Trục vớt máy bay gặp nạn dưới biển diễn ra thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Để trục vớt máy bay gặp nạn dưới biển, các nước huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị để tìm kiếm xác phi cơ và nạn nhân xấu số.

Hàng năm, trên thế giới xảy ra một số tai nạn máy bay thảm khốc. Trong số đó có một số trường hợp máy bay rơi xuống biển khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Để trục vớt máy bay gặp nạn dưới biển, các nước đã sử dụng nhiều phương pháp, thiết bị như dùng dây cáp, robot... máy thăm dò dưới nước, thiết bị phát hiện tàu ngầm, tàu lặn, phao định vị, phao nâng...
Bên cạnh các trang thiết bị hiện đại, quá trình trục vớt máy bay còn cần đến những đội tìm cứu, cứu hộ, hàng chục thợ lặn và các chuyên gia nhằm giúp công việc diễn ra thuận lợi, chính xác hơn. Tuy nhiên, công việc trục vớt xác máy bay gặp nạn cũng như tìm kiếm thi thể nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch đó thường mất nhiều thời gian, có khi từ vài tháng cho đến vài năm. Quá trình trục vớt xác máy bay cũng vô cùng tốn kém, đôi lúc không có kết quả khả quan.
Sử dụng phao nổi, dây thừng
Trong nhiều trường hợp trục vớt máy bay rơi xuống biển, nhiều nước sử dụng dây cáp rồi thả sâu xuống biển hàng nghìn mét để đưa các mảnh vỡ máy bay lên bờ. Một trong những trường hợp trục vớt máy bay dưới biển được nhiều người chú ý là trường hợp máy bay mang số hiệu QZ8501 thuộc hãng hàng không AirAsia bị rơi trên biển Java ngày 28/12/2014. Khi đó, máy bay đang trong hành trình từ Surabaya, Indonesia, tới Singapore. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của toàn bộ 162 người trên khoang. 2 ngày sau khi xảy ra sự cố, lượng cứu hộ phát hiện thi thể hành khách đầu tiên cùng nhiều mảnh vỡ của phi cơ.
Truc vot may bay gap nan duoi bien dien ra the nao?
Một mảnh vỡ từ thân máy bay QZ8501 được trục vớt. 
Đến tháng 1/2015, lượng cứu hộ phát hiện phần thân của máy bay QZ8501 nhưng liên tiếp gặp thất bại khi trục vớt. Theo đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân chính khiến những nỗ lực nhằm nâng phần thân của máy bay gặp nạn thất bại. Trong lần thất bại thứ nhất, một phao nổi dùng để kéo phần thân máy bay lên bờ bị xì hơi giữa chừng. Đến lần thứ 2, sợi dây thừng nối thân máy bay với một chiếc tàu kéo bị đứt khiến nhiệm vụ trục vớt thất bại. Đến ngày 27/2/2015, đội trục vớt mới thành công trong việc nâng phần lớn khoang và cánh của máy bay QZ8501. Hoạt động tìm kiếm nạn nhân kết thúc ngày 17/3 mặc dù thi thể của 56 người trong số 162 nạn nhân xấu số thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trên chưa được tìm thấy.
Sử dụng robot lặn biển
Máy bay Airbus 230 (chuyến bay MS804 từ Paris về Cairo) thuộc hãng hàng không Ai Cập EgyptAir chở 66 người rơi xuống Địa Trung Hải vào ngày 19/5/2016. Địa điểm nơi máy bay bị rơi là vùng biển có độ sâu khoảng 3.000m. Sau đó, một số mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy ở phía nam đảo Karpathos, thuộc vùng Nam Địa Trung Hải.
Đến ngày 1/6, công ty Alseamar của Pháp thông báo tàu lặn chuyên dụng Laplace của công ty này phát hiện tín hiệu của 1 trong 2 hộp đen của máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804.
Truc vot may bay gap nan duoi bien dien ra the nao?-Hinh-2
 Những mảnh vỡ máy bay Airbus A320 mang số hiệu MS804 của hãng EgyptAir được trục vớt ở vùng biển Địa Trung Hải.
Sau đó, lực lượng tìm kiếm và cứu hộ Pháp sử dụng robot lặn biển (triển khai từ tàu John Lethbridge) để trục vớt hộp đen của máy bay MS804. Theo đó, đến ngày 16/6, hộp đen của máy bay hãng EgyptAir được trục vớt. Hộp đen được tìm thấy là bộ ghi âm buồng lái, bị vỡ thành nhiều mảnh. Thông qua hộp đen này, các nhà điều tra sẽ tìm ra nguyên nhân máy bay Airbus 230 rơi từ những đoạn hội thoại giữa các phi công và những âm thanh trong buồng lái.
Tâm Anh (tổng hợp)

Bình luận(0)