà được đánh giá là một kẻ vô dụng, đã chẳng làm được một việc gì có ích mà còn lại làm phương hại đến lợi ích của người khác, người ta hay dùng thành ngữ "ăn hại đái nát" để ám chỉ. Ví dụ: "Tao là tao từ cái mặt bọn bay. Nhờ bao nhiêu việc mà chả được tích sự gì. Đúng là một lũ ăn hại đái nát". Người mà được ví như vậy quả là xấu, xấu lắm, chẳng có gì để mà trân trọng, kể cả tư cách và nhân cách. 
Một người bị mắng là “ăn hại đái nát” thường là không còn từ nào để diễn tả cái sự kém cỏi, không làm nên công trạng gì của người đó nữa. Bản thân người phải nhận câu mắng đó cũng cảm thấy ê chề, xấu hổ vì sự kém cỏi của bản thân mình, chỉ biết ăn tàn phá hại. Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, hình ảnh so sánh “ăn” – “đái” ở đây là hai quá trình đối ngược. Khi đã là người vô tích sự, người “ăn hại” thì đương nhiên hệ quả sẽ là “đái nát”. Nhiều ý kiến cho rằng “đái nát” nghĩa là đái nát nhà, nát cây cối, ý nói người chỉ biết “ăn” và “đái” mà chẳng biết làm gì khác, không khác gì các loài động vật bậc thấp.
Nhưng về mặt ngôn ngữ, hai chữ "đái nát" ở đây có nghĩa thế nào? Đái đến nỗi nát cây, nát cối, nát nhà, nát cửa người khác sao? Hay chỉ là một lối nói cốt cho hiệp vần với hai chữ "ăn hại"? Trong các thành ngữ, thường xuất hiện tình trạng “nói cho có vần có điệu”, còn xét về ngữ nghĩa thì gần như không có hoặc lặp lại nghĩa của thành tố đứng trước hoặc sau nó. Truy nguyên gốc tích từ “đái nát” cho chúng ta một kiến giải khá thú vị.
Dien tich doc la “an hai dai nat” bat nguon tu dau?
 Ảnh minh họa.
Chiêu đòi nợ độc đáo
“Đái nát” nghĩa là gì, tìm hiểu qua nhiều tài liệu nghiên cứu, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết một câu chuyện trong dân gian gắn liền với từ này. Dân gian kể rằng, ngày xưa, có nhiều chủ nợ cho vay nhưng mãi không đòi được. Con nợ cứ chây ì, giục năm lần bảy lượt cũng không trả. Chuyện khất nợ cũng có nhiều hoàn cảnh. Có người cố tình tính chuyện chây ì, "chạy làng trốn nợ" thực. Song cũng có gia đình nghèo túng, làm ăn thất bát mà chưa có tiền, có thóc trả cho chủ nợ (chứ thâm tâm họ đâu muốn thế). Tuy nhiên, nợ nào cũng là nợ. Vay thì phải trả, đó là lẽ đời. Có chủ nợ nhờ người đi bắt nợ, xiết nợ cốt đòi cho bằng được những gì mình cho vay, cho mượn. Cảnh bắt nợ ngày xưa xảy ra ở nhiều nơi rất thương cảm. Anh Dậu trong truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố đã bị bọn cai lệ đến bắt ra sân đình trói, cho đến khi trả xong nợ mới thôi.
Lại có nhiều chủ nợ sai gia nhân, đầy tớ đến tận nhà con nợ để nằm vạ đòi nợ theo kiểu "giang hồ". Họ kéo quân đến ở, chầu chực ngay tại gia. Dĩ nhiên gia chủ phải nuôi cơm họ. Mọi sinh hoạt như ăn ở của họ (như ăn uống, bài tiết, tiểu tiện...) đều diễn ra ngay trong nhà, rất bệ rạc và bẩn thỉu. Để làm cho nhà con nợ xơ xác, hôi thối, đám đầy tớ này thi nhau ăn uống, đại tiểu tiện, bạ đâu tiểu đó, đến mức nát nhà, nát cây, nát đất. Mục đích của đám người xiết nợ này là làm cho gia chủ phải chịu đựng, tới mức "đau đớn ê chề cho coi". Đến nước phải mau mau tìm đủ mọi cách mà trả nợ cho xong. Quả là một "chiêu" đòi nợ độc đáo, chỉ còn kém mỗi anh chàng Chí Phèo đến gây sự, sẵn sàng đâm chém ở nhà Đội Tảo (theo lệnh của Bá Kiến) trong truyện của Nam Cao ngày trước. Chính từ sự tích dân gian này mà tiếng Việt có thêm thành ngữ "ăn hại đái nát" với những ngữ nghĩa mà ta đã biết: Chỉ vì món nợ cần đòi/Ăn hại đái nát người đời cười chê...
Khi môi trường sống bị “hủy hoại” như vậy, rất ít con nợ nào có thể chịu đựng nổi nên việc đòi nợ đa phần là thành công. Ngày nay, có lẽ “chiêu” đòi nợ này đã biến mất khỏi đời sống do các điều kiện kinh tế xã hội, nhận thức, công cụ pháp lý đã khác. Thế nhưng, thành ngữ “ăn hại đái nát” vẫn cứ được sử dụng một cách phổ biến, dễ hiểu, dễ nhớ.
Văn hóa gắn với miếng ăn
Sự “tra tấn” của hình thức đòi nợ này đa phần khiến các con nợ cảm thấy ngột ngạt không thể chịu đựng nổi, ăn không ngon ngủ không yên trong môi trường đầy xú uế ấy. Bởi thế mà dân gian cũng có hình ảnh ví von “nhất tội nhì nợ”. Có tội thì van lạy, nói khó nói khăn thế nào cũng vẫn phải đền tội. Có nợ thì van lạy, nói khó nói khăn cũng vẫn phải trả nợ. Cho nên người ta cho ở đời khổ nhất là bị tội, rồi đến mắc nợ. Câu này ngụ ý than phiền về nỗi khổ sở của người vay nợ. Đồng thời có ý khuyên người ta không nên làm điều bậy bạ để khỏi mắc tội, không nên ăn tiêu phung phí để khỏi mang nợ. Vướng vào tội, nợ thì khó mà sống yên ổn được và đương nhiên cũng sẽ trở thành người “ăn hại đái nát”, vô tích sự, làm khổ người thân, gia đình.
Để chỉ người vô tích sự, dân gian cũng dùng từ “ăn hại đái khai”, “ăn không ngồi rồi”, “ăn dầm nằm dề”... Theo TS Đinh Đức Thành, Viện Hán Nôm, hình ảnh miếng ăn trong ca dao, tục ngữ, trong văn hóa dân gian Việt Nam khá phổ biến. Điều này được lý giải ở nhiều luận cứ khác nhau, trong điều kiện sống khó khăn, miếng ăn, nước uống là nhu cầu cơ bản hàng ngày, lại không mấy khi được thỏa mãn, nên tâm lý coi trọng miếng ăn thể hiện khá rõ. Ăn Tết, ăn cưới, ăn giỗ, ăn hỏi... đều gắn với “ăn”, các thói hư tật xấu hay ngợi ca cổ vũ gắn liền với miếng ăn cũng rất nhiều. Nếu ví với một cái gì đó khác, người nghe sẽ vừa khó hình dung, lại khó phổ biến, truyền miệng. Vì thế, qua “miếng ăn” để thể hiện sự cổ vũ hay chê trách là cách chọn lựa dễ hiểu.
Theo các chuyên gia, những thành ngữ được sử dụng phổ biến vì đa phần chúng dễ hiểu. Nhiều khi việc truy nguyên nghĩa gốc chỉ là một kênh để tham khảo, không làm thay đổi nghĩa tường minh của thành ngữ. Khi sử dụng các thành ngữ này, cũng không nên căn vặn việc sử dụng trong văn cảnh có đúng với nghĩa gốc ban đầu hay không vì rất có thể các hình ảnh ví von đã không còn phổ biến, dễ hiểu ở hiện tại.
Bảo Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)