Nếu trong nhà có một con heo như thế thì cũng đồng nghĩa với việc nhà ấy gặp những chuyện tai ương khủng khiếp, cơm không lành và canh không ngọt. Vậy nên, người ta tìm mọi cách để tống khứ nó đi như một thứ của nợ, một thứ vía không hay.
Chùa Dơi (còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc ở tỉnh Sóc Trăng) ngoài việc là nơi lưu trú của đàn dơi khổng lồ nổi tiếng xứ miền Tây thì đây còn là nơi chốn những con heo đặc biệt này cư ngụ, cả phần xác lẫn phần hồn!
Người lái heo đi làm lễ cầu siêu cho… heo
Trong lúc loay hoay tìm khu "nghĩa địa" heo thì phóng viên gặp một người đàn ông và một người đàn bà trạc tuổi 50 đang hỏi đường tới chỗ vị sư trụ trì ở đây. Vẻ mặt hai vợ chồng này hết sức hoảng hốt, người chồng lộ vẻ khắc khổ trông thấy, còn người vợ đang nhìn dáo dác tứ tung. Sau khi được anh bảo vệ chỉ dẫn, họ lao đi ngay. Về sau mới biết đôi vợ chồng này làm nghề lái heo (chủ lò giết mổ heo) từ huyện Châu Thành chạy xe máy sang đây nhờ chùa làm lễ cầu siêu cho… heo.
Mới nghe thì thấy hoang đường vì người ta thường cầu siêu cho người chứ ai đời lại cầu siêu cho gia súc! Vậy nhưng, đây là chuyện có thật, đã thế "nhân vật" được cầu siêu ở đây là một con heo năm móng đã chết.
Thì ra vợ chồng này làm nghề giết mổ heo. Thường thì người chồng đi chọn heo để bắt nhưng có một hôm vì bận đám cưới của người quen nên không đi được, đành giao việc đi chọn lựa cho một người khác. Tuy nhiên, người này xem qua loa nên không biết rằng trong số heo chọn đưa về có một con 5 móng. Tới khi làm thịt thì tất cả mọi người mới tá hỏa kinh hãi khi phát hiện ra con heo mình đang làm có tới 5 móng thay vì 4 móng như bình thường. Và thế là xác con heo đặc biệt này được "đắp chiếu" lại, bên cạnh là con dao đọng vết máu tươi, lông lá bềnh bềnh trên nền xi măng cùng mớ xô chậu loảng xoảng, tá lả.
|
Tiểu nghĩa địa heo nằm riêng một góc phía sau chùa Dơi. |
Vì người nơi đây không ai mà không biết tới heo năm móng nên ai cũng khiếp đảm. Vì sợ những chuyện chẳng may xảy ra đến gia đình mình nên sau lời gợi ý của người quen, hai vợ chồng vội vàng sang chùa Dơi xin làm lễ cầu siêu cho con heo nọ. Và toàn bộ nghi thức cầu siêu không khác gì cầu siêu cho người, chỉ có điều "nhân vật" chính là heo.
Ám ảnh heo thành tinh báo oán
Theo ông Hiếu, một người trong Ban Lễ nhạc của chùa cho biết: "Người Khmer chúng tôi rất sợ heo năm móng, heo ba giò, tức là heo có tới năm móng thay vì bốn móng như bình thường. Còn heo ba giò là một chân có màu đen, một chân có màu trắng. Những con heo đó là cốt tinh của người, là linh hồn của con người đầu thai. Ở kiếp trước, những người đó vốn gây nhiều tội ác, nên bị đày làm kiếp heo. Cũng chính vì mang linh hồn của kẻ ác, nên những gia đình nuôi nó sẽ gặp phải tai họa. Người Khmer tin rằng, gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, gia đình lục đục, vì bị con heo "thành tinh" này quấy phá. Tuy nhiên, nuôi cũng bất hạnh mà giết đi cũng bất hạnh. Cả nhà sẽ phải đền mạng. Chính vì thế, gia đình nào nuôi heo năm móng, ba giò, thì phải nuôi nó đến già quá mà chết đi. Chưa hết, khi nó chết, gia đình phải mai táng cẩn thận như người, may ra mới thoát kiếp nạn".
|
Nơi hỏa thiêu những con heo năm móng. |
Từ niềm tin đó mà với người dân ở vùng hạ nguồn sông Hậu này, heo năm móng, heo ba giò trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian cũng làm dày thêm niềm tin về một loài vật kỳ dị, mang lại những điềm gở, không tốt đẹp cho con người. Nhà nào mà lỡ nuôi thì coi như gặp… ma, không khí tang tóc bao trùm. Nhà nào lỡ giết thì kinh khủng hơn, giống như lỡ phạm vào một tội tày đình, ai cũng hoang mang, lo sợ.
Bà Thới, một người bán hoa quả trước chùa Dơi kể một câu chuyện xảy ra rất lâu rồi liên quan tới việc heo báo oán. Khi nhắc lại, trên gương mặt bà vẫn còn nguyên nỗi khiếp đảm ngày trước. Bà ghé tai tôi nói nhỏ, không dám nói lớn vì như sợ những con heo thành tinh này nghe được rồi "trả thù": "Sợ lắm cô ơi. Lát cô mà có vào khu mộ chụp hình hoặc tham quan cô nhớ chắp tay vái lạy nhé. Cách đây mấy năm, có một người lái heo vì đắc tội với bà Hợi mà bị điên, hiện giờ lang thang, phiêu dạt nơi nào không rõ. Chỉ biết là người nhà của anh ta thỉnh thoảng vẫn lên đây để cầu xin tha thứ.
Mặc dù nghe chuyện heo báo oán nhiều rồi nhưng anh ta là người không mê tín gì hết nên ra lệnh cho những người làm giết chết con heo năm móng. Khi giết xong, anh ta làm một bữa nhậu với lòng ruột của con heo này và còn vỗ ngực tự hào vì mình giết nó. Một thời gian sau, chẳng hiểu vì sao anh ta sinh điên, suốt ngày ăn nói linh tinh, tóc tai mọc dài ra không chịu cắt. Toàn lẩn thẩn gặm tóc hai bên đường, lúc đói thì ngửa tay xin người qua đường, trông rất thảm". Trước khi từ biệt bà Thới để đi tìm khu nghĩa địa heo, tôi vẫn không quên câu dặn dò của người đàn bà bán hoa quả này nói với theo: "Có tham quan hay chụp hình thì nhớ cúi người, vái 3 vái nhé. Thiêng lắm nghen"!
Trên là dơi, dưới là mộ phần của những ông Hợi, bà Hợi
Khu nghĩa địa nằm khuất phía sau của ngôi chùa. Cạnh đó là những gian nhà vệ sinh tuềnh toàng, cửa đóng cửa mở xộc xệch. Nói khu "nghĩa địa" nghe có vẻ to tát và nhiều người tin chắc ở đây có rất nhiều ngôi mộ heo nhưng khi đến tận nơi mới biết thực ra chỉ có 4 mộ phần mà thôi. Gọi tiểu nghĩa địa nghe còn có lí hơn! Trên mỗi mộ phần có ghi cả tên tuổi và thời gian mất của từng ông Hợi, bà Hợi.
Tiểu nghĩa địa nằm ngay dưới rặng cây già mà mỗi lần gió qua lại lắc rắc lá rơi. Nơi này diện tích nhỏ, cách khu vực chính của chùa vài trăm mét nhưng không khí khi bước vào rất lạ. Không biết có phải vì những câu chuyện nghe được hay nó vốn dĩ thế mà khi bước vào, lạnh lẽo, âm u là cảm giác xâm lấn. Và lại, có lẽ cũng ít người qua lại chỗ này nên xung quanh cũng chẳng được dọn dẹp gì cả, sự bừa bộn càng tăng thêm sự bí ẩn cho câu chuyện của những con heo thành tinh báo oán.
Cách khu mộ không xa, theo cổng sau của chùa Dơi băng qua con đường nhỏ cách 50m là "nhà" của những con heo năm móng, ba giò. Đây là nơi sinh sống của những con heo đặc biệt này. Khu vực này tách biệt hoàn toàn với chùa và có phần lạnh lẽo, hoang vắng hơn khu tiểu nghĩa địa kia. Nhà chùa còn làm hẳn một một chỗ để hỏa táng, gọi là lò thiêu để thiêu những con heo già hoặc bệnh mà chết đi. Trên lò thiêu, vẫn còn sót lại chân hương nhang cắm lả lả. Nhìn vào chuồng, có hai con heo lớn, một con heo bé. Trông chúng có vẻ hiền lành, một con đang nhởn nhơ cặm cụi gặm vài nhành cỏ còn sót lại chứ không có vẻ gườm gườm, đáng sợ như nhiều người vẫn kể.
|
Nhìn chúng chẳng có vẻ là những con heo "quái dị". |
Vì giết không được mà nuôi cũng chẳng xong nên những gia đình có heo năm móng, ba giò chẳng biết ai rủ ai đã mang chúng qua nhờ bóng từ bi của chùa. Xuất phát từ suy nghĩ nhà chùa với tiếng kinh Phật hằng ngày sẽ là nơi rửa sạch mọi bụi trần, "thuần dưỡng" những linh hồn tội lỗi nên nếu cho những con heo ấy đến đây thì mọi kiếp nạn của họ cũng được hóa giải.
Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì chùa Dơi cho biết: "Đúng là có nhiều câu chuyện không hay xảy ra liên quan tới sự tồn tại của những con heo đặc biệt này mà chính bản thân tôi cũng không giải thích được. Tuy nhiên, chỉ có heo năm móng là chủ yếu, chứ tôi chưa thấy heo ba giò. Vì sợ những xui xẻo, tai ương nên người ta lại mang những con heo ấy đến chùa gửi nuôi. Nói là gửi nuôi nhưng họ một đi không trở lại. Tuy nhiên, nhà chùa vẫn chấp nhận nuôi những con heo này cho tới lúc chúng già rồi chết đi. Khi chết thì nhà chùa sẽ chôn ở khu đất phía sau chùa. Chúng cũng bình thường như các con heo bình thường khác mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có một số người, chủ yếu là giới lái heo đến để nhờ chùa làm lễ cầu siêu".
Trụ trì Kim Rêne kể thêm rằng con heo đầu tiên mà nhà chùa nhận nuôi có tên là Năm Hợi. Sự việc diễn ra quá lâu rồi, ông không nhớ năm tháng nữa. Và một lần, có người khách từ TP. Hồ Chí Minh xuống và kể lại mẹ họ hóa kiếp thành con heo, sống ở chùa Dơi nên bà ấy tìm xuống tận đây mong các nhà sư ở chùa làm lễ cầu siêu để mẹ được siêu thoát. Chùa cũng không biết thực hư câu chuyện như thế nào nhưng làm được gì cho chúng sinh thì chùa làm mà thôi.
Vậy là chùa Dơi, trên cao là dơi quạ bay chao đi chao lại, dưới đất là heo kêu ủn ỉn và những mộ phần được lập nên bởi sự bao dung của nhà Phật. Để rồi mỗi lần bước chân vào ngôi chùa kì lạ bậc nhất miền Tây Nam Bộ này, chúng ta vẫn không khỏi thắc mắc. Cùng với những độc đáo về kiến trúc, văn hóa Phật giáo, phải chăng những bí ẩn này góp phần làm nên nét đặc biệt của ngôi chùa có từ thế kỷ XVI này?